dd/mm/yyyy

"Vượt khó" phát triển kinh tế - xã hội ở huyện biên giới Nậm Nhùn

10 năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Nậm Nhùn, Lai Châu đã phát huy tiềm năng, tận dụng tối đa các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân…


Sequence 144

Nậm Nhùn phát huy tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội

Chia sẻ với phóng viên báo Nông thôn ngày nay / Dân Việt / Trangtraiviet điện tử, ông Hà Văn Sơn, Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, Lai Châu cho biết: Ngay sau khi được thành lập, các cấp chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Nậm Nhùn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, liên tục phấn đấu và giành được nhiều thắng lợi quan trọng.

Ngày 2/11/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thuộc tỉnh Lai Châu, trong đó thành lập huyện Nậm Nhùn.

Huyện Nậm Nhùn được thành lập và đi vào hoạt động là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh Lai Châu và huyện Nậm Nhùn.

"Vượt khó" phát triển kinh tế - xã hội ở huyện biên giới Nậm Nhùn - Ảnh 2.

10 năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Nậm Nhùn, Lai Châu đã phát huy tiềm năng, tận dụng tối đa các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Ảnh Tuấn Hùng

Thời điểm mới được thành lập, huyện gặp nhiều khó khăn khi hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đường giao thông, trường học, trụ sở làm việc và các công trình thiết yếu khác hầu như điểm xuất phát thấp.

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ đa số trẻ, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế; trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. An ninh trật tự, các vấn đề xã hội còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp; hệ thống chính trị ở cơ sở có mặt chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Song, với sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao cùng tinh thần đoàn kết một lòng, các cấp chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện có nhiều đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, phát huy được tiềm năng, thế mạnh, tận dụng tối đa các nguồn lực để đưa huyện phát triển.

Đến nay, kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13 triệu đồng/người/năm 2013 lên hơn 28 triệu đồng/người/năm 2021. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 12.500 tấn, tăng gần 4.500 tấn so với năm 2013; lương thực bình quân đạt gần 440kg/người/năm.

"Vượt khó" phát triển kinh tế - xã hội ở huyện biên giới Nậm Nhùn - Ảnh 3.

Nhờ thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế, đến nay kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13 triệu đồng/người/năm 2013 lên hơn 28 triệu đồng/người/năm 2021. Ảnh Tuấn Hùng

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, toàn huyện có 10/10 xã đã có quy hoạch chung về xây dựng nông thôn mới;  3 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bình quân đạt 14,5 tiêu chí/xã. Công nghiệp - xây dựng phát triển cả quy mô và loại hình, nhất là công nghiệp thủy điện.

Hiện, ngoài Thủy điện Lai Châu công suất 1.200MW, trên địa bàn huyện có 29 dự án công trình thủy điện với tổng công suất thiết kế khoảng 500MW, trong đó có 8 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất hơn 160MW, tạo cho Nậm Nhùn tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch sinh thái và nghề nuôi trồng thủy sản.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 41,16%, bình quân giảm 3,25%/năm; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49,3%, tăng 22,2% so với năm 2013.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá - xã hội từng bước được chăm lo, phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển cả về quy mô trường, lớp và chất lượng giáo dục.

Hiện, toàn huyện có 34 trường, 625 phòng học, với gần 10.400 học sinh, tăng 5 trường và gần 5.400 học sinh so với năm 2013. Cơ sở vật chất được đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân được chú trọng. Đội ngũ cán bộ y tế được củng cố, bổ sung, nhất là đội ngũ bác sỹ, hiện, trung bình có 8,42 bác sỹ/1 vạn dân.

"Vượt khó" phát triển kinh tế - xã hội ở huyện biên giới Nậm Nhùn - Ảnh 4.

Đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu đã tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn, mở rộng và phát triển các mô hình kinh tế mới, sản xuất theo hướng hàng hoá, qua đó từng bước nâng cao thu nhập. Ảnh Tuấn Hùng

Các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được đầu tư đã phát huy hiệu quả tốt. Đến nay, toàn huyện có 62/69 thôn, bản có nhà văn hóa; 8/11 xã, thị trấn có nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội đảm bảo; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Công tác xây dựng đảng được chú trọng trên cả bốn mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Sau 10 năm thành lập, Đảng bộ huyện ngày càng lớn mạnh; đến nay, có 49 tổ chức cơ sở đảng, trong đó, 13 đảng bộ, 36 chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ huyện; 131 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với gần 1.900 đảng viên, tăng 2,85 lần so với năm 2013; 100% bản, trường học, trạm y tế thành lập được chi bộ.

Các phong trào thi đua yêu nước, "Dân vận khéo" được đẩy mạnh, nhất là việc vận động Nhân dân tích cực lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hoạt động của HĐND các cấp đi vào nề nếp; chất lượng các kỳ họp, các cuộc giám sát được nâng lên, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. UBND các cấp từng bước được củng cố, kiện toàn; xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy chế làm việc.

Giải pháp đưa Nậm Nhùn tiếp tục phát triển

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Hà Văn Sơn hồ hởi cho biết: Chúng tôi xác định tiếp tục quán triệt quan điểm cơ bản của Đảng, lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt. Tận dụng mọi nguồn lực của TW, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia…

Bên cạnh đó, chúng tôi ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp phát huy tối đa sức mạnh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

"Vượt khó" phát triển kinh tế - xã hội ở huyện biên giới Nậm Nhùn - Ảnh 5.

Huyện Nậm Nhùn, Lai Châu là một trong những địa phương đi đầu trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, đến nay độ che phủ rừng của huyện đạt trên 55%. Ảnh Tuấn Hùng

Theo ông Sơn, huyện Nậm Nhùn đang phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách địa bàn đạt 45 tỷ đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt 12.500 tấn.

Hàng năm, kết nạp từ 60 đảng viên trở lên; trên 85% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trên 80% tổ chức cơ sở của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đạt vững mạnh. Trên 80% tổ chức chính quyền cơ sở đạt từ khá trở lên.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, huyện Nậm Nhùn đưa ra nhiều giải pháp thực hiện tiêu biểu như tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết của đảng các cấp; lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn đảng bộ.

"Vượt khó" phát triển kinh tế - xã hội ở huyện biên giới Nậm Nhùn - Ảnh 6.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương thời gian qua huyện Nậm Nhùn, Lai Châu đã xây dựng thành công 4 sản phẩm OCOP. Qua đó từng bước đưa các sản phẩm đặc trưng của địa phương ra các thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh Tuấn Hùng.

Phát huy hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hướng tới nhu cầu của thị trường. Tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau…

Được biết, ghi nhận những thành tích đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Nậm Nhùn vinh dự nhận được nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhì, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, bộ, ngành Trung ương; tập thể lao động xuất sắc nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập huyện.

Tuấn Hùng