Nhiều năm qua, tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng Sơn La đã kế thừa và phát huy tốt phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", truyền thống anh hùng của lực lượng. Đồng thời, lực lượng đoàn viên còn luôn hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới. Trong đó, phải kể tới nỗ lực của tuổi trẻ biên phòng học và làm theo lời Bác để có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp giáo dục…
Theo ghi nhận của PV, tại các vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, những câu chuyện học và làm theo lời Bác một cách thiết thực của tuổi trẻ biên phòng Sơn La đã góp phần tô đậm thêm hình ảnh đẹp về các chiến sỹ bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
Nâng bước em đến trường
Xuất phát từ những câu chuyện về Bác Hồ, trong đó có câu chuyện "Hũ gạo cứu đói của Bác Hồ", tuổi trẻ biên phòng Sơn La đã thực hiện mô hình "Bữa sáng cho em" vào một ngày tháng 9 năm 2012 khi trời biên giới Lóng Sập, huyện Mộc Châu đã trở gió lạnh.
Ngày đó, Trung tá Đào Mạnh Tưởng, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập (nay là Thượng tá, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Sơn La) trong một lần đi tuần tra có ghé thăm điểm trường mầm non Buốc Pát (xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La).
Đây là một điểm trường cách trung tâm xã hơn 20 km, điểm trường ở trên vùng núi cao, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Cảm thông trước cảnh các cháu nhỏ đến trường nhưng không đủ cơm ăn, không có quần áo mặc, Bí thư chi đoàn Đào Mạnh Tưởng đã đưa vấn đề ra trong cuộc họp của đơn vị để xin ý kiến giúp đỡ các cháu. Ngay sau đó đã được 100% cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đồng thuận và nhất trí tự nguyện bớt tiêu chuẩn bữa sáng của mình để san sẻ cho các cháu học sinh.
Đại uý Cầm Bá Thành, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập thông tin: Sau câu chuyện "Bữa sáng cho em" được triển khai thì tiếp đó đoàn viên cùng đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh bán trú của trường Trung học cơ sở - Tiểu học bán trú xã Lóng Sập bữa ăn sáng.
"Từ năm học 2019, chúng tôi đã hỗ trợ thêm 70 suất ăn mỗi buổi sáng cho các em học sinh. Khẩu phần ăn của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị được chia làm ba phần, một phần cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, phần thứ hai gồm 20 suất cho điểm trường mầm non Buốc Pát và 70 suất còn lại được hỗ trợ bằng gạo, thực phẩm dành cho Trường Trung học cơ sở-Tiểu học bán trú xã Lóng Sập", đại uý Cầm Bá Thành nói.
Bản Buốc Pát là một bản đồng bào dân tộc Mông nằm sát đường biên giới Việt Nam - Lào chạy qua địa phận xã Lóng Sập của huyện Mộc Châu. Cuộc sống của đồng bào nơi đây vô cùng khó khăn bởi phong tục tập quán là ở trên non cao không canh tác được. Thế nhưng, điều đáng nói Buốc Pát còn là địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy, hầu hết các gia đình đều có người nghiện hoặc đang thi hành án phạt tù do liên quan đến ma túy.
Ông Tráng Ghịa Tố, dân tộc Mông, bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập nói: Không chỉ hỗ trợ, giúp nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các bản có điều kiện được đi học, bộ đội ở đây còn giúp nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây giống, vật nuôi hay hỗ trợ xoá nhà tạm. Như gia đình tôi được bộ đội hỗ trợ cây giống chanh leo và kỹ thuật trồng từ năm 2018. Giờ đây tôi và nhiều hộ khó khăn khác ở các bản đã thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định.
Trao đổi với PV, ông Lò Văn Nước, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu cho biết: Cơn lốc ma túy đã khiến Buốc Pát chỉ còn lại những mái nhà xiêu vẹo. Những người được coi là lao động chính trong nhà đang phải chịu án tù do nghiện thuốc phiện hoặc mua bán trái phép chất ma túy. Bản có 14 hộ thì đều là hộ nghèo. Chỉ tội cho những trẻ em trong bản sinh ra không chỉ thiếu thốn về vật chất mà thiếu thốn cả tình thương của người thân và cha mẹ.
Cũng chính vì thế, trẻ em trong bản không được quan tâm chăm sóc, việc học của các cháu cũng bị bỏ bê… Sự giúp đỡ của lực lượng biên phòng trong những năm qua đã giúp xã rất nhiều trong việc ổn định được an ninh, trật tự cũng như đời sống của bà con Buốc Pát.
Phong trào học Bác của cán bộ, chiến sỹ biên phòng Sơn La còn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh khi đồng chí Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Sơn La và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La đã kết nối với lực lượng biên phòng để đỡ đầu bốn cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi tháng hỗ trợ mỗi cháu 500.000 đồng cho đến khi các cháu học hết phổ thông.
