Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 thành tố quan trọng để phát triển nông nghiệp

Thành Nam Thứ năm, ngày 04/01/2024 06:00 AM (GMT+7)
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển nông nghiệp cần 5 thành tố quan trọng, đó là: Thương hiệu, quy hoạch, doanh nghiệp, ngân hàng và ứng dụng khoa học công nghệ. Để có những yếu tố này, người nông dân phải có đề án cụ thể theo quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh thì các bên mới có thể tham gia hợp tác, hỗ trợ.
Bình luận 0

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề: Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn

Tại Hội nghị đối thoại, ông Bùi Văn Tuấn- Giám đốc HTX Nông nghiệp Cây Trôm (Long An) đặt câu hỏi: Được biết, phát biểu tại Hội nghị COP 28 vừa qua, Thủ tướng có nhấn mạnh và cho biết, Việt Nam chính là nước đầu tiên triển khai đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải như một cam kết cụ thể của Việt Nam trong việc triển khai hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

HTX Cây Trôm chúng tôi cũng đang chuẩn bị kế hoạch để tham gia Đề án này. Vậy Chính phủ sẽ có những chính sách gì để hỗ trợ nông dân tham gia vào đề án?

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 thành tố quan trọng để phát triển nông nghiệp- Ảnh 1.

Đại biểu Bùi Văn Tuấn- Giám đốc HTX Nông nghiệp Cây Trôm (Long An) đặt câu hỏi tại Hội nghị.

Trả lời đại biểu Tuấn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để thực hiện Đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tín chỉ xanh, ngoài gói hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, còn có sự tham gia của các tổ chức khác, và Bộ NNPTNT đã cùng lãnh đạo tỉnh An Giang đã trao đổi về vấn đề này.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ hợp tác xã, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những gói tín dụng riêng cho các doanh nghiệp và các hợp tác xã tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với tiêu chí, thành viên HTX càng đông thì lãi suất có thể càng thấp. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ logistic, kho lưu trữ, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải tư duy lại, trồng lúa không nhất thiết là bán lúa, vì Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với nông nghiệp tuần hoàn từ thân lúa, vỏ lúa, tro, chấu, đưa ngành lúa gạo thành ngành hàng tích hợp đa giá trị, tuần hoàn.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, cân đối cung cầu về lúa gạo, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những giải pháp như: Chỉ đạo Bộ NNPTNT cùng các địa phương rà soát kế hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, bảo đảm mục tiêu sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa năm 2023, nhằm đáp ứng nhu cầu nội tiêu, đồng thời đảm bảo lượng gạo hàng hóa xuất khẩu từ 6,5 - 7,0 triệu tấn;

Chỉ đạo Bộ NNPTNT xây dựng Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"; trong đó đưa ra mục tiêu: Hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế;

Bộ NNPTNT phối hợp cùng Bộ Công Thương, các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực, thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa gạo trong năm để cân đối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tránh tình trạng sản xuất thiếu lượng cung không đủ cầu làm nhiễu loạn thị trường;

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 thành tố quan trọng để phát triển nông nghiệp- Ảnh 2.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam.

Khuyến cáo địa phương, doanh nghiệp, hộ trồng lúa tuân thủ quy định chất lượng lúa, gạo của Việt Nam và nước nhập khẩu, nhằm nâng cao giá trị gạo của Việt Nam, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Bổ sung câu trả lời tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển nông nghiệp cần 5 thành tố quan trọng: Thương hiệu; quy hoạch; doanh nghiệp; ngân hàng; ứng dụng khoa học công nghệ.

Trước hết phải có thương hiệu (như gạo của kỹ sư Hồ Quang Cua đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, gạo 5% tấm của Việt Nam đang được giá nhất thế giới). Cùng với đó, phải quy hoạch vùng nguyên liệu để bảo đảm sản xuất ổn định, đủ sản lượng theo thị trường. Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đầu vào, lo đầu ra cho nông dân. Ngân hàng cung cấp nguồn vốn với ưu đãi phù hợp. Khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm.

Để có những yếu tố này, người nông dân phải có đề án cụ thể theo quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh thì các bên mới có thể tham gia hợp tác, hỗ trợ.

Khuyến khích nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững

Cũng tại Hội nghị đối thoại, ông Nguyễn Văn Hữu - GĐ HTX nông nghiệp và thương mại Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang), hiện đang trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái cộng đồng đã gửi câu hỏi tới Thủ tướng: Được biết, tại Hội nghị COP 28 tổ chức ở UAE vừa qua, một lần nữa Thủ tướng nhắc đến cam kết của các đối tác lớn trong việc thực thi có trách nhiệm và hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề chống biến đổi khí hậu theo cam kết tại COP 26. Trong đó, về phía Việt Nam, đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Để thực thi cam kết này, trong lĩnh vực nông nghiệp có 2 vấn đề: Thứ nhất, giảm phát thải trong quá trình sản xuất nông nghiệp; Thứ hai, thực hiện chương trình hấp thụ carbon thấp và tín chỉ carbon

Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo Bộ TN&MT sớm xây dựng dự thảo Nghị định về tín chỉ carbon để trình Chính phủ phê duyệt.

