dd/mm/yyyy

Xây dựng nông thôn mới tạo "cú huých" giúp xã vùng cao ở Yên Châu đổi thay

Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Châu (Sơn La). Thực hiện xây dựng nông thôn mới, mấy năm gần đây, Chiềng On từng bước chuyển mình. Cuộc sống của bà con người Mông, Xinh Mun… nơi đây đã được nâng lên rõ rệt.

Cách đây hai thập niên tôi đã từng có dịp đến với xã biên giới Chiềng On. Nơi có anh hùng lao động Vì Văn Ỏm – có công lớn trong việc vận động người dân xóa bỏ cây thuốc phiện và cai nghiện thuốc phiện. Bẵng đi cả thời gian dài, nay chúng tôi mới trở lại Chiềng On. Điều dễ nhận thấy là điện đường, trường, trạm nơi này đã có sự thay đổi rõ rệt. Đường ô tô đã đến tới những bản cao xa xôi nhất mà ngày trước chỉ có cách đi bộ. Bản trên, bản dưới không còn cảnh đói quay, đói quắt như trước. Bà con người Xinh Mun, người Mông đã chủ động trong sản xuất và thay đổi cách làm, nhờ vậy mà cuộc sống của họ đã bước sang trang mới.

Xây dựng nông thôn mới tạo "cú huých" giúp xã vùng cao ở Yên Châu đổi thay- Ảnh 1.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng nông thôn, xã Chiềng On,, huyện Yên Châu, Sơn La đổi thay rõ rệt từ cơ sở hạ tầng đến phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Ảnh: Gia Tưởng

Toàn dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Đường vào bản Nà Đít đã được bê tông hóa. Bà con người Xinh Mun đang tất bật thu hoạch lúa mùa. Xe ô tô, xe máy, máy tuốt lúa chạy bon bon trên đường. Nhờ có con đường lớn này mà người dân Xinh Mun đã đưa được máy móc vào sản xuất, giải phóng được đôi vai và đôi chân. Bởi lẽ, trước thời điểm bản thực hiện xây dựng nông thôn mới, con đường vào bản quanh năm lầy lồi, ổ trâu, ổ gà… nối nhau. Công dân đầu tiên của bản mà chúng tôi gặp là ông Vì Văn Xồm, Bí thư Chi bộ bản Nà Đít. Ông Xồm có thâm niên làm cán bộ bản hơn hai mươi năm, nên tình hình của bản ông nắm trong lòng bàn tay.

Nhà ông Xồm đã được xây dựng kiên cố. Quanh nhà là vườn rau xanh mướt, gà, vịt đầy sân. Ông Xồm cho biết: "Bản Nà Đít là nơi sinh sống của 170 hộ dân người Xinh Mun. Bao đời nay, cuộc sống của bà con trông vào sản xuất nông nghiệp là chính. Ngày trước, cái đói, cái nghèo còn hiện hữu trên từng nếp nhà. Sau nhiều năm kiên trì thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhờ vậy mà số hộ nghèo đến nay đã giảm rất nhiều. Vui hơn cả là từ khi thực hiện xây dựng chương trình nông thôn mới do chính quyền phát động, từ mỗi nếp nhà nơi đây đã có sự thay đổi rõ rệt".

Xây dựng nông thôn mới tạo "cú huých" giúp xã vùng cao ở Yên Châu đổi thay- Ảnh 2.

Phát triển cây ăn quả, nông dân ở xã Chiềng On, huyện Yên Châu, Sơn La có thu nhập cao, góp phần cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Gia Tưởng

Ban đầu nghe cán bộ vận động xây dựng chương trình nông thôn mới, ai cũng nghĩ nó là chủ trương lớn lao và to tát lắm. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện bà con mới dần hiểu nông thôn mới là bà con cùng nhau xây dựng từ những việc nhỏ nhất như vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, cùng nhau hiến đất làm đường rồi chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nỗ lực đưa gia đình thoát nghèo … Con đường lớn dẫn vào bản có sự hiến đất của nhiều hộ gia đình. Ai có công góp công, ai có đất góp đất cả bản khi đó đã đồng lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Bẵng đi mấy mùa trăng, hệ thống đường giao thông đã lan tới những xóm xa xôi nhất. Đường mở tới đâu là sự đổi thay lan tới đó. Bà con mạnh dạn mua sắm xe máy, rồi mua máy cày, máy gặt… ứng dụng vào sản xuất. "Phải nói là nhờ có chương trình nông thôn mới mà Nà Đít mới có được sự đổi thay như ngày hôm nay", ông Xồm hồ hởi cho biết thêm.

Không riêng gì bản Nà Đít, nhiều bản cao khác của xã Chiềng On cũng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới. Những con đường bê tông ngày một vươn xa nối với các bản. Đặc biệt là điện, đường, trường, trạm đã có sự thay đổi căn bản. Chứng kiến nỗ lực của toàn dân trong hành trình xây dựng nông thôn mới, ông Vì Lâm Tới, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng On cho biết: "Khi xã triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới tưởng sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi triển khai thực tế, nhiều cách làm hay, cách làm sáng tạo đã được người dân áp dụng. Tuy là một xã nghèo khó, nhưng nhờ có sự đồng lòng của dân mà nhiều tiêu chí nông thôn mới đã được thực hiện".

