Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nâng cao chất lượng sản phẩm
Đến với các bản Mông, bản Thái ở Sặp Vạt hay Lóng Phiêng, Phiêng Khoài... của huyện Yên Châu, điều dễ cảm nhận được sự đổi thay trên từng nếp nhà nơi đây. Vườn xoài, vườn cam, bưởi đã phủ xanh bản làng, Yên Châu thành vựa cây ăn quả của đất Sơn La, đời sống của người dân ngày càng nâng cao. Đó là nhờ địa phương đảy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với mục đích liên kết, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gần chục hộ dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu góp vốn thành lập HTX Kiên Cường và chọn cây lê làm cây trồng chủ lực. Sau hơn 3 năm hoạt động, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, thương hiệu lê Phiêng Khoài đã được nhiều người biết đến, từ đó nâng cao thu nhập của thành viên.
Đưa chúng tôi thăm vườn lê, bà Đinh Thị Mây, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Kiên Cường chia sẻ: Năm 2014, qua tìm hiểu trên sách báo và trực tiếp tham quan mô hình trồng lê ở Lào Cai, gia đình tôi đã quyết định trồng 1.000 gốc lê Tai Nung, thay thế diện tích chè năng suất thấp. Đến giữa năm 2018, vườn lê cho lứa quả đầu tiên, cây nào cũng sai trĩu, quả to tròn, mọng nước. Ngay vụ bói quả đầu tiên, gia đình tôi đã thu trên 7 tạ quả, giá bán 40.000 đồng/kg, thu gần 30 triệu đồng. Vì vậy, các năm tiếp theo, tôi tăng dần diện tích trồng lê lên 4.000 gốc.
Với 6ha lê, mỗi năm gia đình chị Mây thu hơn 30 tấn quả, giá bán trung bình từ 40.000-80.000 đồng/kg tuỳ vào kích thước quả, bình quân thu về 600 triệu đồng.
Cũng theo bà Mây, để quả lê đạt chất lượng, năng suất cao, phải áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, tuân thủ kỹ thuật chăm bón, tạo tán, tỉa quả. Là loại cây ưa đất ẩm, từ khi đậu quả đến lúc thu hoạch phải đảm bảo đủ nước quả mới to, vỏ căng bóng, nhiều nước, ngọt. Ngược lại, nếu thiếu nước, quả bé và dễ rụng. Bí quyết để hạn chế quả bị rám vỏ, sâu đục, khi quả bắt đầu phát triển 3 tuần, tiến hành bọc quả. Nhờ phương pháp này, quả lê có mẫu mã đẹp, to đồng đều, vị ngọt đậm, giòn, khi bổ ra không bị thâm như các giống lê khác.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, từ năm 2021, bà Mây liên kết với các hộ trong vùng mở rộng diện tích lê và thành lập HTX Kiên Cường. Đến nay, HTX có 8 thành viên và liên kết các hộ dân trồng trên 70 ha lê. Từ khi tham gia HTX, các thành viên tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học chăm bón; bao quả để có mẫu mã đẹp. HTX còn thành lập tổ kiểm soát, thường xuyên kiểm tra các vườn lê, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Năm 2023, HTX thu trên 100 tấn quả, tổng thu nhập hơn 4 tỷ đồng; trung bình mỗi thành viên thu nhập 400-700 triệu đồng/năm.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững
Với trên 11.800ha cây ăn quả các loại, sản lượng hơn 74.000 tấn quả/năm, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và các địa phương chú trọng hướng dẫn, khuyến khích người dân, HTX ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó, chủ yếu là ghép nhãn chín muộn; thay thế một số loại cây ăn quả kém hiệu quả bằng giống xoài Úc, Thái Lan, xoài GL4 (Đài Loan), lê VH6 (Tai Nung); cải tạo lai ghép xoài tròn; chọn lọc giống, chăm sóc, tưới ẩm, tưới nhỏ giọt...
Đồng thời, chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy mô liền vùng, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho các loại quả đặc trưng. 5 năm qua, huyện đã hỗ trợ thực hiện mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt cho 8 HTX trồng cây ăn quả; triển khai thí điểm trạm quan trắc thông minh tại 2 xã Sặp Vạt và Phiêng Khoài, giúp cảnh báo thời tiết, phòng trừ sâu bệnh hại; hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới người dân...
Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Hiện trên địa bàn huyện Yên Châu có trên 560ha được người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đã có trên 70ha nhãn, 22ha xoài được cấp mã số vùng trồng và trên 350ha cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, liên kết với các đơn vị xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, sử dụng camera theo dõi trực tiếp, sản xuất theo hướng hữu cơ và liên kết với các đơn vị xuất khẩu.
Bên cạnh đó, huyện Yên Châu đã xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Vùng mận xã Phiêng Khoài; vùng nhãn xã Lóng Phiêng; vùng xoài xã Chiềng Hặc, với tổng diện tích gần 1.030 ha. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần nâng giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 60 triệu đồng/ha, giá trị các loại quả xuất khẩu đạt 5,9 triệu USD.
Cùng với đó, nhiều HTX, hộ gia đình trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là các biện pháp đốn tỉa, tạo tán, bao trái phòng, chống sâu bệnh, đầu tư các hệ thống tưới chủ động… tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Diện tích cây trồng trên địa bàn được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tăng dần, hình thành được nhiều mô hình, cách làm hay trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, như các mô hình chăm sóc mận, nhãn rải vụ tại các xã Tú Nang, Lóng Phiêng, Phiêng Khoài; mô hình chăm sóc xoài theo hướng hữu cơ tại xã Chiềng Hặc; mô hình phát triển dâu tây, lê tai nung tại xã Phiêng Khoài.
Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để huyện Yên Châu hình thành và mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đối với các sản phẩm chủ lực, hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, bền vững, đưa nông sản của huyện ngày một vươn xa.