dd/mm/yyyy

Xuất khẩu thuỷ sản: Chờ ngày mưa tan

Đà giảm xuất khẩu thuỷ sản vẫn chưa dứt do chịu ảnh hưởng bởi lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc - Thị trường được đặt nhiều kỳ vọng nhất cũng chưa cho thấy sự khởi sắc.

Không quá kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc

Không giống như những gì kỳ vọng về sau sự mở cửa của Trung Quốc, đà giảm của xuất khẩu thuỷ sản vẫn chưa thể dứt.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 4 tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, xuống 810 triệu USD. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu thuỷ sản: Chờ ngày mưa tan - Ảnh 1.

Doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.

Xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường được đặt nhiều kỳ vọng rằng sẽ “kéo” ngành thuỷ sản khỏi chuỗi nhiều tháng lao dốc, lại khiến nhiều doanh nghiệp thất vọng. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 363 triệu USD, giảm 31%, theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan.

Nguyên nhân chính là xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán.

Mở cửa sau đại dịch COVID-19, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng giảm phát - trái ngược với xu hướng chung của thế giới, do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hoá giảm sút. Do đó, giá thuỷ sản xuất khẩu sang thị trường này giảm theo. Chính sản xuất nội địa của Trung Quốc cũng đang khó khăn vì chi tiêu của khách hàng yếu hơn dự kiến.

Xuất khẩu thuỷ sản: Chờ ngày mưa tan - Ảnh 2.

Ngoài ra, hai mặt hàng thuỷ sản lớn của Việt Nam là tôm và cá tra cũng tiếp tục chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ.

Với mặt hàng tôm, Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh với tôm nguyên liệu giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ nhất là trong bối cảnh hai quốc gia này cũng không thể xuất khẩu nhiều sang EU và Mỹ do nhu cầu yếu và họ chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc như một biện pháp thay thế.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết giá thành tôm nguyên liệu hiện nay Việt Nam cao hơn 30% so với Ấn Độ và cao hơn gấp đôi so với Ecuador đã làm con tôm Việt Nam mất sự cạnh tranh so với tôm các nước.

Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, lượng tôm nước này nhập khẩu từ Việt Nam trong quý I giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái xuống 1.904 tấn. Trong khi đó, lượng tôm Ecuador xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 43% lên 179.094 tấn. Ấn Độ đứng vị trí thứ hai 25.796 tấn, tăng 16%.

Tính đến tháng 3, thị phần tôm của Ecuador và Ấn Độ tại Trung Quốc đang ở thế áp đảo, lần lượt 79% và 8%; trong khi Việt Nam chỉ vỏn vẹn 1%, thu hẹp so với con số 3% của cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thuỷ sản: Chờ ngày mưa tan - Ảnh 3.

Còn với mặt hàng cá tra, chiếm tỷ trọng 55% xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, áp lực cạnh tranh đến từ mặt hàng cá minh thái đã khiến kim ngạch xuất khẩu chưa được như mong đợi.

Trong quý I, Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất là cá minh thái với gần 200.000 tấn, tiếp đến là mực với gần 94.000 tấn trong khi lượng cá tra nhập khẩu chỉ đạt 45.000 tấn với giá trung bình 2,18 USD/kg, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022.

"Nếu phải mô tả tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc, thì đó sẽ là ‘giảm phát đã bắt đầu’ và nền kinh tế có thể đã rơi vào vùng suy thoái. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chưa hồi phục trong giai đoạn giảm phát", VASEP nhận định.

Kết quả kinh doanh lao dốc 

Tác động tiêu cực của thị trường đã thể hiện rõ trên các con số kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuỷ sản trong quý I.

Xuất khẩu thuỷ sản: Chờ ngày mưa tan - Ảnh 4.

CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, ghi nhận doanh thu thuần quý I giảm 31% so với cùng kỳ đạt 2.222 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 59% đạt 226 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là sự tăng đột biến của chi phí tài chính do lãi vay tăng cao và lỗ chênh lệch tỷ giá.

Hay “ông vua” mảng tôm, CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Mã: MPC) đã có quý lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết với mức lỗ 97 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước đạt 90 tỷ đồng). Doanh thu hợp nhất quý I của Minh Phú đã giảm 50% so với cùng kỳ.

Theo giải trình của Thuỷ sản Minh Phú, kết quả kinh doanh “đi xuống” là do các công ty nuôi tôm thương phẩm Minh Phú Lộc An, Minh Phú Kiên Giang và công ty sản xuất tôm giống Minh Phú Ninh Thuận hoạt động không hiệu quả. Công ty cũng phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 76 tỷ đồng trong kỳ.

