"Nhiều người thoạt nhìn ổ áp xe trông như bã đậu trên miếng thịt lợn lại tưởng rằng đó là gạo lợn. Thực tế trình độ chăn nuôi của nước ta ngày càng hiện đại, người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng vaccine, phòng bệnh ký sinh trùng theo định kỳ nên hiện tượng trâu bò, lợn nhiễm ấu trùng sán rất hiếm gặp" - ông Nguyễn Ngọc Sơn (ảnh) – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội nói với phóng viên Báo NTNN/Trang Trại Việt.
Thời gian qua trên mạng xã hội xuất hiện một số hình ảnh người dân chụp miếng thịt lợn có dây trắng từ mô mỡ, hay sợi gân trong thớ thịt và cho rằng lợn bị nhiễm sán dây, khiến nhiều người hoang mang. Trong khi thực tế con sán có hình dạng dây chỉ có trong cơ thể người. Ông có thể cho biết, khi nào con lợn bị nhiễm sán?
- Những năm trước đây, do điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, nhiều nơi chưa có hố xí tự hoại nên khi phân người nhiễm sán thải ra ngoài, nếu con vật ăn phải thì sẽ bị nhiễm ấu trùng sán. Ấu trùng này là của loài sán dây, sán trưởng thành ký sinh ở ruột non của người. Lợn chỉ là vật chủ trung gian, mang ấu trùng mà thôi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, hầu hết các hiện tượng áp xe đều lành tính nhưng trong quá trình giết mổ khi phát hiện áp xe, phần thịt áp xe cần được cắt bỏ từ nhà máy, cơ sở giết mổ. Tuy nhiên, đôi khi có những vết áp xe quá nhỏ, chỉ khi pha lóc mỏng mới phát hiện được thì người tiêu dùng có thể cắt bỏ, phần thịt còn lại có thể sử dụng bình thường.
Nhìn bằng mắt thường, ấu trùng sán hơi giống hạt gạo nên ta thường gọi là bệnh gạo lợn. Ổ ấu trùng này chủ yếu tập trung ở vùng cơ của con vật, hoặc ở đầu lưỡi, gốc lưỡi… Ngày xưa người ta hay nhìn thấy lợn gạo, là bởi chăn nuôi kém phát triển, thả rông phổ biến.
Còn hiện nay, trình độ chăn nuôi phát triển, gia súc, gia cầm được nuôi nhiều trong chuồng kín, cách xa khu dân cư, thức ăn, nước uống được kiểm soát chặt chẽ, bên cạnh đó còn có chương trình phòng bệnh ký sinh trùng nên bệnh gạo lợn, hay gạo bò rất khó xảy ra.
Tuy nhiên tôi cũng khẳng định, hiện tượng gạo lợn, gạo bò chưa hết hoàn toàn, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa người dân còn để lợn thả rông, cho trâu bò tắm ở nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nên con vật vẫn có thể bị nhiễm ấu trùng sán.
Khi nào thì con lợn, hoặc trâu bò bị hiện tượng áp xe? Con vật bị áp xe có an toàn để sử dụng làm thực phẩm hay không, thưa ông?
- Đối với ngành thú y, việc thực hiện tiêm phòng vaccine cho gia súc, gia cầm đôi lúc cũng gặp khó khăn. Khi bị người bắt giữ, một số con vật hoảng sợ nên vùng chạy, hoặc do cố định con vật không tốt dẫn đến mũi tiêm vaccine không đúng vị trí, tiêm chệch ra ngoài, hoặc chưa đủ liều lượng…
Cũng có trường hợp tùy vào sự mẫn cảm của cơ thể con vật thì khi tiêm vaccine sẽ xảy ra phản ứng cục bộ, hoặc toàn thân. Khi phản ứng cục bộ, con vật thường xảy ra hiện tượng áp xe ở chỗ vết tiêm. Cũng có trường hợp sau khi tiêm xong, người nuôi để con trâu, bò xuống ao bùn tắm, dẫn đến vết tiêm bị nhiễm trùng và tạo thành ổ áp xe.
Bình thường khi vết tiêm sưng, nóng đỏ, con vật sẽ tự khỏi, nhưng cũng có con vật quá mẫn cảm nên bị mưng mủ, lâu dần tạo thành ổ áp xe, trông như bã đậu. Phải khẳng định rõ, ổ áp xe hoàn toàn khác với ấu trùng sán.
Đối với con lợn, trâu bò, chủ yếu tiêm vaccine ở vùng sau tai và hai bên cổ. Chỗ nào bị áp xe thì thịt ở khu vực đó có hiện tượng như bã đậu, chúng ta có thể loại bỏ, những phần thịt khác vẫn sử dụng được như bình thường.
Ông có thể cho biết những điểm cần lưu ý khi tiêm vaccine cho gia súc, gia cầm?
- Việc tiêm phòng vaccine vào là nhằm tạo miễn dịch chủ động cho con gia cầm, gia súc, tạo kháng thể cho con vật, giống như tiêm vaccine ở con người, giúp con vật ngăn chặn các loại bệnh.
Về nguyên tắc sử dụng, đầu tiên là loại vaccine đó phải đảm bảo còn hạn sử dụng; thứ 2, vaccine đó chỉ phòng những bệnh được tiêm phòng. Trước đây có 2 loại vaccine đơn giá và đa giá. Đơn giá tức là chỉ phòng 1 bệnh, nhưng nay nhờ sự tiến bộ của khoa học, 1 mũi tiêm có thể phòng được nhiều bệnh.
Thứ 3 là phải tiêm đúng liều, đúng các vị trí tiêm. Ví dụ con lợn tiêm dưới tai, mông, hoặc bắp nhưng phải đảm bảo đủ độ sâu dưới da.
Thứ 4, chỉ tiêm vaccine với những con gia súc, gia cầm khoẻ mạnh. Trừ trường hợp ở nơi đang có ổ dịch thì cơ quan chức năng có thể cho phép cán bộ chuyên môn tấn công thẳng vào ổ dịch. Tiêm như vậy để tạo miễn dịch giúp những con vật khoẻ sẽ sống, con nào không đủ điều kiện miễn dịch sẽ chết.
Thứ nữa, đối với gia súc, gia cầm phải thực hiện tốt kỹ thuật tiêm phòng. Gồm kỹ thuật tiêm; cố định gia súc, gia cầm để thực hiện mũi tiêm; bảo quản tốt vaccine...
Xin cảm ơn ông!