Tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch
Song Pe là xã vùng III của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Xã có 08 bản, hơn 1.120 hộ và trên 5.380 nhân khẩu, với 7 dân tộc anh em cùng chung sống, gồm: Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú, Kinh và Tày; trong đó dân tộc Mường chiếm đa số với hơn 72% dân số toàn xã. Mỗi dân tộc trên địa bàn xã đều có những nét văn hóa độc đáo riêng, nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Bắc Yên, ngoài việc phát triển ngành nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững thì xã Song Pe có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhằm tăng thu nhập cho người dân nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo.
Nằm trên quốc lộ 37, tuyến đường kết nối với nhiều điểm du lịch, như: Khu du lịch sinh thái Tà Xùa, điểm du lịch sinh thái Pu Nhi, điểm du lịch sinh thái Hồ Sen, xã Hua Nhàn, ngoạn cảnh Sống lưng khủng long, khu di tích Hang A Phủ, di tích Bãi đá Khắc cổ Khe Hổ, di tích lịch sử quốc gia Đèo Chẹn, xã Hua Nhàn; di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến 99… Đặc biệt, xã Song pe có tuyến đường thủy nội địa chạy qua là con sông Đà huyền thoại trải dài qua vùng dãy núi cao hùng vĩ. Đây là những điều kiện thuận lợi để Song Pe phát triển du lịch gắn với việc tổ chức các lễ hội truyền thống và xây dựng các lễ hội gắn với tiềm năng sẵn có.
Trao đổi với PV Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, bà Đinh Thị Bích, Chủ tịch UBND xã Song Pe, huyện Bắc Yên (Sơn La), cho biết: "Cùng với đề án về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của huyện, xã Song Pe cũng xây dựng kế hoạch, phương án trên cơ sở tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch địa phương. Qua khảo sát, đánh giá, chúng tôi nhận thấy, ngoài các lễ hội truyền thống đầm đà bản sắc thì việc xây dựng lễ hội đua thuyền Song Pe, du lịch trải nghiệm tại các hang Mó Tôm, hang Dơi, hang Lạnh...là hướng đi đúng đắn và tiềm năng để phát triển du lịch của xã".
Phát triển du lịch nhằm tăng thu nhập cho người dân
Từ những điều kiện thuận lợi, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Song Pe đã phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La khảo sát và đưa vào quy hoạch các điểm có tiềm năng có thể phát triển du lịch như: du thuyền trên lòng hồ Sông Đà, du lịch cộng đồng, phục dựng văn hóa dân tộc Mường, du lịch trải nghiệm tại các hang Mó Tôm, hang Dơi, hang Lạnh…, mỗi hang có sức chứa từ 100 đến 200 người; du lịch khám phá hang Lạnh, thác nước, hang Mong, hang Cỏ Thái ở các bản dọc bờ Sông Đà, hay cây Mít cổ thụ tại bản Ngậm... kết hợp với ẩm thực độc đáo như cá chua, tôm sông...
Xã Song Pe cũng chú trọng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, tăng cường các nguồn lực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong cộng đồng dân tộc Mường, Dao,... Xây dựng các đội văn nghệ mang nét đặc trưng riêng của từng dân tộc gắn với lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống các ngày lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các làn điệu dân ca, như: nghi lễ dân gian Mo Mường, lễ lập tịch, lễ cấp sắc của dân tộc Dao, các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, bắn nỏ, đánh tu lu… và các hoạt động dân ca, dân vũ như đang mường, múa xòe, hát ví…
Ông Đinh Văn Đoan, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pe, xã Song Pe, huyện Bắc Yên (Sơn La), chia sẻ: "Chi bộ, Ban Quản lý bản sẽ tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân giữ gìn các bản sắc văn hóa dân tộc, các môn thể thao truyền thống, các làn điệu dân ca, điệu múa,... để phục dựng lại. Ở bản có một số hang, thời kỳ chiến tranh thì ông cha đã trú ẩn ở đó để làm công tác cách mạng, chúng tôi vẫn luôn truyền đạt đến bà con nhân dân bản Pe giữ gìn, để bảo tồn, sau này bà con được đến thăm quan".
Vừa qua, Trung Tâm Truyền thông Văn hoá huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã phối hợp với xã Song Pe tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) Xứ Mường Bắc Yên tại bản Pe. Hiện nay, CLB đã hội tụ được 50 hội viên tham gia và đang tích cực tập luyện mỗi tuần 3 buổi các làn điệu dân ca, hát, múa, sẵn sàng phục vụ các sự kiện văn hóa, ngày hội, ngày lễ của địa phương. Đây là cơ hội để lan tỏa, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn xã Song Pe nói riêng và huyện Bắc Yên nói chung. Bên cạnh đó, xã Song Pe còn chỉ đạo, tuyên truyền nhân dân phục dựng các sản phẩm thủ công, như: vải thổ cẩm, đệm bông lau, các đồ vật bằng mây tre đan, kỹ thuật tôi thép, rèn đúc làm lưỡi cày, dao, cuốc, đẽo gọt gỗ làm chõ xôi, kỹ thuật nhuộm vải, may vá, thêu thùa, đan chài…
Ông Đinh Minh Xuất, chủ nhiệm CLB Xứ Mường Bắc Yên tại bản Pe, xã Song Pe, huyện Bắc Yên, Sơn La, vui mừng chia sẻ: "Bản thân tôi là chủ nhiệm CLB và là người con của xã Song Pe, tôi mong muốn được góp công sửc nhỏ của mình cùng với UBND xã Song Pe hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Quảng bá bản sắc dân tộc Mường chúng tôi để khán giả thập phương biết đến dân tộc Mường tại Bắc Yên góp phần vào phần vào việc phát triển du lịch tại địa phương".
Xác định rõ nhiệm vụ trong phát triển du lịch trên địa bàn xã, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Song Pe đã đề ra Nghị quyết về công tác du lịch, đó là: dự kiến đến năm 2025, Song Pe đón 1.500 khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm. Để đạt chỉ tiêu phát triển du lịch trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền xã Song Pe đang tích cực tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, bảo vệ tài nguyên, môi trường,... phát huy các lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới.