dd/mm/yyyy

TP.HCM chuẩn bị ra mắt 2 làng nghề truyền thống đầu tiên, đó là làng nghề gì?

TP.HCM đang xem xét công nhận 2 làng nghề truyền thống trên địa bàn là Làng muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) và Làng bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) theo quy định của Trung ương.

Hiện, trên địa bàn TP.HCM có nhiều làng nghề đã tồn tại nhiều chục năm, thậm chí cả trăm năm, nhưng theo Sở NNPTNT TP.HCM, cho đến nay thành phố (TP) chưa có nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận theo quy định của Trung ương.

Sắp trình làng 2 làng nghề truyền thống

Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, hiện nay hoạt động ngành nghề nông thôn tại TP có đủ các loại hình theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nông thôn, bao gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan đát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Tuy nhiên, có 9 ngành nghề được đông đảo hộ dân tham gia sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể, ngành nghề sản xuất bánh tráng có 70 doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã và 15 hộ tráng bánh thủ công (tráng tay). Thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/lao động/tháng. Ngành nghề làm mành trúc có 1 cơ sở sản xuất, 110 hộ gia công sản phẩm, 440 lao động tham gia thường xuyên. Thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/lao động/tháng. 

Ngành nghề đan đát có 3 cơ sở sản xuất, 196 hộ sản xuất, 192 hộ gia công sản phẩm. Thu nhập bình quân 4 triệu đồng/lao động/tháng.

TP.HCM chuẩn bị ra mắt 2 làng nghề truyền thống đầu tiên, đó là làng nghề gì?- Ảnh 1.

Diêm dân thu hoạch muối tại làng muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) - một làng nghề đang được TP.HCM xem xét công nhận là làng nghề truyền thống theo quy định của Trung ương. Ảnh: T.Đ

TP.HCM sẽ tiến hành điều tra, cập nhật cơ sở dữ liệu liệu về ngành nghề nông thôn, tình hình ứng dụng cơ giới hóa trong ngành nghề, tình hình hoạt động của các hộ dân tham gia ngành nghề nông thôn… từ đó để có giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn.

Ngành nghề se nhang có 2 doanh nghiệp, 3 tổ hợp tác với 94 hộ tham gia sản xuất, 100 lao động tham gia thường xuyên. Thu nhập bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/lao động/tháng. Ngành nghề trồng hoa, cây kiểng, cá cảnh, diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng ước đạt 2.335ha, trong đó: Hoa lan 305ha, hoa nền 620ha, kiểng - bonsai 600ha, hoa mai 810ha; sản lượng cá cảnh ước đạt 100 triệu con.

Ngành nghề trồng mai vàng có 1 hợp tác xã, hơn 670 hộ tham gia sản xuất, khoảng 1.100 lao động tham gia thường xuyên. Thu nhập bình quân khoảng 120 triệu đồng/lao động/năm. Ngành nghề làm muối có 2 hợp tác xã, với 688 hộ sản xuất. 

Thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/lao động/tháng. Và ngành nghề chế biến khô thủy sản có hơn 60 cơ sở, 3 hợp tác xã, hơn 300 lao động tham gia thường xuyên. Thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/lao động/tháng

Nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bảo tổn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, UBND TP.HCM đã ban hành Công văn số 3939/UBND-KT chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện triển khai thực hiện.

Theo đó, trong năm 2023, TP đã tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác bảo tồn và phát triển làng nghề với hình thức phong phú đa dạng, như tổ chức các hội nghị, hội thảo; xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền, truyền thông báo chí... Hỗ trợ các làng nghề tham gia các sự kiện, như hội chợ, triển lãm, xây dựng và thiết kế website cho Hợp tác xã Sản xuất thương mại dịch vụ muối biển Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), tư vấn hoàn thiện hồ sơ cho Cơ sở mây tre lá Lê Vinh Hạnh tham gia chương trình OCOP…

TP.HCM chuẩn bị ra mắt 2 làng nghề truyền thống đầu tiên, đó là làng nghề gì?- Ảnh 2.

Du khách nước ngoài tham gia trải nghiệm làm muối ở Cần Giờ. Ảnh: T.Đ

Hội Nông dân TP.HCM cũng cho biết, trong năm 2023, Hội đã hỗ trợ hộ hội viên nông dân trong các làng nghề, như giải quyết vốn vay 250 triệu đồng cho 5 hộ đầu tư mở rộng sản xuất nghề se nhang; tặng 1 máy se nhang trị giá 17,5 triệu đồng; giới thiệu, hỗ trợ hộ dân ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề. Hỗ trợ trao tặng 90 cây bạt trải muối cho 36 hộ làm muối với số tiền 642 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Hội còn giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các làng nghề, ngành nghề truyền thống tại các hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm. Đồng thời, giới thiệu các sản phẩm ngành nghề nông thôn tham gia đánh giá, phân hạng sản phâm OCOP. Trong thực hiện Đề án "Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạc động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025", Hội đã đưa các địa điểm làng nghề truyền thống trên địa bàn TP vào nội dung quảng bá du lịch với những hoạt động trải nghiệm…

Theo UBND TP.HCM, thành phốđang xem xét công nhận Làng nghề trồng mai vàng xã Bình Lợi, Làng nghề truyền thống sản xuất muối xã Lý Nhơn và Làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng Phú Hòa Đông.

Phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn xây dựng nông thôn mới

Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Nguyễn Thị Kim Xuyến cho biết, thời gian qua, các cấp Hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân trên địa bàn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức tự hào về trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn truyền thống. Nhiều hộ gia đình có tâm huyết với nghề, quan tâm đầu tư phát triển, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn gắn với việc đào tạo nghề, truyền nghề cho người dân tại địa phương.

Về quan điểm bảo tồn và phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, theo lãnh đạo TP.HCM, đối với làng nghề, căn cứ tình hình thực tế của thành phố, thực hiện bảo tồn, phát triển 5 làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới, bao gồm: Làng nghề đan đát Thái Mỹ; Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, Làng se nhang Lê Minh Xuân, Làng mai vàng Bình Lợi; Làng nghề muối Lý Nhơn.

Trong khi đó, với ngành nghề nông thôn, thành phố tiếp tục phát triển các ngành nghề nông thôn phù hợp với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và các chương trình, đề án khác của thành phố; tập trung phát triển các ngành nghề gắn kết được với du lịch, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm ngành nghề, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Để thực hiện tốt những mục tiêu này, thành phố đưa ra giải pháp, cập nhật cơ sở dữ liệu làng nghề để có giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ, bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Tổ chức trao đổi kinh nghiệm, truyền nghề đối với người dân lao động sản xuất ngành nghề nông thôn; tập trung hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật, truyền nghề đối với các ngành nghề nông thôn như ngành nghề bánh tráng, đan đát, đan nệm, mành trúc, se nhang, muối... 

Tổ chức khảo sát học tập mô hình ngành nghề nông thôn có hiệu quả tại các tỉnh thành, như mô hình chế biến tại các làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn sản xuất với kết hợp du lịch; mô hình chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ mây tre có hiệu quả; mô hình sản xuất muối... Thực hiện hỗ trợ tổ chức, hộ dân hoạt động ngành nghề nông thôn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, như hỗ trợ thiết kế logo, bao bì, nhãn hiệu, xây dựng website…

Trần Đáng