dd/mm/yyyy

Về huyện biên giới Phong Thổ xem bà con đưa nông sản thành sản phẩm OCOP

Sau 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), huyện Phong Thổ, Lai Châu đã thu được những thành tựu đáng ghi nhận. Đến nay huyện Phong Thổ có 21 sản phẩm OCOP của 10 chủ thể, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 20 sản phẩm đạt 3 sao.

Video: Xây dựng sản phẩm OCOP ở huyện Phong Thổ, Lai Châu.

Kinh tế - xã hội vùng nông thôn phát triển

Chia sẻ với phóng viên báo Nông thôn Ngày nay / Dân Việt / Trangtraiviet điện tử, anh Nguyễn Cảnh Đức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ, Lai Châu cho biết: Các sản phẩm OCOP sau khi được Chứng nhận tiếp tục duy trì sản lượng, chất lượng sản phẩm, nhiều cơ sở đã đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã bao bì phù hợp với quy định và thị hiếu của thị trường; quan tâm chú trọng đến công tác quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP lên một tầm cao mới vươn ra thị trường lớn trong cả nước.

Dót ché trà mời khách, anh Đức cho hay, các sản phẩm sau khi được chứng nhận doanh thu tăng cao, mang lại thu nhập tốt hơn cho lao động, góp phần ổn định kinh tế của huyện; mức tăng bình quân về doanh thu sản phẩm sau khi được chứng nhận đạt trên 10%, đặc biệt có những đơn vị tăng doanh thu trên 20%, như HTX Biên Cương, Hợp tác xã Dương Yến... từ đó khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác được những giá trị tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP đảm bảo về chất lượng, sản lượng cho các năm tiếp theo.

Về huyện biên giới Phong Thổ xem bà con đưa nông sản thành sản phẩm OCOP- Ảnh 1.

Sau 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) huyện Phong Thổ, Lai Châu đã thu được những thành tựu đáng ghi nhận... Ảnh: Tuấn Hùng

Chương trình triển khai có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; đã thu hút được sự tham gia của 89 chủ thể, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển sản phẩm đặc sản, dịch vụ, ngành nghề nông thôn; thông qua Chương trình, các chủ thể từng bước chủ động cải thiện về tổ chức quản lý, hiệu quả hoạt động, quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm dịch vụ.

Bên cạnh đó, Chương trình đã giúp chuyển biến mạnh tư duy của người dân nông thôn từ sản xuất sản phẩm sang tư duy về kinh tế sản xuất. Sản phẩm OCOP của các chủ thể được cải thiện về chất lượng, tiêu chuẩn, hệ thống nhận diện, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là hệ thống kênh phân phối hiện đại.

Chương trình không chỉ tạo thêm việc làm mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, phát huy vai trò của phụ nữ, người đồng bào dân tộc trong phát triển kinh tế; Nét văn hóa đa dạng và đặc trưng theo từng vùng miền ngày càng được phát huy và gắn với các sản phẩm OCOP.

Về huyện biên giới Phong Thổ xem bà con đưa nông sản thành sản phẩm OCOP- Ảnh 2.

Đến nay huyện Phong Thổ có 21 sản phẩm OCOP của 10 chủ thể, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 20 sản phẩm đạt 3 sao. Ảnh: Tuấn Hùng

Hỗ trợ chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP

Thực tế cho thấy, để có được kết quả như hôm nay, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền huyện Phong Thổ, một nguồn lực giữ vai trò quan trọng là chính sách ưu đãi từ Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Lai Châu về phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung giai đoạn 2021 – 2025, sự hỗ trợ từ nghị quyết này đã giúp các hợp tác xã, hộ sản xuất và doanh nghiệp giảm bớt chi phí, có điều kiện mở rộng sản xuất, xây dựng thành công sản phẩm OCOP.

Về huyện biên giới Phong Thổ xem bà con đưa nông sản thành sản phẩm OCOP- Ảnh 3.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, các cấp chính quyền huyện Phong Thổ, Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp, khuyến khích và tạo điều kiện giúp các hợp tác xã, hộ sản xuất và doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nông sản và xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: Tuấn Hùng

Được hướng dẫn làm các thủ tục hồ sơ, tư vấn sản xuất, năm 2021 HTX Dương Yến, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, Lai Châu có 3 sản phẩm chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Từ khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, HTX Dương Yến có doanh thu tốt hơn, tạo thêm được việc làm cho lao động tại địa phương với mức lương ổn định. Đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi cá, anh Hoàng Đăng Bình, HTX Dương Yến cho hay: Hiện HTX có 3 sản phẩm OCOP được chế biến từ cá hồi, đó là: Cà hồi phi lê Dương Yến, Cá tầm cắt khúc Dương Yến và Ruốc cá hồi Dương Yến; sau khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP doanh thu tăng lên rõ rệt, cao gấp 2 – 3 lần. Chúng tôi có nhiều đơn hàng hơn, sản phẩm của gia đình được nhiều khách hàng biết đến thông qua việc tham gia quảng bá, giới thiệu tại các sàn thương mại, hội chợ xúc tiến và giới thi ệu sản phẩm.

Quá trình xây dựng sản phẩm OCOP gia đình tôi cũng được hỗ trợ hoàn thiện bao bì, hộp đựng sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác… Hiện HTX đang nỗ lực hoàn thiện nhà xưởng và đang xây dựng thêm sản phẩm Cá hồi hun khói thành sản phẩm OCOP trong năm 2024.

Về huyện biên giới Phong Thổ xem bà con đưa nông sản thành sản phẩm OCOP- Ảnh 4.

Hiện HTX Dương Yến, thị trấn Phong Thổ, Lai Châu có 3 sản phẩm OCOP được chế biến từ cá hồi, đó là: Cà hồi phi lê Dương Yến, Cá tầm cắt khúc Dương Yến và Ruốc cá hồi Dương Yến. Ảnh: Tuấn Hùng

Nhìn từ thực tế, Chương trình OCOP đã mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động; doanh thu của các doanh nghiệp, HTX tăng cao, song bên cạnh đó Chương trình vẫn gặp những khó khăn nhất định: Sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền nên sản xuất thủ công, sơ chế truyền thống là chủ yếu, chưa có các cơ sở đầu tư máy móc tiên tiến, hiện đại, nên sản lượng và chất lượng chưa cao, chưa đồng đều; Nguồn nhân lực, lao động sản xuất trực tiếp ít, thiếu lực lượng kế cận trong dài hạn; thị trường tiêu thụ của các sản phẩm OCOP chủ yếu thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, các điểm bán hàng, kênh bán hàng ngắn, ít, chưa đa dạng, chủ yếu bán trực tiếp giữa chủ thể và người tiêu dùng, phương thức bán hàng truyền thống chiếm chủ đạo và thông qua mạng xã hội; trang web chuyên dụng còn hạn chế.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, anh Nguyễn Cảnh Đức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ, Lai Châu cho biết: Tuy còn nhiều khó khăn và thách thức, song sau 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ở huyện Phong Thổ theo hướng tăng hoạt động và nguồn thu từ khu vực thương mại, dịch vụ, góp phần chuyển dịch hiệu quả cơ cấu kinh tế nông thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; góp phần sử dụng hiệu quả hơn nguồn nguyên liệu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Đã có nhiều cách làm hay và sáng tạo của các địa phương, các chủ thể trong việc phát triển sản phẩm OCOP. Cách làm từ các địa phương và các chủ thể sẽ trở thành bài học quý để nhân rộng chương trình OCOP trên quy mô toàn tỉnh.

Tuấn Hùng