dd/mm/yyyy

Thanh xuân bám bản của cô giáo vùng cao biên giới Mường Nhé

Với tình yêu nghề, mến trẻ, các cô giáo mầm non ở vùng cao Mường Nhé đã bám trường, bám bản vượt qua bao gian khó, ươm những mầm non cho đời.

Xa xôi Mường Nhé

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp đến trường Mầm non Leng Su Sìn, ở bản Suối Voi xã Leng Su Sìn huyện vùng cao biên giới Mường Nhé cách thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) hơn 200km là một trong những điểm trường xa và khó khăn của huyện.

Trường Mầm non Leng Su Sìn có tổng số 376 trẻ trong đó có 78 trẻ mầm non, 289 trẻ mẫu giáo, hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số, theo học tại 7 điểm trường, gồm: Điểm trường trung tâm và 6 điểm trường lẻ. Các điểm trường lẻ gồm: Leng Su Sìn, Gia Chứ, Á Di, Phứ Ma, Cà Là Pá và Cà Là Pá 1.

Thanh xuân bám bản của cô giáo vùng cao biên giới Mường Nhé   - Ảnh 1.

Trong một buổi học của cô giáo Lò Thị Thanh và các bé trường mầm non Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thu Hường

Nằm cách điểm trường trung tâm khoảng 16km với những con dốc dài uốn lượn quanh co, xung quanh là những nóc nhà đã cũ bao bọc lấy điểm trường Cà Là Pá. Thấy có người lạ, các bé cứ ngoái theo nhìn ngơ ngác. Cô giáo Lò Thị Thanh (sinh năm 1989), giáo viên trường Mầm non Leng Su Sìn niềm nở: "lâu lâu mới có người lạ đến thăm nên các bé đang lạ lẫm."

Tại điểm trường Cà Là Pá, hiện có 8 lớp với 196 trẻ, là điểm trường đông trẻ nhất.

Với cô Thanh đây là năm thứ 14 mà cô gắn bó với ngôi trường này. Giữa vùng biên viễn, cô đã gửi hết tuổi thanh xuân của mình trên điểm bản để dạy dỗ cho bao thế hệ học trò, cùng với đó là không ít những kỷ niệm vui buồn, những lần ngã xe hay lấm lem bùn đất để đến được điểm bản. 

Thanh xuân bám bản của cô giáo vùng cao biên giới Mường Nhé   - Ảnh 2.

Với lòng yêu nghề, mến trẻ cô giáo Thanh luôn ân cần chăm sóc cho các bé. Ảnh: Thu Hường

"Năm 2009, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư Phạm Thái Bình tôi được về đây công tác. Lúc mới đặt chân đến đây còn rất nhiều khó khăn, đường xá đi lại xa xôi mà ngày ấy chưa có đường bê tông như bây giờ, mỗi lần đến điểm trường chúng tôi đều phải đi bộ. Mùa khô thì bụi bám trắng xoá, mùa mưa thì trơn trượt, lấm lem. Nhiều lần đi ra đi vào bị ngã xe, lấm lem bùn đất, nhưng đi nhiều, ngã nhiều rồi cũng quen", cô Thanh tâm sự.

Để duy trì sĩ số học sinh, các cô cũng phải rất vất vả để vận động các gia đình đưa con em đến lớp. Cô Thanh chia sẻ: "Vào mùa mưa, khi đi vận động học sinh ra lớp, nhiều gia đình đi ở nương nên rất khó để gặp. Không gặp được phụ huynh, chúng tôi lại phải đi vào ban đêm, chờ đến tối mới gặp được để vận động phụ huynh đưa con đến lớp".

Cô Thanh cho biết, các em học sinh đều là con em người dân tộc. Sự bất đồng về ngôn ngữ, phong tục, văn hóa khiến cô nhiều lúc nản lòng nhưng rồi vì tình yêu nghề mến trẻ cô lại tiếp tục cố gắng, học tiếng địa phương để dạy dỗ các em nhỏ.

Thanh xuân bám bản của cô giáo vùng cao biên giới Mường Nhé   - Ảnh 3.

Cô nhiều lúc vừa là cô giáo, vừa là mnej hiền chăm sóc cho các bé. Ảnh: Thu Hường

Gửi thanh xuân lại với Mường Nhé

Để kể hết về những khó khăn và sự cống hiến của các cô giáo bám bản là không xuể. Hàng ngày từ việc đón trẻ, vệ sinh cá nhân, đến chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, dạy tiếng, dạy múa, dạy nói, dạy chữ cho trẻ, đều được các cô chăm lo tận tình, trách nhiệm như chính những đứa con yêu quý của mình. Các em học sinh mới đến lớp, lạ lẫm thường xuyên quấy khóc, nhiều em còn chưa thạo tiếng phổ thông. Các cô vừa là cô giáo, vừa là mẹ hiền dạy học, chăm sóc cho các em.

Đến nơi, tận mắt chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn, vất vả của các giáo viên nơi đây càng khiến chúng tôi cảm phục hơn ý chí và sự hi sinh thầm lặng mà họ dành cho các thế hệ học trò.

Thanh xuân bám bản của cô giáo vùng cao biên giới Mường Nhé   - Ảnh 4.

Trường Mầm non Leng Su Sìn có tổng số 376 trẻ trong đó có 78 trẻ mầm non, 289 trẻ mẫu giáo, hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Thu Hường

Đưa chúng tôi đi thăm từng phòng học trong khuôn viên nhà trường, cô Lê Thu Hà, Hiệu trưởng trường Mầm non Leng Su Sìn say sưa kể về chặng đường tạo dựng cơ sở vật chất thực hiện suốt nhiều năm qua cùng những khó khăn vất vả của các cô giáo nơi đây phải trải qua.

Cô Hà cho biết: "có những cô giáo gắn bó với trường từ khi còn rất trẻ, tuổi đời mười chín đôi mươi đã là giáo viên đi bám bản xa. Với tình yêu nghề, mến trẻ và nhiệt huyết tuổi thanh xuân, các cô đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, vì tương lai học trò thân yêu".

Thu Hường