“Ngành thuỷ sản giảm sút không nằm ngoài dự báo của chúng tôi nhưng các doanh nghiệp vẫn rất sốc. Cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản đang rất khó khăn trước tình hình hiện nay. Thậm chí có doanh nghiệp vẫn chưa ký đơn hàng cho các tháng quý II”, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư Ký VASEP, cho hay.

Bà Lan phân tích lạm phát và khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ, thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất Việt Nam, đã tác động lớn đến đơn hàng của các doanh nghiệp. Cuộc khủng hoảng này làm cho ngân hàng thắt chặt tín dụng đối với các nhà nhập khẩu và họ không đủ tiền để nhập những đơn hàng lớn. Tác động này còn lan sang cả Canada và EU.

Đây cũng là thời điểm mà các nhà nhập khẩu đang cơ cấu lại kho hàng, giảm giá để xả kho, chuẩn bị cho các đợt hàng mới. Năm ngoái họ mua hàng nhiều bởi lo sợ có thể xảy ra những đợt đứt gãy nguồn cung. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ không được như kỳ vọng do ảnh hưởng bởi lạm phát khiến hàng tồn kho tăng lên.

Bên cạnh đó, thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm. Giờ đây, người Mỹ đã tính tới việc cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, một số người thậm chí còn mua và ăn ít hơn. Người tiêu dùng đang tìm cách chỉ chi tiêu cho những hàng hóa mà họ thực sự cần.

Tình trạng đó khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ duy trì mức giảm sâu 51% trong tháng 4, khiến Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước đạt 412 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ. Đồng thời, Mỹ không còn là thị trường tiêu thụ thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam.

Xuất khẩu thuỷ sản có thể phục hồi từ quý II

Nhận định xu hướng thị trường của một số sản phẩm thủy sản chủ lực trong nửa đầu năm 2023, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông (VASEP) cho rằng thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, xu hướng chung là xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm, vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia.

Xuất khẩu cá tra khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát giảm nhiệt ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn. Nhu cầu về cá tra tại các thị trường xuất khẩu chính được dự báo sẽ phục hồi sau thời gian xả hàng tồn kho. Các doanh nghiệp sẽ tăng cường nhập hàng trở lại để phục vụ cho nhu cầu cuối năm.

“Hiện hàng tồn kho bên Mỹ cũng đã cạn dần và nhu cầu nhập hàng của họ sẽ quay trở lại”, bà Lan Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết. Bà khuyến cáo các doanh nghiệp không nên vội bán hàng với giá rẻ mà chờ đợi đến quý III và quý IV để có giá tốt hơn.

Theo VASEP, xuất khẩu cá tra được kỳ vọng hồi phục trở lại vào quý III, nhờ các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại và chủ yếu kỳ vọng vào Trung Quốc, một số nước châu Âu như Anh, Đức, Bồ Đào Nha, các thị trường Trung Đông. Tuy vậy, theo dự báo của VASEP thị trường cá tra cũng đang đứng trước khả năng bị thiếu hụt nguồn cung, là một trong những yếu tố thúc đẩy giá cá tra tăng.

Tính đến thời điểm đầu tháng 4, giá cá tra nguyên liệu khoảng 27.000 đồng/kg sau khi chạm mốc gần 31.000 đồng/kg hồi tháng 2 nhờ kỳ vọng thị trường Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy nhu cầu mặt hàng này.

Qua khảo sát các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho thấy quý III và IV có thể thiếu cá nguyên liệu cục bộ do giá cá giống quá cao và chất lượng cá giống không tốt, tỷ lệ chết nhiều. Trong khi trước đó, nhiều doanh nghiệp đã phải “xả hàng” giải phóng bớt lượng hàng tồn kho giá cao để đảm bảo dòng tiền và hiện hàng chỉ còn đủ dùng đến quý II.

“Dự kiến sản lượng cá năm nay khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, giảm so với con số 1,7 triệu tấn của năm ngoái”, bà Lan dự báo. Đại diện VASEP cho rằng xuất khẩu thủy sản có thể sẽ hồi phục dần từ quý II/2023 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và châu Âu và khởi sắc từ quý III khi thị trường tiêu thụ tốt hơn. Thị trường Trung Quốc được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục vì dự đoán tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ bùng nổ vào năm 2023, với 1,4 tỷ dân số được giải phóng khỏi các đợt phong tỏa do COVID-19 và quay trở lại chi tiêu cho việc ăn uống bên ngoài.

“Người Trung Quốc đã dự trữ từ 1.500 tỷ đến 2.000 tỷ USD "tiết kiệm hộ gia đình dư thừa" trong thời gian phong tỏa, do vậy dự đoán chi tiêu cho thủy hải sản sẽ gia tăng trong thời gian tới”, bà Lê Hằng cho hay.


H. Mĩ