Sen là loại cây quen thuộc với người Việt. Mọi bộ phận trên cây sen đều có tác dụng cho sức khỏe. Hạt sen (liên nhục) dùng nấu chè, tâm sen (liên tâm) làm thuốc an thần, ướp trà. Ngó sen (liên ngẫu) dùng làm gỏi. Một bộ phận của sen ít người chú ý nhưng có công dụng chữa bệnh tuyệt vời là lá sen.
Tác dụng của lá sen
Chia sẻ trên Báo Sức khoẻ và Đời sống, bác sĩ Lan Anh cho biết, từ xưa, các thầy thuốc Đông y sử dụng lá sen chữa một số bệnh như: cảm nắng, say nắng, đau bụng tiêu chảy… lá sen khô dùng để chữa các chứng xuất huyết, mất ngủ.
Trong y học hiện đại, lá sen tác dụng giúp giảm mỡ máu, gan nhiễm mỡ hiệu quả - từ đó loại bỏ nguyên nhân gây ra các căn bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, đột quỵ
Từ những lợi ích kể trên, lá sen được nhiều người tận dụng để đun nước uống. Tuy nhiên theo bác sĩ Lan Anh không phải ai cũng có thể uống được loại nước này.
Những người không nên uống nước lá sen
Tuy tốt cho sức khỏe, nhưng một số người dưới đây được khuyến cáo không nên uống nước lá sen:
- Phụ nữ khi đang trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai hoặc cho con bú không nên dùng lá sen. Lá sen tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, điều này không tốt cho cơ địa phụ nữ mang bầu. Ngoài ra, uống nước lá sen có thể kích thích tăng nhu động ruột.
Phụ nữ mang thai rất nhiều người bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, nếu uống nước lá sen có thể khiến tình trạng này thêm tồi tệ. Thậm chí uống nước lá sen cũng khiến dạ con bị kích thích, điều này không tốt cho sự phát triển của thai nhi.
- Những người thể trạng nhiệt khi uống nước lá sen giúp hạ hỏa, sảng khoái, ngủ tốt hơn. Ngược lại, người thể hàn uống nước lá sen sẽ bị mệt mỏi, mất trí nhớ, tim đập thất thường. Sử dụng lá sen lâu dài có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý.
- Không dùng nước lá sen thay nước khi đang dùng thực phẩm giảm cân khác.
- Người bị huyết áp thấp không nên uống nước lá sen bởi nước lá sen có tác dụng hạ huyết áp. Chúng sẽ khiến bệnh huyết áp thấp thêm nặng và khiến tim đập bất thường.
Lưu ý, bạn nên uống nước lá sen trước bữa ăn ít nhất 30 phút hoặc sau bữa ăn khoảng 1 giờ để không gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của cơ thể.