dd/mm/yyyy

XK tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, thủy sản Việt đã có trên kệ siêu thị trên toàn thế giới

Thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có mặt trên kệ siêu thị trên toàn thế giới. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2024, xuất khẩu thủy sản đạt 916 triệu USD, tăng 9% so với tháng trước.

Dù đã có khởi sắc về thị trường, giá xuất khẩu và được dự báo sẽ tăng mạnh vào cuối năm 2024, nhưng lĩnh vực thủy sản còn phải đối mặt nhiều thách thức từ nay đến cuối năm, trong đó phải thích ứng với quy định mới của châu Âu.

Xuất khẩu đạt hơn 5,3 tỷ USD trong 7 tháng năm 2024

Thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có mặt trên kệ siêu thị trên toàn thế giới. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2024, xuất khẩu thủy sản đạt 916 triệu USD, tăng 9% so với tháng trước. Tính chung trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam đạt 5,33 tỷ USD, tăng 8%, tương ứng tăng 396 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đem về trên 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu hàng thủy sản trong 7 tháng năm 2024 sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ đạt 964 triệu USD, tăng 12,8%; Nhật Bản đạt 840 triệu USD, tăng 0,1%; Trung Quốc đạt 837 triệu USD, tăng 11,6%; Liên minh châu Âu (EU) đạt 596 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá thêm về thị trường xuất khẩu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong khi xuất khẩu thuỷ sản sang Hoa Kỳ và EU chủ yếu là sản phẩm đông lạnh, thì trong bức tranh chung xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc, các mặt hàng tươi, sống là điểm nhấn.

Xét về phân khúc sản phẩm đông lạnh, Hoa Kỳ và EU sẽ là 2 thị trường kỳ vọng trong nửa cuối năm trước với những tín hiệu tích cực như kinh tế hồi phục, lạm phát giảm, lãi suất giảm có thể sẽ kích cầu ở những thị trường này. Trong khi đó, xuất khẩu hàng đông lạnh sang Trung Quốc vẫn chưa đột phá với giá tương đối thấp. Đổi lại, Trung Quốc lại là điểm đến số 1 cho phân khúc thủy sản tươi sống phục vụ cho nhà hàng, khách sạn, du lịch. Do vậy, các mặt hàng tươi sống như tôm hùm, cua, ngao, ốc... của Việt Nam sẽ vẫn hút khách hàng Trung Quốc trong thời gian tới.

VASEP hy vọng, năm nay tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quý III và quý IV. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 5,5 tỷ USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2024 tới gần 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023.

Thách thức từ các quy định mới

Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản nói chung, doanh nghiệp thủy sản nói riêng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như nỗi lo thiếu nguyên liệu cho chế biến vì dịch bệnh, có thể đẩy giá xuất khẩu tăng nhưng không bền vững. Ngoài ra, xung đột ở Biển Đỏ khiến giá cước vận tải tăng cao, xung đột thương mại giữa các nước làm xáo trộn dòng chảy thương mại thủy sản, tồn kho lớn ở các thị trường nhập khẩu… cũng là những thách thức lớn cho xuất khẩu thủy sản cuối năm.

Đặc biệt, EU vừa ban hành những quy định mới về nhập khẩu thủy sản, thay đổi cách thức phân loại các sản phẩm nhập khẩu từ việc dựa trên tỷ lệ nguồn gốc động vật sang sức khỏe cộng đồng và sức khỏe động vật. Quy định mới này thuộc sáng kiến “Quy định thông minh hơn” của EU, bao gồm ba quy định nền tảng: kiểm soát nhà nước, sức khỏe động vật và sức khỏe thực vật. Theo quy định 2017/625 của EU, các sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. EU đã thiết lập hệ thống quản lý thông tin kiểm soát (IMSOC) để giám sát và phân loại sản phẩm theo mức độ rủi ro, từ đó áp dụng các quy định tương ứng.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, để xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phải được đăng ký trong hệ thống IMSOC và đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, vệ sinh và truy xuất nguồn gốc. Quá trình kiểm soát nhập khẩu bao gồm kiểm tra giấy tờ đi kèm, xác minh chứng nhận và kiểm tra trực tiếp chất lượng hàng hóa như bao bì, nhiệt độ và thành phần sản phẩm.

Việc áp dụng các quy định mới của EU đã đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Số lượng cơ sở sản xuất và chế biến trong nước được công nhận để xuất khẩu sang EU còn hạn chế, chủ yếu là các cơ sở chế biến và kho lạnh. Các lô hàng xuất khẩu phải trải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, bao gồm lấy mẫu và cấp chứng nhận an toàn thực phẩm theo yêu cầu của EU, điều này có thể gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mới.

Thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước

Hội chợ triển lãm quốc tế Thủy sản Việt Nam 2024 (Vietfish 2024) có chủ đề "Thủy sản xuất khẩu cho người Việt" diễn ra từ ngày 21/8 đến hết ngày 23/8/2024 do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút hơn 280 đơn vị triển lãm và 496 gian hàng đến từ Việt Nam và 15 quốc gia. Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Vietfish 2024 sẽ góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chất lượng tại thị trường trong nước trong bối cảnh thị trường xuất khẩu có nhiều khó khăn.

P.V