dd/mm/yyyy

Tỷ phú đầu tiên của người Xinh Mun trên đất Phiêng Khoài

Đó là lão nông Vì Văn Vầu, 62 tuổi, nguyên bí thư chi bộ bản Tà Ẻn, tỷ phú đầu tiên của người Xinh Mun trên đất Phiêng Khoài. Năm nay, ông đã xấp xỉ 40 năm tuổi Đảng.

Trong kí ức của đảng viên Vì Văn Vầu ở bản Tà Ẻn, xã Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La) thì những ngày trai trẻ luôn gắn với cái đói, cái nghèo. "Nghèo lắm, nghèo đến nỗi tôi chỉ mơ ước được ăn bữa cơm no không phải độn khoai, độn sắn, chứ chưa dám mơ đến những bữa cơm có thịt" – ông Vầu kể vậy.

Bứt phá để mỗi ngày có 5 bát gạo

Năm 1979, ông Vầu nhập ngũ, tham gia vào sư đoàn bộ binh 356, đóng quân ở Lào Cai, bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. "Chính trong quân ngũ, tôi đã nghĩ: Mình còn trẻ, khoẻ, đã nhận việc gì là phải làm cho thật tốt. Vì thế, tôi là một trong những chiến sĩ người dân tộc thiểu số luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là Chiến sĩ quyết thắng của trung đoàn 149, Quân khu II và được kết nạp đảng trong quân ngũ" – ông Vầu tâm sự.

Tỷ phú đầu tiên của người Sinh Mun trên đất Phiêng Khoài - Ảnh 1.

Ông Vì Văn Vầu ở bản Tà Ẻn (Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La) luôn tự học hỏi kinh nghiệm sản xuất mới và phổ biến những kinh nghiệm này cho bà con trong bản. (Ảnh tư liệu của Kiều Thanh Tâm)

Năm 1982, xuất ngũ về địa phương, đảng viên trẻ Vì Văn Vầu lại trăn trở với sự đói nghèo ở quê hương. Nhà nhiều miệng ăn nhưng hạt gạo ít bữa nào được nấu tới 2 bát, chủ yếu là cơm độn hoặc độn thay cơm. "Đất thì rộng, sức khoẻ thì có, lại làm nghề nông truyền thống mà sao vẫn cứ nghèo mãi ? Chả nhẽ mỗi ngày không kiếm nổi 5 bát gạo cho cả nhà?  Câu hỏi ấy bám lấy tôi nhiều tháng trời và tôi quyết định: Chỉ có lao động cật lực mới có thể no cơm, ấm áo".

Nhờ cái quyết định ấy đến sớm nên ở thời điểm những năm 80 đó, gia đình ông Vầu đã nhanh chóng mở rộng diện tích đất sản xuất, chỗ thì trồng sắn, trồng ngô; chỗ gieo lúa nương; chỗ trồng củ dong riềng, đậu đỗ; nuôi lợn, gà, trâu, bò, dê… ". Đang thời trai trẻ, sức khoẻ tốt, khát vọng thôi thúc nên tôi lăn làm hùng hục trên nương rẫy cả ngày lẫn đêm. Làm thì nhiều nhưng năng suất thấp lắm vì kinh nghiệm và những tiến bộ khoa học kĩ thuật chưa có. Nhà lại nghèo nên không có vốn để đầu tư. Được cái, tay làm - hàm nhai nên nhà tôi cũng không đói nữa. Từ đó tôi cũng yên tâm tham gia làm cán bộ xã, bản; làm tròn vai trò "đầu tầu - gương mẫu" của người đảng viên trong công việc chung cũng như trong gia đình" - Ông Vầu kể vậy.

Học cách làm hay, mỏi tay đếm tiền

Bước sang thập kỷ 90, phong trào đổi mới trong lao động sản xuất nông nghiệp ở Sơn La bắt đầu khởi sắc và ảnh hưởng không nhỏ tới cách làm giàu của ông Vầu. " Tôi thấy người ta trồng nhãn, trồng mận hậu và ngô lai có thu nhập cao; thế là tôi cũng mạnh dạn đầu tư làm theo. Do ít vốn nên ngoài cây ngô lai thì các cây ăn quả khác lúc đầu tôi cũng chỉ trồng mỗi thứ vài trăm mét vuông. Nhờ ngô lai ngày ấy được giá, năng suất cao nên tôi có thu nhập khá hơn nhiều, càng có vốn lớn để đầu tư trồng cây ăn quả và chăn nuôi bò, dê, lợn. Sau này, khi ngô mất giá thì tôi lại tăng diện tích cây sắn, cây dong riềng và các cây ăn quả lâu năm khác".

