dd/mm/yyyy

Trồng cà phê hữu cơ, hái quả chín: Chất lượng cao hơn, doanh nghiệp thích mua

Để nâng cao chất lượng cà phê, một số hộ dân tại Gia Lai đã có xu hướng canh tác hướng hữu cơ nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào và chú trọng hái quả chín. Nhờ đó, giá cà phê cũng tăng cao hơn hẳn so với những hộ hái lẫn nhiều quả xanh.

Trồng cà phê theo hướng hữu cơ, thu hái quả chín

Gia đình bà Dương Thị Hòa (trú tại thôn 4, xã Ia Hlôp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có 2ha cà phê. Ở niên vụ 2023-2024, thời tiết không mấy thuận lợi, cộng với việc vườn cà phê đã già cỗi nên năng suất bị sụt giảm, dự kiến chỉ đạt khoảng 3 tấn nhân/ha. Cũng diện tích cà phê này trong vụ mùa năm ngoái, gia đình bà thu được tổng cộng 4 tấn nhân.

Với giá cà phê nhân đang ở mức cao, gia đình bà chú trọng hái cà phê đạt độ chín từ 80 - 90% trở lên và hái thành nhiều đợt để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm gia tăng lợi nhuận. Ngoài ra, gia đình bà cũng nói không với việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

"Nếu mình hái quả xanh nhiều quá thì đến khi xay ra nhân, sản lượng sẽ giảm, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Ý thức được điều đó, gia đình tôi chăm chút hái cà phê chín thành nhiều đợt. Tuy tốn nhiều nhân công nhưng được cái lợi là bảo vệ được cành cà phê. Ngoài ra, gia đình còn sử dụng phân hữu cơ tự ủ từ các chế phẩm vi sinh bản địa để bón cho cây trồng. Với cách làm này, chi phí sản xuất giảm khoảng 30% so với trước nhưng bù lại năng suất đạt khá, giá bán cà phê ra thị trường cũng cao" - bà Hòa nói.

Trồng cà phê hữu cơ, hái quả chín: Chất lượng cao hơn, doanh nghiệp thích mua- Ảnh 1.

Nông dân thôn Dor 1, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, thu hái cà phê thành nhiều đợt để đảm bảo tỷ lệ quả chín. Ảnh: Hoàng Lộc

Để cà phê đạt chất lượng trong thu hoạch, hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khó tính, hầu hết các công ty cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã áp dụng các quy định chung về việc thu hái cà phê khá nghiêm ngặt; trong đó, tiêu chí phải đạt quả chín trên 85% được đặt lên hàng đầu. Việc thực hiện quy trình này trong điều kiện thời tiết khí hậu thất thường sẽ tốn thêm nhiều công thu hái nhưng bù lại, cà phê chín giúp tăng khoảng trên 10% sản lượng so với hái quả xanh.

Tương tự, ông Lum (người dân tộc Ba Na, trú tại thôn Dor 1, xã Glar, huyện Đak Đoa) cho biết, do sự thay đổi thất thường của thời tiết nên 1ha cà phê của gia đình ông ra hoa đậu quả nhiều đợt trong năm, vì thế cà phê cũng không thể chín đồng loạt. 

Gia đình ông phải chia nhiều đợt để thu hoạch, xem cây nào chín trước (chín 80% trở lên) sẽ hái trước và không hái tập trung như trước.

"Trước đây gia đình tôi thu hoạch cà phê theo kiểu tập trung hái một lần nên tỷ lệ quả xanh khá nhiều, dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao. Do vậy, những năm gần đây, tôi đã chú trọng hơn đến việc canh tác cà phê theo hướng hữu cơ. Ngoài việc chăm sóc vườn cây tốt thì khâu thu hoạch cũng được gia đình rất được chú trọng, bởi nếu hái đạt độ chín cao sẽ được thu mua với mức giá cao hơn khoảng 10-20% so với giá bình thường" - ông Lum bộc bạch.

Nâng cao chất lượng cà phê

Ông Lê Hữu Anh - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) cho biết, trong niên vụ cà phê 2023-2024, HTX liên kết với 492 hộ, tổng diện tích gần 500ha để sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ. 

Do đó, HTX rất chú trọng đến việc nâng cao giá trị sản phẩm bằng việc thu hái quả chín và khuyến khích các hộ liên kết bằng cách cộng thêm 3.000 đồng/kg khi tỷ lệ quả chín đạt trên 90%. Nhờ vậy, các hộ có động lực để nâng cao chất lượng thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trồng cà phê hữu cơ, hái quả chín: Chất lượng cao hơn, doanh nghiệp thích mua- Ảnh 2.

Việc hái quả chín sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Ảnh: H.L

Bên cạnh đó, HTX còn định hướng bà con, nông dân thay đổi tư duy canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp để ủ thành phân bón cho cây trồng. 

"Việc thay đổi tư duy canh tác cây cà phê ứng dụng chế phẩm sinh học là một hướng đi phù hợp với xu hướng sản xuất chung hiện tại, tiết kiệm được chi phí sản xuất tối đa khi giá các loại phân bón hóa học, vật tư nông nghiệp đang ở mức cao. Bên cạnh đó, những nông hộ tiên phong tham gia vào mô hình đều có sự tuân thủ nghiêm túc về quy trình, tập trung vào canh tác nên đem lại kết quả cao"- ông Hữu Anh chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tấn Hùng - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Đăk Đoa cho biết, tổng diện tích cà phê toàn huyện hiện khoảng 28.000ha, lớn nhất tỉnh Gia Lai. Trong đó, có khoảng 14.000ha cà phê trồng theo các tiêu chuẩn quốc tế uy tín như 4C, UTZ, Rainforest. 

Theo ông Hùng, vào mỗi năm, ngành nông huyện thường xuyên mở 15 lớp tập huấn để tuyên truyền, hướng dẫn bà con, nông dân và HTX áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chăm sóc vườn cây, phòng trừ dịch bệnh và thu hái, bảo quản cà phê đảm bảo theo đúng các quy trình kỹ thuật. Đồng thời, đơn vị cũng khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích cà phê mà chủ yếu tập trung các giải pháp để nâng giá trị sản phẩm và sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn chuẩn 4C, VietGAP, hữu cơ và liên kết theo chuỗi giá trị.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp, HTX để liên kết với bà con nông dân nhằm sản xuất ra sản phẩm cà phê sạch, đủ điều kiện để xuất khẩu. Chẳng hạn như từ năm 2018 đến nay, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã liên kết sản xuất với nhiều nông hộ trên địa bàn huyện với diện tích hơn 1.100ha để xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt tiêu chuẩn 4C" - ông Hùng thông tin thêm.

Hoàng Lộc