dd/mm/yyyy

Vì sao "vua tôm" Minh Phú quyết định kháng cáo khi bất ngờ bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá?

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết sẽ kháng cáo quyết định của Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP) khi bị áp thuế chống bán phá giá như tôm Ấn Độ. Vua tôm Minh Phú khẳng định việc áp đặt thuế trên là một bất ngờ lớn đối với công ty và chưa chính xác.

Chiều 22/10, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Minh Phú) đã có thông tin chính thức về việc Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP) kết luận Minh Phú vi phạm lệnh thuế chống bán phá giá đang áp trên tôm Ấn Độ. 

Theo đó, sản phẩm tôm của Minh Phú xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chịu lệnh thuế chống bán phá giá như tôm Ấn Độ (khoảng 10%).

Vì sao "vua tôm" Minh Phú quyết định kháng cáo khi bất ngờ bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá? - Ảnh 1.

Hệ thống nhà máy sản xuất của Minh Phú có tổng công suất lên tới 90.000 tấn/năm; nằm trong top 5 nhà sản xuất tôm đứng đầu khu vực châu Á.

Trước đó, ngày 13/10, CBP đã dựa theo Đạo luật Thực thi và Bảo hộ (EAPA) công bố kết luận rằng: Sản phẩm tôm đông lạnh do Minh Phú xuất khẩu vào thị trường Mỹ là đối tượng chịu thuế theo Lệnh thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ. Bởi vì Minh Phú đã không cung cấp được đầy đủ bằng chứng như yêu cầu của CBP để chứng minh được rằng công ty không sử dụng tôm có nguồn gốc từ Ấn Độ để xuất khẩu sang Mỹ.

Trong khi đó, vua tôm Minh Phú khẳng định đã hợp tác toàn diện với CBP trong cuộc điều tra và đã chứng minh rõ cách mà công ty xử lý và tách biệt những lô tôm có xuất xứ Việt Nam và tôm có xuất xứ Ấn Độ trong dây chuyền sản xuất, để bảo đảm rằng chỉ có tôm Việt Nam mới được xuất sang Mỹ.

"Mặc dù Minh Phú đã chủ động hợp tác và có lời mời nhưng CBP đã không sang Việt Nam để thực hiện việc thẩm tra tại thực địa. Điều này dẫn đến việc nhận định chưa chính xác về hệ thống truy xuất tôm nhập khẩu và tôm nguyên liệu Việt Nam của Minh Phú. Thay vào đó, CBP đã tự thiết lập một tiêu chuẩn đánh giá riêng của họ về phương pháp phân tách tôm, rồi quả quyết rằng Minh Phú đáng lý ra phải sử dụng công cụ này để truy xuất tôm nguyên liệu, đồng thời không chấp nhận phương pháp quản lý truy xuất nguồn gốc mà Minh Phú đã và đang sử dụng từ hơn 4 năm qua. 

Liên quan đến việc vua tôm Minh Phú bị phía Mỹ áp thuế chống bán phá giá, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ nỗ lực triển khai các biện pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngành tôm Việt Nam.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trao đổi với các cơ quan liên quan của Mỹ để làm rõ thông tin, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp khi xuất khẩu nên nghiên cứu, xây dựng và triển khai cơ chế truy xuất nguồn gốc để bảo đảm đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Chính vì Minh Phú không tuân theo phương pháp mà CBP yêu cầu, nên CBP đã áp dụng những "dữ kiện bất lợi sẵn có" và kết luận rằng Minh Phú đã vi phạm đạo luật EAPA" - thông cáo báo chí viết.

"Vua tôm" Minh Phú nhấn mạnh yêu cầu của CBP không phù hợp với đặc thù sản xuất của ngành tôm và Minh Phú biết rằng chưa doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu tôm nào có hệ thống truy xuất như vậy. 

Trên thực tế, Minh Phú đã dẫn chứng rõ phương pháp phân tách và truy xuất nguồn gốc của Minh Phú được chấp thuận bởi Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ, dựa trên các yêu cầu của cơ quan này đối với chương trình giám sát nguồn gốc xuất xứ tôm nhập khẩu (SIMP).

Và từ cuối tháng 7/2019, Minh Phú đã ngừng hoàn toàn việc nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ, nhờ nguồn nguyên liệu trong nước có khả năng cung ứng đầy đủ và liên tục cho các nhà máy của Minh Phú.

Vì sao "vua tôm" Minh Phú quyết định kháng cáo khi bất ngờ bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá? - Ảnh 3.

Minh Phú là doanh nghiệp sản xuất tôm lớn nhất cả nước về quy mô doanh thu.

Hiện tại, Minh Phú đã đầu tư áp dụng thành công và vận hành hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại 2 vùng nuôi của mình là: Minh Phú Kiên Giang (600 ha) và Minh Phú Lộc An (300 ha).

Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, Minh Phú cũng đã và đang thiết lập mạng lưới liên kết và cung ứng tôm trải rộng khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nam Bộ, với đa dạng mô hình nuôi tôm bền vững, như 100.000 ha nuôi tôm công nghiệp, 25.000ha nuôi tôm sinh thái rừng ngập mặn, cùng hơn 10.000ha diện tích nuôi tôm-lúa.

Trước đó, ngày 14/1/2020, CBP thông báo khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ.

Đồng thời, CBP áp dụng các biện pháp điều tra và ký quỹ tạm thời ở mức 10% đối với Công ty MSeafood (công ty con của Minh Phú tại Mỹ) do nghi ngờ Minh Phú nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ về sơ chế, chế biến và xuất khẩu sang Mỹ với danh nghĩa tôm xuất xứ từ Việt Nam.

"Minh Phú sẽ thực hiện quyền kháng cáo đối với quyết định này của CBP. Minh Phú tự tin sẽ giành lại ưu thế thuyết phục trong quá trình kháng cáo vì quyết định của CBP không dựa trên bất kỳ lập luận xác thực nào. Trong trường hợp việc kháng cáo không mang lại kết quả như mong muốn, Minh Phú sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Thương mại Quốc tế" – thông cáo của Minh Phú nhấn mạnh.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là doanh nghiệp thủy sản lớn nhất Việt Nam gắn với tên tuổi của "vua tôm" Lê Văn Quang, cũng là người đang giữ chức Tổng Giám đốc.

Vụ điều tra của CBP được khởi xướng vào đầu năm 2020 và thêm tác động của Covid-19 đã khiến Minh Phú phải dời lại kế hoạch xây dựng nhà máy Minh Quí ở tỉnh Cà Mau. Nhà máy này có vốn đầu tư gần 52 triệu USD, công suất 40.000 tấn/năm dự kiến vận hành vào năm 2020.

Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú là doanh nghiệp sản xuất tôm lớn nhất cả nước về quy mô doanh thu. Năm 2020, công ty đặt mục tiêu doanh thu 15.200 tỷ và lợi nhuận sau thuế hơn 900 tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm, "vua tôm" mới ghi nhận đạt 3.800 tỷ doanh thu và lợi nhuận 240 tỷ đồng.

 

 

Thiên Ngân (T/H)