Đi dọc Quốc lộ 6, đoạn chạy qua địa bàn huyện Yên Châu (Sơn La) sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đó là những chiếc bể bê tông được đậy kín nắp, đặt ngay ngắn bên lề đường. Gần đó là những vườn cây ăn quả tươi tốt, những ruộng lúa xanh rì.
Chỉ vào chiếc bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đặt ngay bên lề đường liên bản đã được bê tông hóa, ông Nguyễn Văn Binh, dân bản Hua Đán (xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), cho biết: "Chiếc bể này được đặt ở đây mấy năm rồi. Nó rất hữu ích. Trước đây, mỗi lần sử dụng xong, người dân trong bản lại vứt bừa bãi bao bì, vỏ chai, vỏ lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật, gây ô nhiễm mỗi trường. Được cán bộ huyện, xã tuyên truyền, vận động, người dân trong bản đã ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Vỏ bao bì, chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, được người dân bỏ vào bể, chứ không bạ đâu vứt đó nữa".
Theo thống kê của phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Yên Châu, tính đến thời điểm này, toàn huyện Yên Châu có 363 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đặt ở những nơi dễ quan sát, tập trung nhiều diện tích cây trồng các loại, thuận tiện cho người dân bỏ rác thải trong sản xuất.
"Từ khi có những bể chứa này, tình trạng người dân vứt tràn lan vỏ bao, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã giảm hẳn. Điều này cho thấy, ý thức, nhận thức và trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân các xã, bản đã được nâng lên rất nhiều" – ông Trần Văn Hoàng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Châu, nhấn mạnh.
Nói như ông Lù Văn Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, thì sự thay đổi đó bắt nguồn từ chương trình xây dựng nông thôn mới. "Qua hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Châu đã "gặt hái" được nhiều thành công. Đáng chú ý là vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn đã có sự vào cuộc tích cực từ phía người dân. Chúng tôi không chỉ tuyên truyền mà còn thể hiện thông qua những hành động cụ thể. Các ban, ngành, đoàn thể của huyện thường xuyên cử cán bộ, tổ công tác xuống xã, bản vận động và tham gia cùng với người dân dọn dẹp vệ sinh đường bản, ngõ bản... Qua đó đã góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường" – ông Cường cho hay.
Từ chỗ thay đổi về nhận thức, nhiều hộ dân ở các xã, bản của huyện Yên Châu chủ động di dời gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn và làm chuồng trại nuôi nhốt cẩn thận. Thay vì tiện đâu vứt đó, rác thải sinh hoạt đã được người dân thu gom bỏ vào hố, vào túi ni lông mang ra điểm tập kết. Việc quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm cũng được người dân các xã, bản tích cực tham gia. Nhiều tuyến đường tự quản do các tổ chức hội, đoàn thể ở xã, bản phụ trách, thường xuyên được dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo phong quang, sạch đẹp.
"Rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện được thu gom, vận chuyển bằng xe chở rác chuyên dụng, xe ô tô tải, xe đẩy tay đến bãi rác thị trấn Yên Châu. 9/14 xã trong huyện có mạng lưới thu gom rác thải sinh hoạt, tập trung ở các địa bàn đông dân cư, dọc theo Quốc lộ 6, khu ven đô thị và gần trung tâm xã. Khối lượng thu gom, xử lý tại các xã trong huyện lên đến hơn 19 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày" – ông Hoàng thông tin.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, huyện Yên Châu đã đạt được nhiều bước tiến trong công tác vệ sinh môi trường. Người dân các xã, bản trong huyện ngày càng nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.