Cần quan tâm bố trí nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân để hỗ trợ nông dân nhiều hơn

Đức Thịnh Thứ tư, ngày 03/01/2024 12:38 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2023, vấn đề về hỗ trợ vốn tín dụng giúp nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi.
Bình luận 0

Đề nghị bổ sung, phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân

Ở điểm cầu Bình Dương, nông dân Nguyễn Hồng Quyết- Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 của tỉnh Bình Dương cho biết hiện nay, chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cho phép cá nhân, hộ gia đình đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm được vay tối đa 200 triệu đồng/hộ. Trong khi nhiều hộ nông dân sản xuất với diện tích lớn tới hàng chục, hàng trăm ha cần nhu cầu vốn hàng tỷ đồng.

Ông Quyết mong muốn Chính phủ ban hành cơ chế, giải pháp để nông dân được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai (sản phẩm thu hoạch trong tương lai) để vay vốn với nhu cầu lớn phục vụ sản xuất.

Cần quan tâm bố trí nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân để hỗ trợ nông dân nhiều hơn- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Quyết - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, Bình Dương, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 đang đầu tư mô hình trồng dưa công nghệ cao. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Trong khi đó, ông Trần Tiến Sỹ- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình kiến nghị cần có giải pháp phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cho biết: Ngày 24/6/2023, Nghị định số 37 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân được ban hành là cơ sở pháp lý rất quan trọng cho Quỹ. Tuy nhiên, do nhu cầu vay của nông dân rất lớn, trong khi nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân còn hạn chế, đặc biệt tại các tỉnh còn khó khăn như Quảng Bình. Do vậy, ông Trần Tiến Sỹ rất mong muốn Chính phủ có chính sách để Trung ương, các địa phương bổ sung, phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cần quan tâm bố trí nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân để hỗ trợ nông dân nhiều hơn- Ảnh 2.

Từ điểm cầu Quảng Bình, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2023. Ảnh: Mai Anh.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ, ưu đãi nông nghiệp nông thôn. Riêng ngành ngân hàng, đến thời điểm hiện nay, có 18 văn bản đang có hiệu lực, cơ chế chính sách trực tiếp hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, không chỉ chung cả nước mà đi vào từng khu vực cụ thể, vùng miền.

Ví dụ như khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho cây lúa, tôm, cá. Đối với khu vực Tây Nguyên cho cây cà phê, cây công nghiệp. Khu vực miền núi phía Bắc cũng như đồng bằng sông Hồng cũng có những cơ chế chính sách riêng, thậm chí để hỗ trợ, giải quyết, khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, hoặc đối với bà con ngư dân

Cần quan tâm bố trí nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân để hỗ trợ nông dân nhiều hơn- Ảnh 3.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (ở giữa) trả lời câu hỏi của nông dân.

Nguồn lực ngành ngân hàng dành cho nông nghiệp nông thôn, hiện nay luôn luôn là lĩnh vực ưu tiên, không có bất cứ cơ chế giới hạn, hạn chế nào. Thậm chí có những cơ chế động viên khuyến khích, ưu tiên cho các ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ này. Trước hết về nguồn lực hiện nay, tổng dư nợ nền kinh tế vào khoảng 13,4 triệu tỷ đồng đến thời điểm hiện nay, riêng nông nghiệp nông thôn đang có tổng dư nợ khoảng 3,3 triệu tỷ, tương đương 1/4 tổng dư nợ kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thường xuyên duy trì mức cao nhất cho các ngành, lĩnh vực, chiếm khoảng 10 – 12%/năm.

Năm 2014, Nghị định số 55 đã mở ra cơ chế mới về nguồn vốn, bảo lãnh, điều kiện thủ tục vay vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Năm 2018, Nghị định số 55 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, đến nay, thực tiễn đặt ra yêu cầu phải có cơ chế mở rộng hơn đối với tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ NN&PTNT nghiên cứu mở rộng cơ chế cho vay đối với hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất, HTX sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, theo chuỗi giá trị liên kết, ứng dụng công nghệ cao.

