dd/mm/yyyy

Việt - Trung kiểm soát chặt vùng trồng sầu riêng xuất khẩu

Trung Quốc đã nhập khẩu chính ngạch sầu riêng và cơ quan chức năng hai nước sẽ kiểm soát chặt mã số vùng trồng, đóng gói.

Ngày 17/9, nông dân trồng sầu riêng cả nước vui khi lô hàng sầu riêng tươi đầu tiên của Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (TQ).

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng cho nông sản Việt Nam (VN) vì TQ là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Nhưng đi cùng với đó là nỗi lo về việc mạo danh, gian lận về vùng trồng, đóng gói mà nhiều doanh nghiệp từng đối mặt.

Việt - Trung kiểm soát chặt vùng trồng sầu riêng xuất khẩu - Ảnh 1.

Huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã được cấp khoảng 35 mã vùng trồng cây sầu riêng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong ảnh: Nông dân huyện Krông Pắk thu hoạch sầu riêng. Ảnh: VŨ LONG

Bài học từ trái xoài

Trước khi diễn ra sự kiện này vài ngày, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) ghi nhận 18 xe container sầu riêng của các doanh nghiệp tập kết ở Lạng Sơn chờ xuất khẩu sang TQ có vấn đề về ghi xuất xứ vùng trồng.

Theo nghị định thư mà hai bên ký kết, tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang TQ phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật (MARD) và được cả MARD và Tổng cục Hải quan TQ (GACC) phê duyệt. Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số. Trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, MARD phải gửi cho GACC danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt. Danh sách này được đăng trên website của GACC.

Việt - Trung kiểm soát chặt vùng trồng sầu riêng xuất khẩu - Ảnh 2.

Cán bộ hải quan và kiểm dịch thực vật kiểm tra lô hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: VĂN VIỆT

Tuy nhiên, trong 18 container sầu riêng nói trên, các doanh nghiệp này chưa chính thức đăng ký làm thủ tục kiểm dịch thực vật; các lô hàng ghi mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói ở tỉnh Tiền Giang, còn phía doanh nghiệp được ủy quyền xuất khẩu thì có địa chỉ tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn và huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Thế nhưng khi kiểm tra và xác minh thì đơn vị sở hữu mã số vùng trồng khẳng định chưa có ủy quyền sử dụng mã số để làm thủ tục xuất khẩu. Thực tế ở những vườn này sầu riêng chưa ra trái hoặc đang có trái non nên lô hàng này đã được đề nghị đưa trở lại tiêu thụ nội địa.

Sự việc này khiến nhiều người lại nhớ câu chuyện Công ty TNHH Kim Nhung, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương… ở Đồng Tháp bỗng dưng bị cấm xuất khẩu xoài sang TQ.

Theo đó, Công ty Kim Nhung được cấp mã số nhà đóng gói xuất khẩu sang TQ từ năm 2018. Năm 2019, mã số đóng gói của công ty này đã bị các doanh nghiệp khác “ăn cắp” để sử dụng cho hàng loạt lô xoài xuất khẩu và đến tháng 6-2020, mã số đóng gói của Công ty Kim Nhung bị loại khỏi danh sách được công nhận.

Cần quản lý tốt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vì khi TQ và VN phát hiện có gian lận sẽ cấm xuất, nhập khẩu sầu riêng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Đinh Thị Mỹ Nhung, Phó Giám đốc công ty, cho biết đến nay mã số đóng gói của công ty vẫn chưa được phía TQ khôi phục, hơn 100 ha xoài liên kết với công ty phải tìm hướng tiêu thụ khác và công ty đang làm hồ sơ mới để xin xét duyệt lại.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, cho rằng cần quản lý tốt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vì khi phía TQ phát hiện họ sẽ cấm, doanh nghiệp làm ăn chân chính có mã số bị mạo danh sẽ chịu thiệt hại oan.

Quy định về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

Hiện có 51 vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói của 13 tỉnh được cấp mã số xuất khẩu sầu riêng sang TQ.

Các lô hàng xuất khẩu phải tuân thủ các luật, quy định, tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của TQ cũng như các yêu cầu nêu trong nghị định thư và không nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía TQ quan tâm.