Xây dựng nông thôn mới tạo "cú huých" giúp xã vùng cao ở Yên Châu đổi thay- Ảnh 3.

Người dân Chiềng On, huyện Yên Châu không chỉ giỏi phát triển kinh tế mà con bảo vệ rừng hiệu quả. Ảnh: Gia Tưởng

Nỗ lực giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới ở Chiềng On

Chiềng On có 12 bản với 1.290 hộ dân nhưng Đảng bộ xã có tới 20 chi bộ với 396 đảng viên, tức là bình quân cứ 3 hộ dân thì có 1 đảng viên. Chiềng On cũng có không ít mô hình kinh tế hộ khá hiệu quả như: Trồng mận hậu, trồng chanh leo, trồng mía, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Diện tích đất sản xuất của Chiềng On lên tới 2.500 ha, đạt mức bình quân 2ha/1hộ dân… Cũng theo ông Tới, Chiềng On bây giờ khác xưa nhiều lắm rồi. Cây ngô lai, cây lúa nương đang vắng bóng; thay vào đó là cây mận hậu, chanh leo, mía, cà phê… Tuy diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả chưa nhiều; có những cây công nghiệp mới chỉ là năm đầu tiên được quan tâm phát triển như cây cà phê nhưng đó là bước đổi thay rất quan trọng với bà con trong xã. Đảng bộ xã đang dốc lực lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất sản xuất, tạo tiền đề cho xóa nghèo bền vững, làm giàu chính đáng ở vùng cao này.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở Chiềng On vẫn chiếm gần 60% số hộ của xã; trong đó có tới cả trăm hộ gia đình cán bộ, đảng viên thuộc diện hộ nghèo. Vì thế, những đổi thay hôm nay ở đây dù còn nhiều khiêm tốn so với những địa bàn khác nhưng rất đáng trân trọng... Nhằm giúp xã Chiềng On thoát nghèo, Ban Thường vụ huyện ủy Yên Châu ban hành Kết luận chuyên đề số 159-KL/HU ngày 17/3/2022 tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển Kinh tế xã hội xã Chiềng On đến năm 2025. UBND huyện thành lập tổ công tác, rà soát, bố trí nguồn lực, phân công nhiệm vụ cơ quan, đơn vị, đoàn thể giúp đỡ xã Chiềng On các phần việc cụ thể, như thành lập mới 2 HTX; tăng giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 35 triệu đồng/1ha đất trồng trọt, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 59,5%…

UBND huyện tổ chức cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Chiềng On và 12 bản đi thăm quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình phát triển kinh tế phù hợp, như: Trồng cây mắc ca, chanh leo tại xã Mường É, huyện Thuận Châu; nuôi bò nhốt chuồng, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Đồng thời, thăm quan nhà máy và làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, nghe lãnh đạo công ty triển khai những chính sách ưu đãi vùng mía nguyên liệu...

Xây dựng nông thôn mới tạo "cú huých" giúp xã vùng cao ở Yên Châu đổi thay- Ảnh 4.

Người dân ở các bản vùng sâu, vùng xa Chiềng On được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Gia Tưởng

Gia đình ông Vàng A Vạng ở bản Đin Chí, xã Chiềng On là hộ đầu tiên mạnh dạn trồng mận trái vụ. Đến nay ông Vạng đã trồng được 4 ha mận trái vụ. Trong đó trên 1 ha đã cho thu hoạch. Theo ông Vạng, năm ngoái ông đã thu được hơn 100 triệu đồng. Năm nay dự kiến sản phẩm mận trái vụ tăng lên gấp 3 lần. Theo đó thu nhập cũng tăng lên. Ông Vạng còn mua 3 chiếc máy xúc để làm đường và san nền nhà thuê cho bà con. Từ một hộ khó của bản, giờ ông Vạng đã có của ăn của để. Ông Vạng trở thành hộ giàu của bản.

Cũng giống như ông Vạng, anh Vàng Lao Lịa cũng ở bản Đin Chí, những năm trước nằm trong danh sách hộ nghèo của xã Chiềng On. Từ khi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cuộc sống của gia đình anh đã sang trang mới. Anh Lịa chia sẻ, năm 2022, cán bộ xã, bản và chiến sĩ Đồn Biên phòng đã tuyên truyền tôi trồng mận hậu, bí đao và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, năng suất cây trồng tăng, vụ vừa qua, gia đình thu 6 tấn bí đao, 8 tấn mận, thu nhập gần 100 triệu đồng. Giờ đây, gia đình đã thoát nghèo.

Trao đổi với phóng viên, ông Lại Hữu Hưng, Chủ tịch UBND xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Chương trình nông thôn mới đã thật sự lan tỏa ra toàn xã. Bà con ở các bản đã hiểu mục đích tốt đẹp của chương trình. Bản trên, bản dưới đồng lòng, chung sức xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp hơn. Riêng năm 2024, toàn xã đã có 300 hộ xin ra khỏi hộ nghèo. Đây là nỗ lực rất đáng khen ngợi của chính quyền và nhân dân xã Chiềng On.

Gia Tưởng - Tạ Nguyệt