Huyện Mộc Châu (Sơn La) được thiên nhiên ban tặng cho đất đai, thổ nhưỡng màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm. Tận dụng những mặt thuận lợi đó, nhiều hộ nông dân ở xã Mường Sang đã trồng rau, củ, quả ngắn ngày để nâng cao thu nhập kinh tế.
Cũng như nhiều nông dân khác, ông Trần Văn Tiến đã cải tạo đất nương trồng đậu cô ve, nhờ vậy gia đình ông đã có cuộc sống ổn định và trả được hết nợ nần. Tuy đậu cô ve không phải là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng bước đầu đã mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho bà con nơi đây.
Chia sẻ với PV báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Tiến cho biết: Gia đình tôi nhận thấy trồng đậu cô ve có thể bán chạy và cho thu hoạch nhanh, ít tốn chi phí chăm sóc. Sau đó, tôi bàn với vợ mua dây thép về làm giàn đậu cô ve trên 1.200m2 đất nương sau nhà. Tôi khoan giếng, mua máy bơm, lắp đặt hệ thống dẫn nước để thuận tiện cho việc tưới tiêu. Sau một thời gian ngắn, vườn đậu cô ve của gia đình tôi đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.
Để giàn đậu cô ve sinh trưởng tươi tốt, ông Tiến thường xuyên tưới nước đều đặn cho vườn đậu, tránh làm cây bị còi cọc, vàng úa. Đậu cô ve là loại cây trồng rất cần nước để phát triển, nên hàng ngày ông luôn quan tâm đến lượng nước tưới cho vườn cô ve đầy đủ. Lúc cây đậu chưa ra quả thì ông Tiến bón phân chuồng kết hợp với phân hữu cơ, khi cây ra hoa kết trái ông bón phân kaly, đầu trâu. Ông Tiến luôn nói không với việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và các chất kích thích gây hại đến sức khỏe cho người tiêu dùng. Vì vậy, mà vườn đậu cô ve của gia đình ông luôn được khách hàng đón nhận và bán chạy như tôm tươi.
Theo ông Tiến, cách chăm sóc đậu cô ve rất dễ dàng không cần bỏ công sức nhiều như trồng ngô, lúa và chăn nuôi gia súc. Đến thời điểm dây đậu leo lên giàn, ông lấy dây khâu bao tải buộc dây đậu cô ve quanh các trụ giàn, cắt tỉa bớt lá chân, lấp gốc bằng phân chuồng. Lúc dây leo lên giàn, ông điều chỉnh dây phân bố cho đồng đều, ông cắt bỏ các nhánh nhỏ, nhánh vàng úa cho giàn được thông thoáng, góp phần tăng đậu quả và cho quả đậu đạt chất lượng cao nhất.
Ông Tiến cho hay: Tôi trồng đậu cô ve được 7 năm rồi, dù thu nhập không cao bằng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế khác. Tuy nhiên, giá cả của loại đậu cô ve này luôn ổn định nên không bao giờ bị lỗ. Khi đậu cô ve đến vụ thu thoạch, tôi mang ra bán ở chợ trung tâm huyện được rất nhiều người mua.
Bình quân mỗi năm ông Tiến trồng được 2 vụ, vụ đầu tiên trồng từ tháng 2 đến tháng 4. Vụ thứ 2 trồng từ tháng 10 đến cuối tháng 12, mỗi vụ cho thu nhập hơn 35 triệu đồng. Tính ra 1 năm sau khi trừ chi phí, ông Tiến thu lời 70 triệu đồng từ bán đậu cô ve. Ông Tiến cho rằng, so với các tỉnh dưới xuôi thấy đậu cô ve trồng ở trên miền núi bán được với giá cao hơn, vì hiện nay có ít hộ dân trồng loại đậu này.