Xóa nhà tạm, nhà dột nát và câu chuyện lan tỏa nghĩa tình của Hội Nông dân tỉnh Lai Châu

Tuấn Hùng

10/05/2025 14:05 GMT +7

Thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát, các cấp Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã khơi dậy sức mạnh đoàn kết, nghĩa tình của cộng đồng. Tinh thần "lá lành đùm lá rách" đã trở thành những viên gạch, bao xi măng, những ngày công đổ mồ hôi... để tạo nên những nếp nhà mới khang trang cho hội viên nông dân khó khăn.

Cụ thể hoá lời nói bằng việc làm cụ thể

Mỗi khi nhắc đến Lai Châu, chúng ta thường hình dung về những dãy núi trùng điệp, về sự khắc nghiệt của thời tiết và cả những hoàn cảnh còn nhiều gian khó. Giữa bộn bề ấy, một luồng sinh khí mới đang lan tỏa, một cuộc "tổng tấn công" vào những căn nhà tạm bợ, dột nát đang bước vào giai đoạn “chạy nước rút”. Và ở "trận địa xóa nhà tạm, nhà dột nát” này, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đang khơi dậy sức mạnh đoàn kết, nghĩa tình của cả cộng đồng.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát không còn là những lời kêu gọi suông ở các cấp Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, tinh thần "lá lành đùm lá rách" đã trở thành những viên gạch, những bao xi măng, những ngày công đổ mồ hôi trên khắp các nẻo đường, bản làng. Ảnh: HND Lai Châu

"Ai có gì giúp nấy, ai có của giúp của, ai có công giúp công...", phương châm nghe mộc mạc mà thấm đẫm tình người ấy đang được các cấp Hội Nông dân tỉnh Lai Châu hiện thực hóa một cách mạnh mẽ.

Ngay sau tiếng "kèn lệnh" từ Ban Chỉ đạo tỉnh, Hội Nông dân các cấp đã lập tức "xắn tay" vào cuộc. Từ việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động, đến việc "cân đo đong đếm" từng nguồn lực tại chỗ và "vươn tay" kêu gọi sự chung tay từ bên ngoài. Khí thế "chung tay" ấy đã trở thành một "liều thuốc tinh thần" lan tỏa khắp các cấp Hội.

Đó là khẳng định đầy tự tin của ông Phạm Ngọc Đang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu trong cuộc trao đổi "nóng hổi" ngay tại trụ sở Hội. Vẫn còn vương chút bụi đường sau những chuyến công tác cơ sở, ánh mắt vị Phó Chủ tịch ánh lên sự quyết tâm: "Chúng tôi hiểu rằng, bà con mình khổ cực vì những căn nhà dột nát bao nhiêu năm rồi. Bởi vậy, Hội không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi. Chúng tôi phải hành động, phải cụ thể hóa từng lời nói bằng những việc làm thiết thực nhất".

Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên, nông dân ở huyện Nậm Nhùn, Lai Châu do các cấp Hội Nông dân tỉnh Lai Châu thực hiện. Ảnh: HND Lai Châu

Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này là những con số biết nói: Hơn 15.000 ngày công lao động nghĩa tình, hơn 332 triệu đồng tiền mặt và vật liệu đã được cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh đóng góp. Rồi những hình ảnh xúc động tại Sìn Hồ, Mường Tè, Tân Uyên… nơi cán bộ Hội cùng bà con đào móng, vận chuyển vật liệu, dựng từng cột nhà cho những hộ nghèo khó.

"Ở Vàng San, Mường Tè, anh thấy đấy, có tới 184 hội viên đang sống trong những căn nhà không đảm bảo. Anh em trong Hội đã phải "cắm bản" để khảo sát, nắm chắc từng hoàn cảnh. Rồi từ đầu năm đến nay, đã có hơn 200 ngày công được huy động để giúp bà con xây mới, sửa chữa được 30 căn nhà rồi đấy", ông Phạm Ngọc Đang chia sẻ đầy tự hào.

Để cảm nhận rõ hơn "sức nặng" của sự chung tay ấy, chúng tôi đã tìm đến bản Nà Phát, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, gặp gỡ ông Lò Văn Thé, một trong những hộ nông dân nghèo vừa được hỗ trợ xây nhà. Khuôn mặt khắc khổ của người nông dân chất phác ánh lên niềm vui khôn tả khi nhắc đến ngôi nhà mới đang dần thành hình.