Từ đó, phong trào học Bác đã được nhân rộng tới các tổ chức, cá nhân và mở rộng quy mô của chương trình ra toàn Bộ đội Biên phòng tỉnh. Hơn nữa còn tuyên truyền mở rộng địa bàn đỡ đầu sang ngoại biên nước láng giềng Lào, như: Đồn Biên phòng Cửa Khẩu Chiềng Khương đỡ đầu một cháu ở bản Đán, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn và Đồn Biên Phòng Mường Lạn đỡ đầu một cháu ở bản Mường Xừm, huyện Mường Ét, nước bạn Lào…
Giúp đồng bào xoá mù
Đã nhiều năm rồi, hình ảnh quen thuộc đậm tình quân dân được người dân nhắc tới nhiều tại các xã vùng biên giới của Sơn La là câu chuyện về những lớp xoá mù chữ của những người lính mang quân hàm xanh. Và tại khắp các bản vùng biên, khi màn đêm buông xuống, cũng là thời điểm tại các nhà văn hoá hoặc lớp học cắm bản lại vang lên tiếng đánh vần học chữ của những học sinh đủ các lứa tuổi từ trẻ cho đến ngoài 60 tuổi.
Một ngày trung tuần tháng 3, theo chân các chiến sỹ Đồn biên phòng Mường Lạn, huyện Sốp Cộp chúng tôi có mặt tại bản Pá Kạch, nơi vẫn còn chưa có sóng điện thoại. Đây là một trong những bản H'Mông khó khăn nhất của xã Mường Lạn, giáp với huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.
Cũng do phong tục tập quán, nhất là tư tưởng trọng nam khinh nữ nên tỷ lệ người dân, nhất là phụ nữ không biết chữ tại đây vẫn còn cao. Hơn nữa, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đường xá đi lại vất vả nên sau một thời gian đi học ở trung tâm xã, nhiều em học sinh ở bản Pá Kạch đã bỏ học giữa chừng để ở nhà phụ gia đình hoặc tảo hôn.
Trung uý Vàng Lao Lừ, nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lạn, một trong những đoàn viên năng động, cho biết: Lớp học xoá mù chữ tại bản Pá Kạch có 22 học viên với nhiều độ tuổi khác nhau từ 10 tuổi đến 40 tuổi. Dạy lớp học xoá mù chữ ở bản Pá Kạch giáo viên phải chiều theo lịch của học viên.
Bởi, ban ngày những học viên lớn tuổi phải đi làm nương, học viên nhỏ tuổi thì theo bố mẹ lên nương để trông em hoặc đi chăn trâu, bò. Mặt khác, do chưa có phòng học nên lớp xoá mù chữ phải học nhờ lớp cắm bản của tiểu học. Vì vậy, lớp học được duy trì vào tất cả các buổi tối trong tuần, thời gian vào lớp lúc 19 giờ và nghỉ lúc 22 giờ.
Thầy giáo quân hàm xanh Vàng Lao Lử đã giúp chúng tôi phiên dịch lời chị Sồng Thị Sua, một trong những phụ nữ lấy chồng sớm và đã có 3 đứa con ở bản Pá Kạch, được biết: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị Sua không được đi học. Sau khi lập gia đình, con cái ốm đau đưa đi viện mới hiểu được việc không biết chữ khổ thế nào.
Xuống đến bệnh viện chẳng biết đưa con vào phòng nào để khám. Mua được điện thoại cũng không biết sử dụng. Sau 3 tháng tham gia lớp học xoá mù chữ của bộ đội biên phòng, chị Sua đã biết đọc và viết được tên của mình.
Thượng tá Đào Mạnh Tưởng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La thông tin thêm: Hơn 3 năm phối hợp, đến nay đã mở được 32 lớp xóa mù chữ tại các xã vùng biên cho gần 1.000 học viên với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Khó khăn bước đầu để tổ chức các lớp học là công tác tuyên truyền vận động người mù chữ đến lớp. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các đồn biên phòng đóng chân tại các vùng biên giới tổ chức lực lượng phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở bám dân, bám bản.
Ban ngày thì làm một số mô hình trồng rau, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm để bà con thấy được thực tế là phải học mới biết làm. Buổi tối thì lên lớp dạy chữ. Ngày đầu số học viên ít, nhưng sau đó người này bảo người kia nên các lớp học đông dần lên, trong bản ai chưa biết chữ đều mạnh dạn đăng ký đi học. Thậm chí, nhiều bản còn tự nguyện làm đơn đề nghị bộ đội biên phòng mở lớp xoá mùa chữ cho người dân.
Ngoài việc trực tiếp tham gia dạy xoá mù chữ, cán bộ, chiến sĩ thuộc các đồn biên phòng khi xuống địa bàn công tác còn gắn với việc nắm tình hình, bảo vệ biên giới, tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và lồng ghép vận động các hộ gia đình có con em đến độ tuổi ra lớp, cho con em đi học đúng độ tuổi.
Những việc làm ý nghĩa, thiết thực của tuổi trẻ biên phòng Sơn La đã và đang được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng biên giới nhắc tới. Điểm nổi bật chính là việc tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng Sơn La luôn thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên" thông qua những phong trào, hành động cụ thể. Chính những đóng góp thiết thực, hiệu quả đó đã và đang tạo sức lan tỏa, có tầm ảnh hưởng tích cực trong đồng bào các dân tộc vùng biên giới.