dd/mm/yyyy

"Vàng trắng lội ngược dòng" người dân Phong Thổ no ấm

Sau thời gian dài rớt giá, mủ cao su đã tăng lên, cán mức 17.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân huyện Phong Thổ (Lai Châu).

Sequence 05_4_1

Vàng trắng Phong Thổ lội ngược dòng

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt/ Trang trại Việt Điện tử, ông Vũ Hữu Lưỡng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) cho biết: Giá bán mủ cao su tăng lên nên bà con trong huyện rất phấn khởi; bố trí thời gian khai thác, chăm sóc, làm cỏ, bón phân cho cây. Mủ cao su được bán chủ yếu cho Công ty cổ phần cao su Lai Châu và doanh nghiệp tư nhân ở cửa khẩu Ma Lù Thàng. Vui nhất là khai thác mủ đến đâu bán đến đó. Với vai trò của cơ quan chuyên môn, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã tuyên truyền, vận động Nhân dân tăng cường công tác chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật khai thác mủ cao su sao cho việc khai thác mang lại hiệu quả cao nhất".

"Vàng trắng" lội ngược dòng mang no ấm cho người dân Phong Thổ   - Ảnh 2.

Hiện nay toàn huyện Phong Thổ có 1.371ha cao su. Trong đó, 990ha cao su đại điền, 381ha cao su tiểu điền. Cao su tiểu điền được trồng từ năm 2006 đến 2008 từ 2 nguồn: Nhà nước hỗ trợ và Nhân dân tự mua giống. Ảnh: Bảo Anh

Gia đình anh Trần Mạnh Dũng ở thôn Tây Nguyên, xã Mường So (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu)  nhiều ngày nay thuê người thường xuyên thăm vườn và làm cỏ cho cao su. Được biết, gia đình anh Dũng trồng cao su tiểu điền từ năm 2007 với tổng diện tích 15ha. Trên mảnh vườn rộng mênh mông, 100% cao su đã đủ điều kiện thu hoạch. Có điều những năm trước do giá cao su thấp, ít người mua nên gia đình anh chưa thu hoạch. Phải đến tận năm 2021 giá mủ tăng, gia đình mới thu mủ cao su năm đầu tiên và cao su đã trở thành nguồn thu lớn của gia đình.

Chia sẻ với phóng viên, Anh Dũng hồ hởi nói: "Từ tháng 3/2021 đến nay, gia đình tôi đã tiến hành khai thác mủ cao su. Trung bình mỗi tháng khai thác từ 5 - 5,5 tấn mủ tươi với giá bán 17.000 đồng/kg. Trừ tiền thuê nhân công, gia đình tôi thu được 50 - 60 triệu đồng. Đỉnh điểm có tháng khai thác được 6,5 tấn mủ, thu lãi gần 80 triệu đồng. Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, thời điểm thu hoạch mủ, gia đình tôi còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 người dân địa phương mức lương 5 - 7 triệu đồng/người/tháng".

Nguồn thu lớn chưa từng có từ cao su, khích lệ gia đình anh Dũng đầu tư 6.000 bộ bát chứa mủ và nắp đậy; làm mới đường lên khu vực khai thác; xây dựng 1 bể chứa mủ cao su. Thời gian tới, để nâng sản lượng mủ khai thác, gia đình anh tiếp tục làm cỏ, bón phân cho cao su (tăng số lần bón từ 1 lần lên 2 lần/năm). Đồng thời, thống kê lại dụng cụ khai thác để bổ sung thêm khi cần thiết.

"Vàng trắng" lội ngược dòng mang no ấm cho người dân Phong Thổ   - Ảnh 4.

Trung bình mỗi tháng gia đình anh Trần Mạnh Dũng, thôn Tây Nguyên, xã Mường So (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) thu 50-60 triệu đồng tiền lãi từ việc thu hoạch mủ cao su. Ảnh: Bảo Anh

Người dân Phong Thổ mừng vui khi mủ cao su được giá

Đưa chúng tôi lên thăm vườn cao su tiểu điền, ông Đèo Văn Tả ở bản Nậm Cáy, xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) không dấu được niềm hạnh phúc khi 0,5ha cao su trồng năm 2006 cây nào, cây nấy mỡ màng, thẳng tăm tắp và dòng "vàng trắng" mang lại cuộc sống no ấm cho gia đình. Mỗi ngày gia đình ông Tả chỉ mất vài giờ đồng hồ đi cạo mủ cao su nhưng mỗi tháng bình quân thu được 9 triệu đồng, số tiền này giúp ông có kinh phí trả tiền xây nhà, mua sắm vật dụng trong gia đình, có vốn nuôi thêm lợn, gà và thuê người làm nương.

Với gia đình ông Lý Vần Riêng cùng bản Nậm Cáy, cao su mang về cho gia đình gần 60 triệu đồng/năm, giúp gia đình ông chi tiêu sinh hoạt, mua thuốc cho bố mẹ già. Nhờ đó, cuộc sống gia đình được cải thiện, ông cũng quan tâm chăm sóc diện tích vườn cao su của gia đình hơn. Ông Riêng chia sẻ: "Kể cả những ngày không khai thác mủ tôi và người trong gia đình cũng lên vườn thăm cây, canh chừng trâu bò phá vườn cũng như phát quang bụi rậm cho cây phát triển".

"Vàng trắng" lội ngược dòng mang no ấm cho người dân Phong Thổ   - Ảnh 5.

Gía mủ cao su tăng, mang lại nguồn thu cho người dân trồng cao su huyện Phong Thổ. Ảnh: Bảo Anh

Hiện nay toàn huyện Phong Thổ có 1.371ha cao su. Trong đó, 990ha cao su đại điền, 381ha cao su tiểu điền. Cao su tiểu điền được trồng từ năm 2006 đến 2008 từ 2 nguồn: Nhà nước hỗ trợ và Nhân dân tự mua giống. Cao su tiểu điền trồng tập trung chủ yếu ở các xã: Huổi Luông, Ma Li Pho, Hoang Thèn, Mường So và Khổng Lào. Năm 2013 cao su tiểu điền bắt đầu được thu hoạch, lúc ấy giá bán cao song từ năm 2014 đến 2020 giá bán thấp, người dân ít thu hoạch, việc chăm sóc cây cũng không mấy mặn mà. Một số người dân còn chuyển đổi đất trồng cao su sang trồng cây khác. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, giá mủ cao su tươi "lội ngược dòng" tăng giá cán mốc 17.000 đồng/kg mang lại niềm vui cho người nông dân quyết tâm gắn bó với cây trồng này.

"Vàng trắng" lội ngược dòng mang no ấm cho người dân Phong Thổ   - Ảnh 6.

Từ năm 2021 đến nay, giá mủ cao su tươi "lội ngược dòng" tăng giá cán mốc 17.000 đồng/kg mang lại niềm vui cho người nông dân quyết tâm gắn bó với cây trồng này. Ảnh: Bảo Anh

Sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cùng với không khí hăng say lao động sản xuất của Nhân dân trên các vườn cao su thể hiện quyết tâm cao trong việc đưa cao su tiểu điền trở thành cây xóa đói giảm nghèo của địa phương, tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn huyện Phong Thổ. Hiện nay, cây cao su tiểu điền đang là giải pháp hữu hiệu giúp tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Từ đó, mở ra tươi lai tươi sáng và niềm tin về một cuộc sống ấm no hơn nơi huyện biên giới Phong Thổ.

Vinh Duy - Bảo Anh