Dự nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 86,9%
Hiện Agribank Sơn La có 22 điểm giao dịch, trong đó có 1 chi nhánh loại I, 10 chi nhánh loại II (huyện, thành phố) và 11 phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh loại II với 44 điểm giao dịch tại trung tâm cụm xã; 21 máy ATM. Đội ngũ cán bộ nhân viên là 365 người, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Trong 6 tháng năm 2019, các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của Agribank Sơn La cơ bản đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Đó là tiền đề để Agribank Sơn La tiếp tục thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2019.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Trang Trại Việt, ông Phạm Văn Hoa – Giám đốc Agribank Sơn La, cho biết: Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn huy động của Agribank Sơn La đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 163 tỷ, tốc độ tăng trưởng 2,2%. Tổng dư nợ cho vay đạt 14.754 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch năm 2019, tăng 336 tỷ đồng (tăng 4,5%) so với năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ sứ mệnh “tam nông” đạt 12.817 tỷ đồng, chiếm 86,9% tổng dư nợ.
Dư nợ cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP là 7.848,5 tỷ đồng, chiếm 53,2% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch 46,6 tỷ đồng; cho vay qua tổ vay vốn là 998 tổ với 28.406 thành viên, dư nợ 2.471 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn vay để hạn chế tín dụng đen; cho vay doanh nghiệp là 216 doanh nghiệp, dư nợ 5.041 tỷ đồng; dự nợ cho vay hợp tác xã (HTX) 28 tỷ đồng; dư nợ cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đinh vay là 9.685 tỷ đồng, chiếm 65,6% tổng dư nợ với 43.877 khách hàng… Nợ xấu chiếm 1,06% trên tổng dư nợ, dưới ngưỡng khống chế của Ngân hàng Nhà nước là 3%.
Thông qua các chính sách tín dụng thiết thực của Agribank Sơn La, các doanh nghiệp, HTX và hàng nghìn hộ dân vùng nông thôn Sơn La đã được cung ứng nguồn vốn kịp thời cho phát triển sản xuất, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Sơn La. Từ đó, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết được bài toán về việc làm, giảm nghèo, thu nhập, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Song song với nhiệm vụ cung ứng tín dụng vì sứ mệnh “tam nông” của tỉnh nhà, Agribank Sơn La còn cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng, hiện đại như ATM, CDM (máy gửi rút tiền tự động), hệ thống thanh toán online qua Internet banking, I-banking, POS, QR – code… phục vụ 24/24, đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an toàn và tiện lợi cho khách hàng.
Nông nghiệp Sơn La bứt phá
Với điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, cuối năm 2015, tỉnh Sơn La ban hành đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc nhằm thay thế cây trồng kém hiệu quả như cây ngô, cây sắn, để đưa ngành nông nghiệp Sơn La bước sang một trang mới. Đây có thể coi là một cuộc “cách mạng” làm thay đổi nền nông nghiệp của Sơn La trong mấy năm trở lại đây.
Bởi vậy, để hiện thực hóa chủ trương đó của tỉnh Sơn La, những năm qua Agribank Sơn La đã phối kết hợp với chính quyền địa phương từ tỉnh xuống huyện, các ban ngành, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xây dựng kế hoạch đầu tư vốn để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo các chương trình phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Đến hết tháng 6 năm 2019, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank Sơn La là 12.817 tỷ đồng, chiếm 86,9% tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay theo NĐ 55 là 7.848,5 tỷ đồng, chiếm 53,2% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là 46,6 tỷ đồng; dư nợ cho vay HTX là 28 tỷ đồng; dư nợ cho vay đối với thành viên HTX là 122,2 tỷ đồng.
Kết quả là, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Sơn La đã gặt hái được những con số cực kỳ ấn tượng. Tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La đến ngày 30/6/2019 là 62.734 ha, tăng 2,65 lần so với năm 2015 (23.673 ha); sản lượng các loại quả đạt 401.257 tấn, tăng 4,05 lần so với năm 2015 (99.075,8 tấn).
Toàn tỉnh có 588 HTX, tăng 33 HTX so với năm 2018; tăng 4,38 lần so với năm 2015. Số HTX nông nghiệp là 480 HTX chiếm 81,6% tổng số HTX, tăng 29 HTX so với năm 2018; HTX trồng cây ăn quả là 201 HTX chiếm 41,9% số HTX nông nghiệp, tăng 29 HTX so với năm 2018.
Năm 2019, doanh thu bình quân HTX nông nghiệp dự kiến đạt 2.040 triệu đồng/năm, tăng 2 lần so với năm 2015. Trong đó, doanh thu bình quân của HTX cây ăn quả đạt 3.000 triệu đồng/năm, tăng 2 lần so với năm 2015. Lợi nhuận bình quân HTX nông nghiệp đạt 177 triệu đồng/năm, tăng 2 lần so với năm 2015. Trong đó, lợi nhuận bình quân HTX cây ăn quả đạt 300 triệu đồng/năm, tăng 2 lần so với năm 2015.
Từ nguồn vốn của Agribank Sơn La tiếp sức, đến nay tỉnh Sơn La đã được cấp 68 mã số vùng trồng cây ăn quả với số diện tích là 3.290 ha, sản lượng đạt 47.390 tấn; 18 sản phẩm nông sản, thực phẩm được được xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Từ một tỉnh không xuất khẩu được sản phẩm nông sản nào ra thị trường thế giới thì từ năm 2018 đến nay, tỉnh Sơn La đã xuất khẩu được hàng trăm tấn nông sản như: Xoài, nhãn, chanh leo, bơ, chuối, cà phê, mận hậu, cà phê, chè, thanh long, rau màu các loại… sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Úc, Anh, Trung Quốc với giá trị nông sản đạt hơn trăm triệu USD.
Có thể nói, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Sơn La đạt được những kết quả bứt phá chưa từng có như trong thời gian qua không thể không kể đến vai trò cũng như sự đồng hành của Agribank Sơn La.