Clip: Nâng cao nhận thức về vũ khí vật liệu nổ cho người dân vùng cao, biên giới
Vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ
Sơn La là tỉnh vùng cao, biên giới có vị trí chiến lược và đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh thuộc khu vực Tây Bắc của Tổ quốc. Sơn La có 12 huyện, thành phố, trong đó có 05 huyện biên giới tiếp giáp với Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, đường biên giới 250 km. Trong đó có hai cửa khẩu chính là cửa khẩu quốc gia Lóng Sập (huyện Mộc Châu) và cửa khẩu quốc gia Chiềng Khương (huyện Sông Mã); hai cửa khẩu phụ là Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp), Nà Cài (huyện Yên Châu).
Người dân khu vực biên giới có quan hệ gần gũi lâu đời. Đây là những tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh để phát triển của tỉnh, nhưng cũng là thách thức lớn về công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm nói chung; trong đó có tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Để góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an ninh quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La, đặc biệt là khu vực biên giới; công an tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Trao đổi với phóng viên, thiếu tá Đặng Thanh Tú, Phó Đội trưởng, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Sơn La cho biết: Để công tác vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) đạt hiệu quả cao. Công an tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp, cách làm trong việc vận động người dân thông qua công tác nắm tình hình, địa bàn, nắm hộ, nắm người, thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà"; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín tuyên truyền, vận động các cá nhân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các tổ công tác liên ngành Công an - Biên phòng trực tiếp đến các bản, làng vùng cao, đến từng hộ gia đình nắm tình hình, địa bàn, nắm hộ, nắm người. Đồng thời phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân; giúp người dân nắm rõ các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Phân tích tác hại, tính nguy hiểm của việc tàng trữ, sử dụng súng săn, súng tự chế trong hộ gia đình. Rà soát, lập danh sách các đối tượng cá biệt, huy động người có uy tín, tiếng nói đến vận động để đạt hiệu quả cao nhất.
Qua các buổi tuyên truyền pháp luật, vận động quần chúng của các CBCS Công an, anh Giàng A Phạ, ở bản Pa Kha 2, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã ý thức được sự nguy hiểm khi sử dụng và cất giữ súng tự chế trong nhà. Anh đã tự giác giao nộp cho lực lượng Công an khẩu súng do chính tay anh chế tạo và được cất giữ, sử dụng gần 10 năm qua.
"Ngày xưa khi thấy người ta dùng súng thì mình cũng thích lắm và cũng tự mày mò và tự chế, tôi đã dùng và cất giữ nó ở trong nhà gần chục năm nay rồi. Thời gian gần đây được lực lượng Công an tuyên truyền về tác hại của súng thì tôi cũng đã tự giác giao nộp cho lực lượng Công an. Thời gian tới tôi cũng sẽ tuyên truyền cho anh em, bạn bè của mình không sử dụng và cất giữ súng tự chế trong nhà nữa, nó rất nguy hiểm", anh Giàng A Phạ nói.
Bắt giữ hàng chục vụ liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ
Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã phát hiện, bắt giữ 20 vụ, 19 đối tượng vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; 24 vụ, 31 đối tượng liên quan đến pháo; vận động, thu hồi 660 khẩu súng các loại, 01 quả lựu đạn, 11 kíp nổ, 61 viên đạn quân dụng, 08 linh kiện vũ khí, 05 xung kích điện, 04 hộp pháo, 09 quả pháo nổ…
Cũng theo thiếu tá Đặng Thanh Tú, Phó Đội trưởng, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Sơn La, trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đạt hiệu quả cao, Công an tỉnh Sơn La sẽ tăng cường phối hợp với Công an các huyện, các xã trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là những huyện, những xã biên giới để tổ chức các hội nghị, tuyên truyền, vận động thu hồi và đấu tranh với các tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn.
Từ kết quả vận động, tuyên truyền, công tác đấu tranh với các tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, công tác vận động, thu hồi nhất là địa bàn tuyến biên giới đã thực hiện có hiệu quả, góp phần làm giảm tình trạng tội phạm.
Để duy trì và nâng cao hiệu quả vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ngoài sự nỗ lực của lực lượng Công an cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia, vào cuộc. Người dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm. Tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bám sát cơ sở, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.