dd/mm/yyyy

Nậm Nhùn: Khơi dậy tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP

Huyện Nậm Nhùn, Lai Châu triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng sản phẩm OCOP gắn với tiềm năng của địa phương, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát huy tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP

Huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều sản vật phong phú, trong đó phải kế đến mật ong tự nhiên và điều kiện thích hợp để phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Xác định các sản phẩm OCOP là "hạt nhân" thúc đẩy phát triển kinh tế, việc triển khai có hiệu quả chương trình OCOP gắn với các tiềm năng, thế mạnh của địa phương đang được huyện Nậm Nhùn kỳ vọng là đòn bẩy góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Mật ong Nậm Nhùn là sản phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe… được thương lái thu mua xuất bán ra thị trường trong, ngoài tỉnh và được khách hàng rất ưu chuộng.

Nậm Nhùn: Khơi dậy tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Huyện Nậm Nhùn, Lai Châu đã triển khai có hiệu quả chương trình OCOP gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương, qua đó xây dựng sản phẩm OCOP hiệu quả. Ảnh Tuấn Hùng

Cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của địa phương trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng sản phẩm OCOP, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, Xây dựng và Thương mại Nậm Nhùn (xã Nậm Hàng) lựa chọn xây dựng và đưa mật ong thành sản phẩm OCOP "Mật ong nơi thượng nguồn sông Đà".

Trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, HTX thường xuyên được cơ quan chuyên môn huyện hỗ trợ, tư vấn lựa chọn sản phẩm và hướng dẫn chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu minh chứng nguồn gốc, xuất xứ, đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc…

HTX chủ động tổ chức sản xuất theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Cuối năm 2021, sản phẩm "Mật ong nơi thương nguồn sông Đà" được cấp có thẩm quyền đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao.

Nậm Nhùn: Khơi dậy tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Phát huy tiềm năng của địa phương xây dựng sản phẩm OCOP. Sản phẩm "Cao cà gai leo" và "Trà cà gai leo" của Hợp tác xã Thanh niên Trường Thịnh (xã Nậm Hàng) đã xây dựng được thương hiệu, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường và được người dùng rất ưa chuộng. Ảnh Tuấn Hùng

Chia sẻ với phóng viên báo Nông thôn ngày nay / Dân Việt / Trangtraiviet điện tử, bà Mã Kim Thùy, Giám đốc HTX Nông nghiệp, Xây dựng và Thương mại Nậm Nhùn cho biết: Để đảm bảo nguồn cung ứng sản phẩm ra thị trường, ngoài nguồn mật khai thác trong tự nhiên, HTX triển khai thực hiện mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm với người nuôi ong, hình thành vùng nguyên liệu với 600 thùng ong đảm bảo cung ứng ra thị trường.

Sản phẩm mật ong trên địa bàn huyện vốn được thị trường rất ưa chuộng, từ khi sản phẩm của HTX đạt sản phẩm OCOP với thương hiệu và nguồn gốc, việc mở rộng thị trường càng thêm thuận lợi. Đến nay, ngoài cung cấp ra thị trường trong tỉnh, sản phẩm đã vươn tới hầu khắp cả nước.

"Ngoài các kênh cộng tác viên, HTX đã có 4 đại lý phân phối sản phẩm tại các tỉnh Hải Dương, Đắc Lắc, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 5-6 nghìn lít mật ong/năm được xuất bán", bà Mã Kim Thùy cho biết thêm.

Chính quyền giúp các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã tạo điều kiện giúp các chủ thể  đẩy mạnh đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, tiêu biểu kể đến như "Rượu men lá Hải Bình" của HTX Thương mại Dịch vụ Hải Bình (xã Mường Mô); "Cao cà gai leo" và "Trà cà gai leo" của Hợp tác xã Thanh niên Trường Thịnh (xã Nậm Hàng).

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn cho biết: Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đặc trưng, huyện Nậm Nhùn tổ chức nhiều lớp tập huấn về OCOP cho các địa phương và một số chủ thể OCOP có sản phẩm tiềm năng.

Nậm Nhùn: Khơi dậy tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã tạo điều kiện giúp các chủ thể đẩy mạnh đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Ảnh Tuấn Hùng

Liên hệ tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn...

Thực tế cho thấy, việc vây dựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã trở thành động lực thi đua phát triển sản xuất, liên kết tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho các chủ thể và người lao động.

Đồng thời, giúp các chủ thể tiếp cận với phương thức sản xuất, quản lý kinh doanh khoa học, khuyến khích sáng tạo, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm; thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn và nhất là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho thị trường; thúc đẩy chế biến sâu làm đa dạng hóa và làm gia tăng giá trị hàng hóa.

Được biết, định hướng phát triển sản phẩm OCOP đến năm 2025, huyện Nậm Nhùn có 15 sản phẩm OCOP. Trong đó, huyện tập trung vào một số sản phẩm như: cá sấy, thịt sấy Mường Mô; cá tép dầu; phấn ong, mật ong tinh bột nghệ nơi thượng nguồn sông Đà; măng rối, măng củ; khẩu can hắc; viên cà gai leo Nậm Nhùn… hầu hết là những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Nậm Nhùn: Khơi dậy tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Huyện Nậm Nhùn đã tạo mọi điều kiện giúp các chủ thể phát huy tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP. Mật ong Nậm Nhùn là sản phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe… được thương lái thu mua xuất bán ra thị trường trong, ngoài tỉnh và được khách hàng rất ưu chuộng. Ảnh Tuấn Hùng

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Đỗ Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn cho biết: "Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình OCOP; khuyến khích các chủ thể mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương.

Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, tạo vùng nguyên liệu bền vững cho chế biến sản phẩm, tạo điều kiện để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đối với các sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận, huyện tăng cường công tác phối hợp quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh".

Tuấn Hùng