dd/mm/yyyy

Xu thế chung là giá gạo trong thời gian tới vẫn ở mức cao

Tuần qua, giá gạo ở các “vựa lúa gạo” tiếp tục giảm. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, nhiều doanh nghiệp cho hay thị trường đang gián đoạn trong thời gian ngắn để khớp giá. Thực tế, dù cần hàng nhưng khi giá bị đẩy quá cao, các nhà nhập khẩu cũng không dễ dàng chấp nhận.

Cập nhật giá lúa gạo mới nhất ngày 17/9 

Thuế áp lên gạo đồ đã tác động đến hoạt động xuất khẩu ở Ấn Độ trong tuần này, trong khi đó giá gạo của Việt Nam và Thái Lan tiếp tục giảm so với mức cao gần đây.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ vẫn ở mức 525-535 USD/tấn, gần mức kỷ lục 520-540 USD/tấn đạt được vào ngày 31/8. Tại Ấn Độ hoạt động mua bán gạo đã chậm lại.

Giá gạo thế giới đã tăng vọt sau khi Ấn Độ áp thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu từ ngày 25/8 bên cạnh các biện pháp hạn chế xuất khẩu hiện có đối với gạo trắng non-basmati. Các nhà bán gạo Ấn Độ chỉ đưa ra mức giá tham khảo cho người mua. Không ai mua hàng ở mức giá này vào thời điểm này của Ấn Độ.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn 613-615 USD/tấn so với mức 620 USD/tấn trong tuần trước. Giá gạo Thái giảm do đồng baht yếu hơn nhưng vẫn ở mức cao, đồng thời nông dân đang xem xét tăng sản lượng. Việc giao hàng đối với gạo Thái chỉ được thực hiện theo mức giá đã thỏa thuận trước đó tới Iraq, Philippines và Malaysia.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống còn 620 USD/tấn so với mức 630-640 USD/tấn trong tuần trước, người mua từ Philippines vẫn khá trầm lắng.

Tuy nhiên, nguồn cung khan hiếm và nhu cầu ngày càng tăng từ châu Phi và Indonesia đã và sẽ hạn chế sự sụt giảm của giá gạo Việt.

Xu thế chung là giá gạo trong thời gian tới vẫn ở mức cao - Ảnh 1.

Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua đạt gần 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng tới 20% so cùng kỳ.

Giá lúa gạo hôm nay ngày 17/9 tại Đồng bằng sông Cửu Long biến động trái chiều giữa mặt hàng lúa và gạo.

Cụ thể, tại kho An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa gạo duy trì ổn định trong phiên giao dịch cuối tuần.

Theo đó, lúa OM 18 ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg, OM 5451 có mức giá 7.700 - 8.100 đồng/kg; Đài thơm 8 ổn định ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.000 - 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Với lúa nếp, nếp An Giang khô ở mức 9.200 - 9.400 đồng/kg; nếp Long An khô dao động 9.300 - 9.450 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, hôm nay cũng không có biến động so với hôm qua. Theo đó, gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.700 - 11.900; gạo thành phẩm IR 504 giữ ổn định ở mức IR 504 ở mức 13.750 - 13.800 đồng/kg.

Trong tuần qua, giá lúa gạo trong nước liên tục biến động trái chiều khi điều chỉnh giảm vào đầu tuần. 2 phiên cuối tuần, giá lúa gạo có xu hướng tăng trở lại.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu hôm nay duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 613-620 USD/tấn và gạo 25% tấm dao động quanh mốc 598-602 USD/tấn.

Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu biến động mạnh khi điều chỉnh giảm mạnh 15 USD/tấn. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, nhiều doanh nghiệp cho hay thị trường đang gián đoạn trong thời gian ngắn để khớp giá. Thực tế, dù cần hàng nhưng khi giá bị đẩy quá cao, các nhà nhập khẩu cũng không dễ dàng chấp nhận. Xu thế chung là giá gạo trong thời gian tới vẫn ở mức cao khi nhiều nước bị mất mùa, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến còn kéo dài đến năm 2024.

Tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng của năm 2023 đạt gần 6 triệu tấn (còn khoảng 1,2 triệu tấn sẽ bằng lượng gạo xuất khẩu của năm 2022). Vụ Thu Đông 2023, Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống gần 700.000ha lúa, với sản lượng ước đạt gần 4 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 2 triệu tấn gạo.

Với con số này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể đạt hoặc vượt mức xuất khẩu năm 2022. Vì bình quân mỗi tháng, các doanh nghiệp có thể xuất được 400.000 tấn gạo.

Như vậy, 4 tháng cuối năm nay, ta xuất khẩu khoảng 1,6 triệu tấn gạo. Do đó, con số 1,2 triệu tấn gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2023 nằm trong tầm khả năng của doanh nghiệp. Thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh gạo Việt đang bắt đầu đàm phán với khách hàng để tìm thị trường xuất khẩu gạo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam đang duy trì 7,1 triệu ha sản xuất lúa hàng năm, với sản lượng đạt từ 43 - 43,5 triệu tấn. Nếu giá lúa gạo tốt, thị trường tốt thì có thể mở rộng thêm diện tích. Ngoài mở rộng diện tích vụ Thu Đông thì mở thêm diện tích đã từng chuyển đổi sang mục đích khác, khi giá lúa gạo tốt có thể trở lại sản xuất lúa. Điều này, nông dân đã từng làm rất tốt. Cùng với đó là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để chi phí giảm, mà năng suất vẫn tăng.

Nguyễn Phương