Tỷ phú đầu tiên của người Sinh Mun trên đất Phiêng Khoài - Ảnh 2.

Vợ chồng ông Vì Văn Vầu ở bản Tà Ẻn (Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La) thường xuyên dành một phần diện tích đất sản xuất để trồng cây dong riềng, lấy củ bán và chăn nuôi, chứ không độc canh 1 loại cây trồng. (Ảnh tư liệu của Kiều Thanh Tâm)

Đưa khách đi tham quan vườn cây trái rộng tới mấy ha, ông Vầu phấn khởi, khoe: Già yếu rồi nên không còn chăn nuôi nhiều gia súc nhưng bây giờ, mỗi năm, ít nhất tôi cũng thu được nửa tỷ đồng nhờ bán hoa trái và củ dong riềng. Tôi học được cách làm cho cây trái giống mới nhanh được thu hoạch mà năng suất cao, chất lượng tốt, lại là nông sản sạch nên chẳng lo ế hàng.

Bí quyết bắt cây ăn quả cho thu nhập cao của ông Vầu có được cũng là nhờ ông chịu khó tham quan, học hỏi từ những trang trại khác ở trong tỉnh. Chỉ vào cây bưởi da xanh sai trĩu quả, ông Vầu bảo: Như những gốc bưởi Diễn này trồng ở đây không hợp khí hậu, quả nhỏ, bán không được giá nhưng tôi không chặt bỏ mà sử dụng chính cái gốc này ghép mắt, ghép cành bưởi da xanh vào. Nhờ thế, chỉ sau vài năm ghép cành là tôi đã có bưởi da xanh thu trái mà quả lại to, chất lượng tốt nhờ bộ rễ khoẻ mạnh. Những gốc nhãn cũng vậy, tôi sử dụng thân cây cũ để ghép nhãn Miền Thiết, chỉ 2 năm là có thu ngay. Hơn 100 gốc nhãn của tôi năm vừa rồi cho thu tới gần 2 tấn quả. Hơn 2 ha mận hậu, mỗi năm cũng cho thu chừng 25 tấn quả. Mận hậu ở đây bán được giá lắm vì nó chín muộn hơn ở Mộc Châu và Sơn La. Đặc biệt, mận hậu Phiêng Khoài có độ giòn, vị ngọt, quả to mọng và mầu sắc rất đẹp nên bán cũng dễ. Dịch bệnh như Covid -19 cũng chỉ làm giảm giá, bán chậm hơn chứ không lo ế. Còn hàng chục tấn dong riềng của tôi thì cứ thu hoạch đến đâu là có người đặt mua đến đấy. Nông sản nhà tôi luôn đảm bảo sạch nên khách hàng luôn tìm đến tận nương để mua…

Tỷ phú đầu tiên của người Sinh Mun trên đất Phiêng Khoài - Ảnh 3.

Hàng trăm cây bưởi da xanh và buởi Diễn luôn sai trĩu quả là một trong những nguồn thu nhập lớn của gia đình ông Vì Văn Vầu trong mấy năm vừa qua. (Ảnh tư liệu của Kiều Thanh Tâm)

Với nhiều nông dân khác, khi đầu tư làm trang trại thường phải lo vốn để mua giống, phân bón, thuê người thiết kế trang trại, đào hố trồng cây, chăm sóc cây trồng… Những khoản chi phí ấy với diện tích trang trại chừng 3-4 ha là tốn cả nửa tỷ đồng như chơi. Nhưng ông Vầu không làm thế. Ông tự học cách ghép mắt, ghép mầm, ươm giống cây, tự thiết kế trang trại, rồi cứ túc tắc mà làm dần. Ngay cả phân bón trong vườn, ông cũng tận dụng tối đa nguồn phân bón tự nhiên từ cây cỏ, thân ngô, dong riềng, lá sắn sau thu hoạch và gom phân gia súc quanh vùng về bón cho cây. "Mình tận dụng phế phẩm nông nghiệp để bón cho cây thì không chỉ đỡ tiền mua phân bón mà đất còn tốt lâu, tốt bền; quả củ đều ngon hơn và khách hàng thích hơn. Việc đốt rác nông nghiệp còn làm ô nhiễm môi trường nữa đấy" - ông Vầu bảo vậy.