Vậy tới đây, Chính phủ sẽ có những chính sách gì để hỗ trợ, khuyến khích người nông dân tham gia vào chương trình sản xuất nông giảm phát thải, thậm chí tiến tới bán tín chỉ carbon, tăng thêm thu nhập?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hữu, đại diện lãnh đạo Bộ TN&MT cho hay, biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển xanh, bao gồm một số hoạt động ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất...

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 thành tố quan trọng để phát triển nông nghiệp- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Văn Hữu - GĐ HTX nông nghiệp và thương mại Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) gửi câu hỏi Chính phủ sẽ có những chính sách gì để hỗ trợ, khuyến khích người nông dân tham gia vào chương trình sản xuất nông giảm phát thải, thậm chí tiến tới bán tín chỉ carbon, tăng thêm thu nhập?

Trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sẽ ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người nông dân tham gia vào chương trình sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, cụ thể như sau:

Về chính sách chuyển dịch xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) có nhiều ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Đặc biệt, Nghị định số 08/ năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 đã quy định về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (các Điều 154 đến 157 về tín dụng xanh, trái phiếu xanh), quy định về tiêu chí, lộ trình, trách nhiệm và cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn (các Điều 138, 139, 140). Đây chính là một trong những kênh huy động nguồn lực tài chính xanh tiềm năng để hỗ trợ, khuyến khích người nông dân tham gia vào chương trình sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững.

Triển khai pháp luật BVMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Dự thảo danh mục đã đề xuất những dự án nông nghiệp thuộc đối tượng được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh nếu đáp ứng đủ các tiêu chí bao gồm: Trồng cây hàng năm và cây lâu năm theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt; Ứng dụng mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt; Ứng dụng mô hình nông nghiệp xanh; Ứng dụng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Trồng rừng, phục hồi rừng, chăm sóc rừng, ươm giống cây lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Dự thảo Kế hoạch đã đề xuất nông, lâm, ngư nghiệp là một trong những ngành trọng tâm, đóng góp vào thực hiện kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh. 

Dự thảo đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp như sau: (i) Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn; (ii) Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn; (iii) Hỗ trợ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; (iv) Quản lý chất thải để thực hiện kinh tế tuần hoàn; (v) Tăng cường liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn…

Về giảm phát thải khí mê-tan trong nông nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030. Theo đó, đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện một số biện pháp giảm phát thải khí mê-tan có liên quan đến ngành nông nghiệp trong thời gian tới bao gồm:

Thứ nhất, đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đáp ứng kỹ thuật tưới tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, khép kín cho các khu vực sản xuất lúa tập trung; chủ động rút nước giữa vụ; áp dụng các biện pháp tưới và canh tác lúa tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với điều kiện từng vùng nông nghiệp để giảm phát thải khí mê-tan.

Thứ hai, mở rộng mô hình luân canh lúa - tôm và chuyển đổi từ lúa nước sang các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, quy trình, kỹ thuật trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí mê-tan.

Thứ ba, chấm dứt đốt phế, phụ phẩm nông nghiệp thông qua cải tiến, áp dụng trên diện rộng quy trình, công nghệ thu gom tập trung, phân loại, xử lý, tái sử dụng, tuần hoàn, chuyển đổi mục đích sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị kinh tế, chuyển đổi các-bon trong sinh khối cây trồng thành các-bon bền vững và năng lượng sạch, tăng tích lũy các-bon trong đất nhằm giảm phát thải khí mê-tan.

Thứ tư, thay đổi, cải thiện và sử dụng các chế phẩm phù hợp trong khẩu phần ăn nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế trong chăn nuôi gia súc và giảm phát thải khí mê-tan; lai, cải tạo giống gia súc trong nước bằng những giống ngoại có năng suất chất lượng cao và phù hợp nhằm tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi; phát triển, khai thác hiệu quả các mô hình khí sinh học và ứng dụng công nghệ trong sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi; thu hồi và sử dụng khí mê-tan trong xử lý chất thải chăn nuôi vào các hoạt động trong chăn nuôi gia súc và sản xuất điện năng. Đồng thời, thực hiện dán nhãn, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp, phân bón hữu cơ, sản phẩm tái chế, tái sử dụng được sản xuất theo quy trình, công nghệ ít phát thải khí mê-tan để tăng giá trị, tính cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm.

Thứ năm, đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý các cấp về giảm phát thải khí mê-tan; tập huấn cho nông dân thông qua các chương trình khuyến nông về hiệu quả, lợi ích của các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ít phát thải khí mê-tan, phương pháp xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp nhằm giảm phát thải khí mê-tan.

Thứ sáu, thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải, khai thác than, khai thác dầu khí và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan trao đổi thêm, nông nghiệp là ngành vừa phát thải, vừa hấp thu, hấp thu thì có rừng, phát thải có trồng trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản. Chúng tôi đang xây dựng lại cấu trúc phát thải của tất cả các ngành liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, thời gian vừa rồi, Lục Ngạn đã làm du lịch nông nghiệp với các show diễn rất hay. Nền nông nghiệp giải trí hay nông nghiệp du lịch sẽ tạo ra giá trị mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sản xuất nông nghiệp có phát thải nhưng nếu trồng rừng có thể hấp thụ carbon; vừa qua Việt Nam đã thu được hàng chục triệu USD nhờ bán tín chỉ carbon. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, vừa hạn chế phát thải, vừa tích cực trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem