Vụ đông xuân 2020 là năm thứ ba, cây lúa không còn xuất hiện trên nhiều cánh đồng thuộc các xã như Tân Tiến (huyện An Dương), hay nhiều xã của huyện Vĩnh Bảo như Đồng Minh, Thanh Lương, An Hòa.
Thay vào đó là hai loại cây màu chủ lực gồm đậu tương và khoai sọ. Những nông dân cao tuổi còn bám với đồng ruộng, nay không còn phải cày cấy, mà đã trở thành một mắt xích quan trọng trong mối liên kết sản xuất giữa HTX, doanh nghiệp và người nông dân.
Chị Hoàng Thị Gái, Giám đốc HTX DVNN An Hòa (huyện Vĩnh Bảo) cho biết: Từ vụ đông 2016-2017, thấy đồng đất bỏ hoang lãng phí, HTX đã đưa vào trồng cây đậu tương rau với diện tích nhỏ lẻ 1-2 ha.
Bước đi đột phá cho chuyển đổi cây trồng tại đây chỉ khi HTX gặp được Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hiền Lê (Công ty Hiền Lê), một doanh nghiệp cũng đang đi tìm vùng nguyên liệu để trồng đậu tương rau xuất khẩu.
Để đảm bảo các yêu cầu về vùng trồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, HTX DVNN An Hòa đã mạnh dạn làm khâu trung gian, phối hợp với UBND xã vận động nông dân cho HTX đứng ra ký hợp đồng dài hạn với thời gian 10 năm với các hộ dân để hình thành cánh đồng lớn tập trung. HTX cũng phải ký hợp đồng đảm bảo với UBND xã, đồng thời trực tiếp ký hợp đồng cho thuê đất với Công ty Hiền Lê.
Đến nay, cánh đồng trồng đậu tương rau, khoai sọ tập trung của xã An Hòa đã đạt trên 60ha liền vùng. Toàn bộ bờ thửa được phá bỏ, hệ thống thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu được quy hoạch lại toàn bộ...
Tại các xã như Đồng Minh, Thanh Lương (huyện Vĩnh Bảo), Tân Tiến (huyện An Dương), hiện cũng đã hình thành những cánh đồng lớn với diện tích hàng trăm ha, được Công ty Hiền Lê thuê dài hạn để sản xuất đậu tương rau, khoai sọ phục vụ xuất khẩu.
Các hộ dân cho thuê đất được Công ty Hiền Lê trả tiền thuê đất theo thỏa thuận tương đương 70kg thóc/sào/vụ (140kg/sào/năm).
Đồng thời, trực tiếp ký hợp đồng lao động với Công ty với mức lương dao động phổ biến bình quân từ 3-4,5 triệu đồng/người/tháng (tùy mức độ công việc). Tại các xã có cho thuê đất, bình quân đã thu hút khoảng 200-300 lao động thường xuyên.
Bà Nguyễn Thị Lựu, thôn Canh Hữu (xã An Hòa) có 6 sào đất cho Công ty Hiền Lê thuê phấn khởi cho biết: Hiện nay, các khâu sản xuất đậu tương rau của công ty đã được cơ giới hóa toàn bộ. Các lao động chỉ làm những việc nhẹ như làm cỏ, bón phân theo định kỳ.
“Lao động ở quê làm ruộng chủ yếu chỉ có người già. Trồng lúa tính ra lời lãi chả ăn thua. Cho công ty họ thuê ruộng, rồi làm thêm cho họ, thu nhập tính ra cũng sống khá nên đa số bà con đều đồng tình cho thuê ruộng dài hạn” – bà Lựu hài lòng.
Theo bà Hoàng Thị Gái, Giám đốc HTX DVNN An Hòa, đậu tương rau dễ trồng, rất phù hợp với chân đất trồng lúa trước đây, năng suất đậu tương rau bình quân khoảng trên 7 tấn/ha, giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần trồng lúa. Bên cạnh giá trị kinh tế, cây đậu có khả năng cải tạo đất rất tốt.
So với lúa, trồng đậu tương rau ngắn ngày hơn (chỉ khoảng 75-80 ngày có thể thu hoạch), nên có thể luân canh 3 vụ/năm.
Để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho đất, hàng năm, HTX phối hợp với Cty Hiền Lê luân canh xen kẽ hai vụ đậu và một vụ lúa (đậu rau vụ đông và vụ xuân, xen kẽ trồng lúa vụ mùa), hoặc một vụ khoai sọ (vụ xuân) và một vụ đậu tương rau (vụ đông).
Nhu cầu, dư địa mênh mông
Những ngày này tại huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), khi lúa đông xuân vẫn còn đỏ đuôi thì tại các xã như Đồng Minh, Thanh Lương, An Hòa..., những cánh đồng đậu tương rau bạt ngàn đã rộn ràng vào vụ thu hoạch. Những chiếc máy thu hoạch đậu tương đồ sộ, lừng lững chạy trên đồng đậu tương tít tắp.
Nếu như trên cây lúa, chiếc máy gặt đập liên hợp đã có từ lâu thì trên cây đậu tương, máy thu hoạch lại còn khá lạ lẫm với nông dân.
Đã có thời, diện tích đậu tương vụ đông tại các tỉnh phía Bắc được nâng lên hàng chục nghìn ha. Tuy nhiên, đồng đất manh mún, thiếu cơ giới hóa trong thu hoạch đã dần khiến cây đậu tương không còn đất diễn.
Tập trung ruộng đất, gắn với cơ giới hóa trong toàn bộ các khâu sản xuất, đó là bước đi mà Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hiền Lê đã xác định khi triển khai liên kết sản xuất cây đậu tương rau xuất khẩu.
Công ty đã không ngần ngại chi hàng chục tỉ đồng để mua sắm các loại máy cơ giới công suất lớn, phục vụ đồng bộ từ khâu làm đất, gieo giống, bón phân, phun thuốc BVTV, thu hoạch...
Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hiền Lê cho biết: Từ năm 2019 đến nay, sản phẩm đậu tương rau và khoai sọ cấp đông của công ty đã được đối tác tại các thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Anh, Đức, Bỉ ... chấp nhận.
Sản phẩm được các đối tác đánh giá cao, nhu cầu xuất khẩu vô cùng mênh mông. Hiện sản lượng vụ xuân 2020 của công ty dự kiến mới chỉ đạt khoảng 1.000 tấn, và đang phải san sẻ cho nhiều khách hàng ở nhiều thị trường khác nhau nên áp lực về nguồn nguyên liệu đang rất cao.
Vì vậy, bên cạnh nhà máy chế biến tại Hải Dương có công suất 4 tấn/h, công ty đang đặt kế hoạch đầu tư thêm một nhà máy tại Hải Phòng với công suất 7 tấn/h, dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2021.
Khi đi vào hoạt động, các nhà máy của công ty sẽ cần vùng nguyên liệu ít nhất 1.000 ha, trong đó định hướng tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu tập trung tại Hải Phòng.
Bà Hiền đánh giá: Đậu tương rau, khoai sọ là sản phẩm dễ trồng, nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường giá trị cao như các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... rất lớn.
Việt Nam có điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu rất tốt để sản xuất sản phẩm này. Chất lượng được các khách hàng quốc tế đánh giá cao. Từ khi hợp tác nhập khẩu đậu tương rau của công ty, các đối tác quốc tế cũng đã hạn chế việc nhập khẩu từ các khách hàng Trung Quốc, Thái Lan...
Nữ doanh nhân này cũng thổ lộ: Doanh nghiệp của bà có tới 9 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp như điện tử, nhựa, bao bì, sắt thép, chất thải công nghiệp... Quyết định đầu tư nhà máy chế biến, xuất khẩu nông sản (tại Hải Dương), mà chủ lực là sản phẩm đậu tương rau, khoai sọ đến từ sự đam mê, muốn làm một điều gì đó cho ngành nông nghiệp hơn là lợi nhuận.
Mặc dù vậy khi bắt tay vào lĩnh vực này, cũng gặp không ít khó khăn, mà cố hữu vẫn là đặc thù đồng ruộng manh mún, xen kẹt nhiều loại cây trồng, không đưa được cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất...
Trong khi đó, yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường như EU, Nhật Bản ngặt nghèo nhất thế giới.
Hiện tất cả các vùng trồng nguyên liệu phải được các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp sang kiểm tra, lấy mẫu phân tích, giám sát đối với toàn bộ khác khâu trong toàn bộ quá trình sản xuất.
Đất, nước phải không được nhiễm các chất độc hại theo thông lệ quốc tế. Các yêu cầu về sử dụng thuốc BVTV, kiểm soát dư lượng hóa chất, dịch hại, yêu cầu về mẫu mã, chất lượng sản phẩm... cũng vô cùng nghiêm ngặt.
Một ví dụ đơn cử như vùng trồng đậu tương rau xuất khẩu, là phải đảm bảo tính đồng nhất, không được trồng lẫn cây trồng khác, và vùng trồng phải cách ly với khoảng cách tối thiểu 50m với các cây trồng khác.
Chỉ yêu cầu này thôi, nhưng ở Việt Nam không phải nơi nào cũng đảm bảo được yêu cầu. Vì vậy khi nông dân phun thuốc BVTV tại các vùng trồng cây khác bên cạnh, nguy cơ và rủi ro phơi nhiễm tồn dư các chất không cho phép rất nguy hiểm.
Các đối tác nhập khẩu Nhật Bản của Công ty Hiền Lê cho biết, đã từng tới Việt Nam trên 30 lần để tạo vùng nguyên liệu, hợp tác trồng đậu tương rau xuất khẩu về Nhật Bản, nhưng đều không thành công.
Bản thân Công ty Hiền Lê, trong vòng 4 năm liền (từ 2015 đến 2019) cũng đã dò dẫm, liên kết với nông dân, HTX tại nhiều tỉnh phía Bắc để trồng đậu tương rau, khoai sọ xuất khẩu, nhưng đều thất bại khi không đạt được các yêu cầu kỹ thuật của các nhà nhập khẩu.
Chỉ khi mô hình thuê đất tập trung tại Hải Phòng được triển khai từ năm 2018, đến năm 2019 đã được các đối tác nhập khẩu kiểm tra, đánh giá và cho phép xuất khẩu.
Đậu tương rau là đậu tương được thu hoạch khi quả đậu còn ở giai đoạn chắc xanh, chưa chín. Hiện nay, các giống đậu tương dùng để thu hoạch lấy hạt lúc quả đậu đã chín thường có thời gian sinh trưởng khoảng 90-100 ngày, thì đậu tương rau thường thu hoạch sớm hơn (lúc cây đậu khoảng 75-80 ngày).
Đậu tương rau sau khi thu hoạch được đưa về dây chuyền sơ chế, xử lí làm sạch, sau đó cấp đông, dùng để luộc ăn hoặc chế biến thực phẩm, cho giá trị dinh dưỡng rất cao.