Ông Vầu đưa tôi ra thăm vườn ươm cây giống của ông ở ngay cạnh nhà. Hàng trăm cây mận hậu ngóc ngọn đều tăm tắp trong dãy vườn ươm, lá xanh non, nhánh rất mập mạp. Ông Vầu tâm sự: Tôi tự tay ươm chiết cả đấy. Mình làm được giống thì không chỉ đỡ được chi phí mà còn chủ động chọn được những giống tốt hơn; chủ động được thời điểm gieo trồng của gia đình mình. Ngoài ra, mình làm được nhiều thì còn có cái mà giúp bà con, hoặc ít nhất thì cũng có kinh nghiệm mà hướng dẫn cho họ tự làm. Mình từng làm cán bộ xã, bản, là đảng viên thì phải luôn nghĩ cách làm hay, luôn cố gắng làm thật tốt thì quần chúng, người dân mới nể mình, khi cần vận động việc gì, bà con mới đồng thuận cao.  

Tỷ phú đầu tiên của người Sinh Mun trên đất Phiêng Khoài - Ảnh 4.

Ông Vầu luôn tự học hỏi những kinh nghiệm sản xuất tiến bộ và tự tay ươm, chiết, ghép các giống cây trồng cho trang trại của gia đình mình. (Ảnh tư liệu của Kiều Thanh Tâm)

Chỉ vào những bằng khen, giấy khen của nhiều cấp, nhiều ngành đang treo ngăn nắp thành từng dãy trên tường phòng khách, ông Vầu không giấu vẻ tự hào: Nhà tôi giờ có 6 người, gồm 2 vợ chồng tôi, 2 anh con trai đang đi bộ đội và 2 cô con dâu, thì có tới 5 người là đảng viên. Với người dân tộc Xinh Mun ở vùng cao nhiều khó khăn như chúng tôi thì đó là kết quả đáng trân trọng lắm. Vì thế, tôi luôn động viên vợ và con, cháu trong nhà phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm sáng thêm danh dự của Đảng, của gia đình.

Bịn rịn chia tay, ông Vầu trầm tư ít phút, rồi bảo: "Tôi năm nay 39 tuổi Đảng rồi nhưng thấy sức mình vẫn còn khoẻ, kinh nghiệm làm ăn cũng tiếp thu được nhiều cái mới. Vừa rồi tỉnh Sơn La lại có thêm 2 nhà máy chế biến hoa quả tươi, đó là lợi thế cho nông dân chúng tôi trong sản xuất hàng hoá. Vì thế, tôi đã nhủ với mình phải làm tốt cái trang trại cây ăn quả này, đón lõng thời cơ; phấn đấu đến năm tròn 40 tuổi Đảng là thu nhập phải nhân đôi so với hiện nay. Khi ấy, nhà báo về đây, chia vui cùng tôi nhé."

"Ông Vầu là một trong những già bản, đảng viên, hội viên nông dân gương mẫu trong lối sống ở Tà Ẻn. Khi còn làm việc xã, bản cũng như khi đã nghỉ hưu, ông Vầu đều được bà con tin yêu, kính nể. Không chỉ biết cách làm giàu cho gia đình mình, ông Vầu còn giúp đỡ nhiều bà con trong bản cách làm hay để cùng xoá nghèo, vươn lên khá giả. Hiện nay, hầu hết các hộ trong bản đã học và làm theo mô hình trồng cây ăn quả sạch của ông Vầu" - Già bản Tà Ẻn, Phiêng Khoài, Yên Châu - Vì Văn Hôm, bảo vậy.

Kiều Thanh Tâm