Những khó khăn trong công tác bảo vệ rừng ở Than Uyên
Toàn huyện Than Uyên hiện có hơn 29.000ha rừng, trong đó, diện tích rừng tự nhiên gần 27.000ha, diện tích còn lại là rừng trồng. Than Uyên nằm trong vùng tiểu khí hậu khô nóng, địa hình chia cắt phức tạp. Trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng trên địa bàn huyện. Đời sống người dân trong huyện phụ thuộc nhiều vào rừng. Trong khi đó, tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao… Những yếu tố đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn.
Mặt khác, một phần lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc 5 xã: Pha Mu, Mường Cang, Mường Mít, Ta Gia, Khoen On, bị chia cắt, nằm biệt lập trong khu vực lòng hồ Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát, giao thông đi lại khó khăn, gây cản trở cho quá trình thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Không lùi bước trước khó khăn, Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên thường xuyên tham mưu cho UBND huyện và Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng huyện ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR, nhất là trong mùa khô hanh.
Cùng với làm tốt công tác tham mưu, Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ rừng cho người dân. Công tác tuyên truyền được Hạt Kiểm lâm triển khai bằng nhiều hình thức như: Họp bản, qua hệ thống loa phát thanh, phát tờ rơi… Chỉ tính riêng trong năm 2022, Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên đã tổ chức hơn 150 lượt họp bản, tuyên truyền về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho hơn 13.000 lượt người dân; Tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR với 6473 hộ gia đình, ở 59 bản, khu phố trên địa bàn huyện.
Than Uyên nhân lên màu xanh của rừng
Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, anh Lê Thanh Nghị - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên, cho biết: Thời gian qua, song song với công tác tuần tra, bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của rừng, trách nhiệm bảo vệ rừng tới người dân. Qua công tác tuyên truyền, nhận thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân được nâng lên. Đặc biệt là từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, diện tích rừng trên địa bàn huyện được bảo vệ tốt hơn. Người dân các xã, bản tích cực hơn trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Nhờ đó, những cánh rừng của huyện ngày càng phát triển xanh tốt.
Công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là vào mùa khô hanh cũng được Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên chú trọng. Để rừng được bảo vệ tốt hơn, Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động phối hợp với các xã, thị trấn rà soát các địa bàn có nguy cơ cháy rừng, từ đó xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp; Phát dọn hơn 75km đường băng cản lửa tại các điểm xung yếu thuộc các xã: Mường Kim, Mường Cang, Pha Mu, Tà Mung, Ta Gia, Tà Hừa… Mấy năm gần đây, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng, nên trên địa bàn huyện hầu như không xảy ra vụ cháy rừng nào.
Về các xã, thị trấn của huyện Than Uyên, chúng tôi được "mục sở thị" những cánh rừng xanh tốt. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp những tấm bảng, biển tuyên truyền bảo vệ rừng, được xây dựng, lắp đặt ngay ngắn bên cạnh các lối ra, vào rừng. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, công tác bảo vệ, phát triển rừng ở Than Uyên đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn. Cùng với bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, huyện Than Uyên cũng quan tâm phát triển rừng trồng, góp phần phủ xanh đồi núi trọc và nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng ở địa phương.
Hạt Kiểm lâm Than Uyên cũng chủ động phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ, các xã, thị trấn huyện thực hiện tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân trên địa bàn. Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân các xã, thị trấn của huyện Than Uyên phấn khởi, tích cực chăm sóc, bảo vệ, góp phần nhân lên màu xanh trên những cánh rừng.