dd/mm/yyyy

Trung tâm BTXH tỉnh Sơn La: Ngôi nhà ấm áp của trẻ mồ côi

Từ lâu Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh Sơn La đã là ngôi nhà chung của những trẻ mồ côi. Nơi đây nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ các em nên người.

Ngôi nhà ấm áp của trẻ mô côi vùng cao Sơn La

Trung tâm BTXH tỉnh Sơn La: Vun đắp ước mơ cho những trẻ mồ côi

Đến thăm Trung tâm  Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La, chúng tôi bắt gặp những nụ cười hồn nhiên, tinh nghịch của các em nhỏ. Thế nhưng, đằng sau nụ cười ấy là những hoàn cảnh, số phận khác nhau.

Trò chuyện với em Giàng A Ly, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu (Sơn La) chúng tôi được biết, bố mẹ em mất sớm, 3 anh em ở cùng với ông bà nội, nhưng hoàn cảnh khó khăn, nên em và em trai được đón vào Trung tâm từ năm 2013, năm nay là năm thứ 9 ở Trung tâm, Ly luôn cố gắng học tập, rèn luyện tốt, nhiều năm liền Ly đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Với ước mong trở thành một người thầy giáo.

"Em vào trung tâm, lúc đấy em còn rất nhỏ, em rất là bỡ ngỡ, thấy mọi thứ ở đây đều lạ. Sau khi vào một tuần em mới quen được ở môi trường mới và bắt đầu tham gia các hoạt động của trung tâm. Với những công lao của các mẹ ở đây giúp đỡ em sẽ không bao giờ quên được, em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng của các mẹ", em Lý nói.

Ngôi nhà ấm áp của trẻ mô côi vùng cao Sơn La - Ảnh 3.

Các giáo viên, bảo mẫu của trung tâm luôn gần gũi, chia sẻ với những đứa trẻ mồ côi. Ảnh: Nguyễn Vinh

Với chị Trần Thị Thanh Tú – Phòng Quản lý chăm sóc, làm việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La đến nay đã được hơn 10 năm, Chị không thể nhớ nổi mình đã chăm sóc, nuôi dưỡng biết bao trẻ em mồ côi. Chị cùng các chị em phụ trách bộ phận chăm sóc trẻ phải chia ca, thay nhau túc trực 24/24 giờ để lo từng miếng ăn giấc ngủ cho trẻ. Chị Tú cho biết, nhiều trẻ khi vào trung tâm mới được vài tuổi nên việc chăm sóc phải từng li từng tí. Mỗi chị em ở Trung tâm phải kiên trì, gần gũi, coi trẻ như là con của mình để các em cảm nhận được sự ấm áp, được lớn lên như chính trong gia đình mình.

"Trước khi được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La , mỗi trẻ mồ côi đều có cuộc sống éo le, bất hạnh. Khi về mái nhà chung này, các em đã nhận được tình yêu thương của đội ngũ cán bộ Trung tâm, góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát, xóa đi mặc cảm giúp các em nỗ lực vươn lên trở thành người có ích cho xã hội" chị Tú nói.

Ngôi nhà ấm áp của trẻ mô côi vùng cao Sơn La - Ảnh 4.

Được sống trong tình yêu và sự sẻ chia nên nhiều trẻ sau khi lớn lên, có công ăn việc làm lại thường xuyên quay trở về thăm và giúp đỡ các em nơi đây. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trung tâm BTXH tỉnh Sơn La: Nuôi dưỡng trẻ mồ côi bằng cả tình thương

Trao đổi với phóng viên,  bà Hoàng Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La cho biết: Tiền thân của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La là Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi được thành lập năm 1992. Trung tâm hiện có 27 cán bộ, có nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng 70 cháu ở độ tuổi từ 5 đến 22 tuổi. Hầu hết các em là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Có em bị mồ côi cha mẹ, mất nguồn nuôi dưỡng.  

Nhiều năm nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La đã trở thành ngôi nhà chung của nhiều lớp những đứa trẻ mồ côi. Tại đây, những mảnh đời bất hạnh, không nơi nương tựa trên địa bàn toàn tỉnh được các mẹ chăm sóc chu đáo, tận tình từ bữa ăn tới giấc ngủ. Đảm bảo cho các em ăn uống theo chế độ tiêu chuẩn, đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển.

Ngôi nhà ấm áp của trẻ mô côi vùng cao Sơn La - Ảnh 6.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La hiện có 27 cán bộ, có nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng 70 cháu ở độ tuổi từ 5 đến 22 tuổi. Ảnh: Nguyễn Vinh

"Trung tâm đã phân công cán bộ quản lý, hướng dẫn các cháu ôn luyện bài tập... Đặc biệt, đẩy mạnh phong trào "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan"; tăng cường công tác hướng nghiệp dạy nghề để sau này các cháu trưởng thành hòa nhập cộng đồng, biết chăm lo cho cuộc sống bản thân, đảm bảo chế độ dinh dưỡng để các cháu phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Nhờ vậy, 98% cháu luôn có sức khỏe từ trung bình trở lên" bà Thanh nói

Ngôi nhà ấm áp của trẻ mô côi vùng cao Sơn La - Ảnh 7.

Ngôi nhà ấm áp của trẻ mô côi vùng cao Sơn La - Ảnh 8.

Dù không may phải sớm chịu cảnh bất hạnh mồ côi cha mẹ nhưng tất cả trẻ em ở Trung tâm đều lớn lên và trưởng thành. Ảnh: Nguyễn Vinh

Bên cạnh đó, các chị luôn chủ động trò chuyện, lắng nghe tâm sự của các con để hiểu, chia sẻ và bù đắp phần nào những mất mát, thiệt thòi cả về vật chất và tinh thần, để các con lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc, không mặc cảm, tự ti.

Với tình yêu thương dành cho những đứa con của mình, các chị vừa là mẹ dạy bảo các em từ những điều nhỏ nhất trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, uốn nắn các em hình thành những nhân cách, vừa là những cô giáo đặc biệt, luôn đôn đốc các em học bài và làm bài tập về nhà; chủ động dạy kèm các em có học lực yếu, bởi đối với các chị, niềm vui lớn nhất là được thấy các con chăm ngoan, học giỏi.

Ngôi nhà ấm áp của trẻ mô côi vùng cao Sơn La - Ảnh 9.

Ngôi nhà ấm áp của trẻ mô côi vùng cao Sơn La - Ảnh 10.

Nhờ tình yêu thương của thầy cô, bảo mẫu ở trung tâm, góp phần xoa dịu sự mất mát, thiệt thòi cho các em có cuộc sống tốt đẹp. Ảnh: Nguyễn Vinh

Dưới bàn tay yêu thương, chăm sóc của các mẹ, nhiều lứa các em nhỏ được nuôi dưỡng ở trung tâm đã trưởng thành, trở thành người công dân có ích cho xã hội và luôn giữ sợi dây gắn kết với Trung tâm như 1 phần ký ức về tuổi thơ các em. Đối với các em nhỏ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La đang ngày càng trưởng thành hơn, các em đã dần tự lập, tự giác trong học tập và tự chăm sóc bản thân. 

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh