80% nông dân sau học nghề có việc làm mới, thu nhập cao hơn

Thiên Hương Thứ năm, ngày 04/01/2024 13:21 PM (GMT+7)
Đến nay, cả nước đã tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng gần 10 triệu lao động nông thôn, với 37% số lao động học nghề nông nghiệp, 63% số lao động học nghề phi nông nghiệp.
Bình luận 0

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 diễn ra tại Hà Nội mới đây, nhiều nông dân, cán bộ Hội Nông dân cơ sở đã bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo việc làm cho những lao động trở về quê sau khi bị mất việc ở khu công nghiệp, thành phố...  

80% nông dân sau học nghề có việc làm mới, thu nhập cao hơn - Ảnh 1.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Viết Niệm

Trong đó, ông Phạm Đình Huỳnh – Giám đốc HTX Chè Quang Minh, tỉnh Tuyên Quang đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ: Hiện nay, ngoài công tác đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân thì nông dân đang có nhu cầu rất lớn được bồi dưỡng, tập huấn nghề ngắn ngày, nâng cao kỹ năng nghề gắn với tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập đối với lao động nông thôn trên địa bàn. Xin phép được hỏi Thủ tướng, Chính phủ có chính sách, giải pháp cụ thể gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghề ngắn ngày gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân? 

Cùng chủ đề này, ông Nguyễn Xuân Khánh – Chủ tịch Hội ND huyện Thanh Chương nêu câu hỏi từ điểm cầu tỉnh Nghệ An: Hiện nay, một bộ phận lao động nông thôn là con em nông dân đi làm công nhân ở thành phố, đô thị mất việc làm (chủ yếu do hết tuổi lao động, hoặc bị doanh nghiệp sa thải, cắt giảm lao động, hoặc sức khoẻ trình độ không đáp ứng được…), đã quay trở về quê mang theo nhiều khó khăn, phức tạp cả về việc làm, đời sống và an sinh xã hội ở nông thôn. Xin phép được hỏi Thủ tướng, Chính phủ và các ngành chức năng có chính sách, giải pháp gì để hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người lao động mất việc làm trở về nông thôn? 

80% nông dân sau học nghề có việc làm mới, thu nhập cao hơn - Ảnh 2.

Nông dân Phạm Đình Huỳnh- Giám đốc HTX chè Quang Minh đến từ tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Dân Việt

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hoan – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sau gần 14 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện Quyết định 46 ngày 28/9/2015 về hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng…, qua tổng kết cho thấy đến nay cả nước đã tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng gần 10 triệu lao động nông thôn. Trong đó có khoảng 37% số lao động học nghề nông nghiệp, 63% số lao động học nghề phi nông nghiệp. 

Đặc biệt, người dân đã có nhận thức sâu sắc hơn về mục đích học nghề: Từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để cho biết chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có năng suất, thu nhập cao hơn; học để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, học để giảm nghèo bền vững và thậm chí học để làm giàu. 

Ước tính, có hơn 80% nông dân sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; trên 24% được doanh nghiệp tuyển dụng. Khoảng 23,8% tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm và thoát nghèo, nhiều hộ nghèo trở thành hộ khá, nhiều hộ khá trở thành hộ giàu, đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp…

Với những kết quả trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nông dân trong 10 năm qua đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động, tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng số lao động cả nước giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 33,5% năm 2020. 

80% nông dân sau học nghề có việc làm mới, thu nhập cao hơn - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Bá Hoan – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (bên trái). Ảnh: Dân Việt

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, miền, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững.

Mới đây nhất, ngày 04/5/2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; trong đó, bao gồm một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về đào tạo, đào tạo lại nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện 7 giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa nhận thức về đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, việc đào tạo lấy người dân nông thôn làm trung tâm; coi việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm là một trong những điều kiện tiên quyết thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai, việc phát triển, đào tạo, bồi dưỡng cho lao động nông thôn cần được tăng cường, ưu tiên đầu tư từ ngân sách, trong đó đặc biệt ưu tiên đào tạo cho lao động vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa và nhóm đối tượng yếu thế; bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, huy động, khuyến khích và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân nông thôn về việc học nghề là quyền lợi của người dân nông thôn nhằm bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.

Thứ tư, đào tạo nghề theo nhu cầu học nghề của lao động, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động và yêu cầu của thị trường, bảo đảm việc đào tạo thực chất, đi theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

80% nông dân sau học nghề có việc làm mới, thu nhập cao hơn - Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trò chuyện với các nông dân xuất sắc, tiêu biểu bên lề Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân. Ảnh: Viết Niệm

Thứ năm, phát triển đào tạo nghề cho người nông dân theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, hiệu quả, dễ tiếp cận và công bằng; đa dạng phương thức, trình độ đào tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, đặc biệt là chuyển đổi số.

Thứ sáu, thực hiện gắn kết giữa đào tạo nghề với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng sức cạnh tranh hàng nông sản; tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện điều kiện sản xuất và môi trường đầu tư ở khu vực nông thôn.

Thứ bảy, coi trọng và đẩy mạnh phát triển nhân lực chất lượng cao ở khu vực nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn ở các vùng nông thôn để giải quyết vấn đề việc làm cho lao động nông thôn, đồng thời thu hút lao động về các vùng nông thôn làm việc nhằm khắc phục tình trạng lao động di cư đến các thành phố lớn gây mất cân đối cung - cầu lao động.

Nội dung thứ 2 về câu hỏi của Chủ tịch Hội ND huyện Thanh Chương, việc giải quyết việc làm cho lao động từ đô thị trở về nông thôn, chúng ta đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho bà con, điển hình như chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác. 

Trong đó, có thực hiện gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Đồng thời, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho các đối tượng người lao động nói chung, nhất là lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số và miền núi,... Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Thứ 4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động đa dạng, linh hoạt, hiệu quả, dễ tiếp cận và công bằng; đa dạng phương thức, trình độ đào tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và tổ chức đào tạo. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho mọi người, ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho lao động nữ, các đối tượng chính sách, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị mất đất, ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực nông thôn.

Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đang hoàn thiện Đề án sửa đổi Luật lao động việc làm báo cáo Chính phủ và dự kiến trình Quốc hội ban hành trong năm 2024, trong đó có rất nhiều cơ chế, chính sách thể hiện sự quan tâm tới việc bố trí việc làm cho lao động nông thôn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem