Khoảng 10 năm trở về trước, huyện Mộc Châu được coi là thủ phủ của ngô, nhưng vài năm gần đây đất bạc màu, ngô mất giá, diện tích nương rẫy bắt đầu bị bỏ hoang. Để không lãng phí đất sản xuất, các hội viên nông dân Mộc Châu đã chuyển đổi đất bạc màu sang trồng cây ăn quả, đã mang lại thu nhập cao.
Bức tranh nông nghiệp huyện Mộc Châu hôm nay đã được phủ màu xanh của những vườn xoài Đài Loan, mận hậu, cam, nhãn ghép, chanh leo… đã mang về thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng cho bà con nông dân. Nhờ vậy danh sách những hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của huyện Mộc Châu mỗi năm được viết lên các trang sổ sách dài thêm.
Ông Phạm Văn Quyết, tiểu khu 34 (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) chuyển 3ha đất nương rẫy sang trồng 1.000 gốc hồng giòn xuất xứ từ Nhật Bản, mỗi năm cho thu nhập nửa tỷ đồng.
Vừa dẫn chúng tôi thăm vườn cây ăn quả, ông Quyết vừa tâm sự: Khu vườn này trước đây là đất trồng ngô, nhưng nhiều năm không mang lại hiệu quả; chi phí giống, phân bón tốn kém nên thu nhập cả năm không đáng kể. Vì vậy tôi đã chuyển sang trồng hồng giòn, nên giờ cuộc sống đã dư giả lên hẳn.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Quyết bảo mỗi lần ngắm nhìn vườn hồng xanh ngút ngàn, ông vui lắm. Bởi hướng đi đúng trong chuyển đổi cây trồng mà chính ông cũng không ngờ gặt hái được thành quả như ngày hôm nay.
Với bước đi phù hợp trong phát triển kinh tế, hiện nay các hội viên nông dân huyện Mộc Châu đã có mức thu nhập cao hàng năm; xây dựng được nhà cửa khang trang, người dân khá giả và sung túc. Đặc biệt là phong trào trồng cây ăn quả trên đất dốc, cải tạo vườn tạp đã đem lại thu nhập lợi ích kinh tế cao và ổn định cho các hội viên. Nhiều diện tích trồng ngô kém hiệu quả được thay thế bằng các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao như: Cam, bưởi, xoài, nhãn, mận, chanh leo…
Ông Hàng A Vảng, bản Tà Số (xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) trồng mận hậu trên đất dốc với diện tích 6.000m2. Đây là một trong những mô hình điển hình, trong phong trào phát triển cây cây quả trên đất đốc ở bản vùng cao nơi đây. Nhờ tích cực học hỏi, mạnh dạn chuyển cơ cấu cây trồng sang trồng mận hậu, giờ đây ông Vảng đã thu về gần 200 triệu đồng/năm.
Ông Vảng cho biết: Có được thu nhập cao như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi còn được sự giúp đỡ, hướng dẫn của Hội Nông dân và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khuyến khích, hỗ trợ cải tạo vườn tạp, chuyển đổi giống cây trồng nên gia đình tôi mới thoát nghèo.
Đạt được kết quả trên là nhờ Hội Nông dân huyện Mộc Châu đã vận động, tuyên truyền hội viên chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hội nông dân Mộc Châu đã tạo điều kiện giúp đỡ các hội viên vay vốn ngân hàng, sử dụng Qũy hỗ trợ nông dân hiệu quả. Liên kết và phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp phân bón cho bà con nông dân, đến nay đã có rất nhiều hội viên nông dân đã có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hơn tỷ đồng.
Trao đổi với PV, ông Lường Văn Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Chúng tôi luôn quan tâm đến phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tổ chức tuyên truyền đến các hội viên đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Chúng tôi nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng cây ăn quả ở các xã Đông Sang, Mường Sang, Tân Lập, Phiêng Luông, Chiềng Sơn, Chiềng Hắc...
Được biết, ngay từ đầu năm, Hội Nông dân huyện Mộc Châu đã chủ động phối hợp với Công ty phân bón hữu cơ vi sinh gà; Công ty phân bón Lâm Thao tổ chức hỗ trợ cho hội viên nông dân đăng ký mua phân bón trả chậm phục vụ sản xuất năm 2021. Phối hợp với Công ty phân bón Phúc Lâm, Công ty Supe và hóa chất Lâm Thao tổ chức các hội nghị cấp xã tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hội viên, thu hút hàng trăm người tham gia. Qua đó tạo điều kiện giúp các hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu tại cơ sở.