Nông dân phải được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn, đúng, trúng, kịp thời

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh mô hình tài chính là một trong 5 thành tố quan trọng để đảm bảo quá trình sản xuất của người nông dân có hiệu quả. Nguồn tài chính bao gồm tín dụng từ phía ngân hàng, bên cạnh đó nhà nước có Ngân hàng Chính sách xã hội, và đặc biệt trong hệ thống Hội Nông dân có Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Cần quan tâm bố trí nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân để hỗ trợ nông dân nhiều hơn- Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh mô hình tài chính là một trong 5 thành tố quan trọng để đảm bảo quá trình sản xuất của người nông dân có hiệu quả, đặc biệt trong hệ thống Hội Nông dân có Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Trong thời gian vừa qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân ở địa phương gặp khó khăn trong việc bổ sung nguồn vốn điều lệ để cho người nông dân vay. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 37 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, trong đó bổ sung quy định về việc cấp bổ sung nguồn vốn Điều lệ cho Quỹ từ Ngân sách nhà nước như sau:

Vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương được cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương trong từng thời kỳ sau khi có ý kiến thống nhất với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh được cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương, Hội Nông dân cấp tỉnh trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong từng thời kỳ sau khi có ý kiến thống nhất với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện được cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương. Hội Nông dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định mức vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ nông dân trong từng thời kỳ. Trường hợp không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mức vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện sau khi có ý kiến thống nhất với Phòng Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư.

Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân xây dựng nhu cầu hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước gửi Ban Thường vụ Hội nông dân cùng cấp phê duyệt, tổng hợp cùng với dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Hội Nông dân cùng cấp, trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật hiện hành.

Từ tình hình trên, đề nghị Hội Nông dân báo cáo các cấp có thẩm quyền để được bố trí bổ sung nguồn vốn cho Quỹ theo quy định.

Trong năm 2023, phần vốn của các địa phương đã được bổ sung thêm, khoảng xấp xỉ gần 500 tỷ đồng, đưa tổng vốn của các Quỹ địa phương lên gần 4.100 tỷ đồng. Đến nay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong hệ thống Hội, bao gồm cả quỹ Trung ương và quỹ địa phương đạt gần 5.000 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã cho vay 15.937 hộ nông dân, thông qua 1.384 dự án. Bình quân một dự án xấp xỉ gần 500 triệu đồng một dự án.

Trong thời gian tới, trên cơ sở hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ nông dân, Trung ương sẽ bổ sung nguồn vốn. đồng thời đề nghị các địa phương quan tâm bố trí nguồn vốn cho quỹ để tiếp tục hỗ trợ cho nông dân vay vốn.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ như vậy, các chính sách tài khóa khác đang có hỗ trợ tích cực cho nông dân như ưu đãi thuế gắn với một số mặt hàng đầu vào của nông nghiệp, chăn nuôi, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến đầu tư thương mại,...

Cần quan tâm bố trí nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân để hỗ trợ nông dân nhiều hơn- Ảnh 5.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời các câu hỏi của nông dân về vấn đề vốn tín dụng

Về câu hỏi của ông Trần Tiến Sỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị UBND các cấp tăng cường hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, để họ hiểu, chấp hành các quy định, tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi, linh hoạt hơn, nhất là tăng cường hình thức cho vay tín chấp và cho vay theo tài sản hình thành trong tương lai.

Cùng với đó, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ mở rộng tiếp cận Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ tới các đối tương nông dân, các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp…

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu công tác thẩm định, giải ngân Quỹ Hỗ trợ nông dân cần có cách tiếp cận nguồn vốn rộng rãi hơn, có những tiêu chuẩn, điều kiện thuận lợi hơn cho người nông dân, ưu tiên vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Tóm lại, các cơ quan phải có chính sách để người nông dân được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn, đúng, trúng, kịp thời, đúng địa chỉ, đúng thời điểm. Các ngân hàng cũng phải có các quy định phù hợp, nghiên cứu chính sách tiếp cận tín dụng cả tài sản thế chấp và cả tín chấp, nghiên cứu tín chấp nhiều hơn. Bởi người nông dân Việt Nam có truyền thống lam lũ, chất phác, thật thà. Vì vậy cần linh hoạt trong tiếp cận vốn cho người nông dân.

Ghi nhanh bên hành lang trụ sở Văn phòng Chính phủ sau khi kết thúc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2023 ngày 30/12, phóng viên Báo điện tử Dân Việt cảm nhận thấy các đại biểu nông dân tham gia đối thoại với người đứng đầu Chính phủ rất phấn khởi, hài lòng về kết quả của hội nghị. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Nga - Chủ tịch Hội Nông dân phường Tương Giang, TP.Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết đặc biệt ấn tượng với phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo các ngân hàng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho nông dân, hội viên trong tiếp cận nguồn vốn vay, Quỹ Hỗ trợ nông dân thuận lợi, đơn giản hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem