dd/mm/yyyy

Xã nghèo "cố đô" phát huy truyền thống Anh hùng LLVTND

Là xã nghèo ở vùng xả lũ của tỉnh Ninh Bình, song bằng nghị lực và sự quyết tâm, đồng lòng của người dân và chính quyền, sau 7 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay Gia Phong (huyện Gia Viễn) đã không chỉ cán đích sớm mà còn bứt phá thành công ở tiêu chí 20.

Điều đặc biệt là năm 2002, địa phương này vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Nhiều kinh nghiệm hay

Được biết, Gia Phong có 10 xóm, nằm trong vùng xả lũ của huyện Gia Viễn, thường xuyên gánh chịu thiên tai, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhưng đến nay, sau hơn 7 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở vùng quê nghèo này đã thay da, đổi thịt thực sự. Đến Gia Phong vào những ngày này đầu đâu cũng thấy đổi mới, từ các tuyến đường liên xóm, thôn, xã đều khang trang, hiện đại. "Có đường mới, sản xuất nông nghiệp cũng được xã hỗ trợ nhiều nên bà con làm ăn thuận lợi, phấn khởi lắm", lão nông Phạm Văn Minh ở Gia Phong chia sẻ.

Xã nghèo "cố đô" được Chủ tịch nước vinh danh Anh hùng - Ảnh 1.

Các khâu sản xuất ở Gia Phong hầu như đã được áp dụng cơ giới hóa triệt để. Đăng Hải

Chia sẻ kinh nghiệp về việc một xã nghèo những lại sớm vươn lên đạt chuẩn NTM, ông Đinh Huy Lựa - Chủ tịch UBND xã Gia Phong cho rằng: Trước tiên cần có sự quan tâm tạo điều kiện và đầu tư của tỉnh, huyện cho các công trình, đầu tư lồng ghép, có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao; Có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng uỷ, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ban ngành đoàn thể chính trị xã hội, của các Ban phát triển thôn và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.

"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng làm tốt khâu tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo nên sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có chính sách khuyến khích kích cầu nhằm huy động được tối đa các nguồn lực trong cộng đồng dân cư.

Song hành với đó là cần xây dựng đề án sát, đúng, phù hợp với điều kiện của địa phương. Mặt khác đội ngũ cán bộ từ xã đến cơ sở nhiệt tình, trách nhiệm, năng động với công việc. Đi sâu, đi sát cơ sở, kịp thời biểu dương, khen thưởng những việc làm tốt, cách làm hay ở cơ sở để động viên kịp thời", ông Lựa nói.

Theo ông Lựa, nhờ có cách làm đúng mà sau khi xã phát động phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng NTM" đến mọi tổ chức đoàn thể quần chúng và nhân dân trong xã thì phong trào này đã lan tỏa mạnh mẽ trong cả xã. Đáng chú ý là trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, xã cũng đã có bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, phát huy thế mạnh của vùng kinh tế nông nghiệp.

Ông Lựa cho biết thêm, công tác dồn điền đổi thửa được tổ chức thực hiện nhằm giảm số thửa bình quân xuống ước còn 2 - 3 thửa/hộ. Nhân dân đã hưởng ứng và đóng góp 0.464 ha đất để hoàn thiện đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi tạo điều kiện để phát triển sản xuất. Hiện trên địa bàn xã có 117 hộ sản xuất kinh doanh ngành nghề phi nông lâm nghiệp và vận tải thuỷ với trên 150 lao động tham gia hoạt động thường xuyên. Kết quả huy động nguồn lực với tổng kinh phí đã thực hiện là 252.639,23 triệu đồng.

Trong 20/20 tiêu chí đạt chuẩn xây dựng NTM của Gia Phong, có những tiêu chí đạt kết quả nổi bật. Cụ thể, địa phương này đã làm mới và nâng cấp được 158 tuyến đường với 10km đường giao thông nông thôn. Tổng số kilômét đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã là 24,6km đã được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa (đạt tỷ lệ 100%).

Trên địa bàn xã có 5 trạm biến áp, 5,89km đường dây trung thế và 11,434km đường dây hạ thế phục vụ tốt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn trên địa bàn xã là 1.170/1.170 hộ, đạt tỷ lệ 100 %.

Phấn đấu đạt mục tiêu cao hơn

Dù xã nhà đã cán đích vào năm 2017 vừa qua nhưng theo vị Chủ tịch xã Gia Phong, xây dựng NTM là một chương trình lớn, liên tục, lâu dài. "Việc đạt được xã NTM đã khó, giữ vững danh hiệu đó lại càng khó hơn...vì vậy Đảng ủy, UBND xã; Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã xác định từ nay đến năm 2020 tập trung duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được", ông Lựa chia sẻ.

Xã nghèo "cố đô" được Chủ tịch nước vinh danh Anh hùng - Ảnh 2.

Nuôi gà đẻ trứng áp dụng công nghệ cao đang mang lại thu nhập cao cho người dân ở xã Gia Phong. Đăng Hải

Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2018-2020 là: Tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện về xây dựng NTM; đẩy mạnh phong trào thi đua "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới"; làm tốt công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch; khai thác và huy động mọi nguồn lực vào xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, mà trước tiên là thực hiện tốt quy trình đấu giá 101 lô đất khu bờ kênh Cổ Ngựa để có nguồn vốn trả nợ xây dựng cơ bản trong năm 2018.

Ông Lựa cho hay: Nhiệm vụ trong thời gian tới xã cũng sẽ tập trung thát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm với việc mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, ưu tiên mô hình có khả năng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nhân rộng mô hình cho thuê đất, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung an toàn thực phẩm... nhằm thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

"Chúng tôi sẽ phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người/năm lên trên 41 triệu đồng, tăng 4 triệu đồng/người/năm so với khi đạt chuẩn và giá trị sản xuất bình quân/ha đạt 110 triệu đồng, tăng 20 triệu đồng/ha so với khi đạt chuẩn", ông Lựa khẳng định.

Gia Phong là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Năm 2002, xã Gia Phong vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Đảng bộ xã này có 264 đảng viên, với 14 chi bộ trực thuộc, 5 năm liên tục đạt danh hiệu "Đảng bộ trong sạch vững mạnh".
Đăng Hải