"Tôi thực sự xúc động lắm chú ạ. Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, rồi cán bộ huyện, xã còn xuống tận nhà động viên, giúp tôi buộc sắt, chuẩn bị vật liệu để đổ cột, đổ móng nữa...", giọng ông Thé nghẹn ngào.

Ông Lò Văn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Lai Châu cùng các đồng chí lãnh đạo Hội và cơ sở thăm hỏi, động viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát ở địa bàn huyện Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: HND Lai Châu

Ngôi nhà mới của gia đình ông Thé rộng 35m2, đạt tiêu chí "3 cứng" – nền cứng, khung cứng, mái cứng – một giấc mơ tưởng chừng xa vời nay đã sắp trở thành hiện thực nhờ sự hỗ trợ 60 triệu đồng từ chương trình. Không chỉ vậy, cán bộ, công chức Hội Nông dân tỉnh còn "gom góp" gửi tặng riêng gia đình ông thêm 2 triệu đồng.

"Có ngôi nhà này rồi, gia đình tôi không còn phải lo cảnh mưa dột, gió lùa nữa. Đây là động lực lớn lắm để chúng tôi cố gắng làm ăn, ổn định cuộc sống", ông Thé tâm sự, ánh mắt nhìn về phía ngôi nhà đang xây với niềm hy vọng tràn đầy.

Lan tỏa nghĩa tình "không ai bị bỏ lại phía sau"

Không chỉ dựa vào nội lực, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu còn tích cực "mở rộng vòng tay", kêu gọi sự chung tay của các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh hỗ trợ nhằm sớm đạt mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên, nông dân.

Tinh thần "lá lành đùm lá rách" thể hiện rõ từ phong trào quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát ở các cấp Hội Nông dân tỉnh Lai Châu. Ảnh: HND Lai Châu

Câu chuyện về gia đình ông Liều A Dau ở bản Can Tỷ 2, xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ là một minh chứng điển hình. Nhờ sự vận động của Hội, Hội từ thiện Khai tâm tại Hà Nội đã hỗ trợ 50 triệu đồng, giúp gia đình ông xây được căn nhà mới khang trang trị giá hơn 100 triệu đồng.

"Đây không chỉ là những con số về ngày công hay tiền bạc. Đằng sau đó là cả một câu chuyện về tình làng nghĩa xóm, về sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau. Và quan trọng hơn, nó thắp lên niềm tin, hy vọng cho những người nông dân còn gặp khó khăn", Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu Phạm Ngọc Đang nhấn mạnh.

Thời gian đang "chạy đua" với mục tiêu hoàn thành toàn bộ chương trình trước ngày 25/6. Các cấp Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ban, ngành để "tăng tốc", "về đích" đúng hẹn.

Đến thời điểm này, đã có hơn 15.000 ngày công lao động nghĩa tình, hơn 332 triệu đồng tiền mặt và vật liệu đã được cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh đóng góp xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ảnh: HND Lai Châu

"Chúng tôi quyết tâm hoàn thành mục tiêu này, bởi đây là hành động thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tổ chức Hội đến đời sống của hội viên, để bà con sớm có chỗ “an cư, lạc nghiệp”, ổn định cuộc sống. Đây cũng là cách chúng tôi góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, đảm bảo mục tiêu 'không ai bị bỏ lại phía sau'", ông Phạm Ngọc Đang khẳng định.

'Xóa nhà tạm, dựng niềm tin' ở Bình Định: Cuộc 'chạy đua' vì người nghèo

"Xóa nhà tạm, dựng niềm tin" ở Bình Định: Cuộc "chạy đua" vì người nghèo

Không khó để thấy, chính sự gần dân, bám sát thực tế cơ sở là điều làm nên thành công trong câu chuyện "xoá nhà tạm, nhà dột nát" tại Bình Định. Bình Định đang chứng minh rằng: xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là việc cần làm, mà còn là việc phải làm – làm nhanh, làm tốt và làm bằng tất cả trái tim.

Xóa nhà tạm, hướng tới giảm nghèo bền vững nơi vùng cao Sơn La

Xóa nhà tạm, hướng tới giảm nghèo bền vững nơi vùng cao Sơn La

Hàng chục ngôi nhà mới cho hộ nghèo được dựng lên, giúp bà con ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

EVNSPC hỗ trợ gần 1 tỷ đồng xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh Lâm Đồng

EVNSPC hỗ trợ gần 1 tỷ đồng xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh Lâm Đồng

Thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.