Về quản lý vườn trồng, dưới sự giám sát của MARD, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang TQ phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Về đóng gói và chế biến, MARD hoặc cán bộ được MARD ủy quyền sẽ giám sát quy trình chế biến và đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang TQ. Các cơ sở sản xuất, đóng gói và cơ quan kiểm dịch phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Trong hai năm đầu kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỉ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%. Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống, lá hoặc đất thì toàn bộ lô hàng không được xuất khẩu sang TQ. Trong một số trường hợp, vùng trồng hoặc/và cơ sở đóng gói liên quan sẽ không được xuất khẩu sầu riêng sang TQ trong thời gian còn lại của mùa vụ.

MARD sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục hiệu quả. Đồng thời, hồ sơ được lưu giữ và phải cung cấp theo yêu cầu của GACC. Khi sầu riêng tới cửa khẩu nhập TQ, hải quan TQ sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch. Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào TQ.

Không để xảy ra tình trạng mạo danh vùng trồng

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết: Muốn giữ được thị trường này phải cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa và cần tiếp tục tuân thủ đầy đủ quy định tại nghị định thư đã ký kết.

Ông cho rằng doanh nghiệp và bà con phải tuân thủ theo các hướng dẫn, yêu cầu của các cơ quan chuyên môn để duy trì được mã số vùng trồng, duy trì thị trường và mở rộng thị phần.

Để tránh gian lận mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, cục đã chỉ đạo hệ thống kiểm dịch thực vật của tất cả cửa khẩu: Chỉ khi có sự hướng dẫn cụ thể của Cục Bảo vệ thực vật và thông báo chính thức các mã số mà phía TQ đã phê duyệt thì mới cấp phép. Căn cứ vào các mã số đã được cấp, văn bản ủy quyền, sản lượng cho từng mã số để kiểm soát tình trạng mạo danh.

“Tổng sản lượng trên một mã số chỉ 20.000 tấn mà lại xuất đi 30.000-40.000 tấn là điều không thể chấp nhận. Với hệ thống kiểm dịch, kiểm soát hiện đại đang áp dụng, hoàn toàn có thể kiểm soát tình trạng mạo danh, bảo đảm các quyền lợi của chủ sở hữu các mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói” - ông Trung nói.

Cục Bảo vệ thực vật cũng yêu cầu cơ quan kiểm dịch không làm thủ tục kiểm dịch thực vật những hồ sơ đăng ký có giấy tờ chứng nhận mã số vùng trồng nhưng chưa có sự ủy quyền. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không gian lận mã số, không sử dụng mã số khi chưa được phép, không trộn hàng từ vùng không được cấp mã số dẫn đến mất uy tín của hàng sầu riêng Việt Nam, thậm chí mất thị trường.•


Việt - Trung kiểm soát chặt vùng trồng sầu riêng xuất khẩu - Ảnh 3.

Đình chỉ ngay mà không cần phía Trung Quốc thông báo

Hải quan TQ đã thống nhất: Trường hợp phát hiện các doanh nghiệp giả mạo, gian lận về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì Cục Bảo vệ thực vật sẽ đình chỉ ngay lập tức, tạm dừng việc thu mua, đóng gói cũng như xuất khẩu của các đơn vị có các hành vi vi phạm mà không cần chờ phía TQ có văn bản thông báo.

Đây sẽ là biện pháp Cục Bảo vệ thực vật kiên quyết áp dụng để bảo vệ nông dân, các nhà vườn, Doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng là bảo vệ thị trường xuất khẩu bền vững cho trái sầu riêng VN.

Ông HOÀNG TRUNG, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật

Việt - Trung kiểm soát chặt vùng trồng sầu riêng xuất khẩu - Ảnh 4.

Tạo hệ sinh thái đặc sản sầu riêng

Chúng ta đã làm ra nhiều sản phẩm được thị trường chấp nhận. Nhưng có thể làm mất đi những cái mà chúng ta đã dày công bốn năm trời, thậm chí phải đánh đổi thương mại hai chiều.

Tôi mong các doanh nghiệp không phải là bán trái sầu riêng mà đại diện một quốc gia, đưa hình ảnh quốc gia thông qua đặc sản trái sầu riêng đi tới thị trường đông dân nhất, tiềm năng nhất và khó tính nhất.

Hình ảnh trái sầu riêng không quan trọng bằng hình ảnh hệ sinh thái tạo ra trái sầu riêng đó. Mỗi người hãy coi mình là một phần của câu chuyện sầu riêng Việt Nam… Khi tạo ra được hệ sinh thái, hình ảnh như thế thì sẽ mang được lợi ích về, lợi ích bền vững hơn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT LÊ MINH HOAN


AN HIỀN