Theo Bloomberg, chính phủ Thái Lan cho biết sáng kiến “Hộp cát nhà máy” sẽ bảo vệ 3 triệu việc làm và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất. Đây là nhóm doanh nghiệp đóng góp 21 tỷ USD vào GDP mỗi năm. "Kế hoạch này sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong bối cảnh chuỗi cung ứng các quốc gia đối thủ ngừng hoạt động", chính quyền Bangkok khẳng định.
Kế hoạch này tập trung vào các nhà máy có ít nhất 500 công nhân và sản xuất xe hơi, đồ điện tử, thực phẩm và thiết bị y tế. Nhà máy phải có một bệnh viện dã chiến hoặc một cơ sở cách ly, và có dịch vụ xe bus đưa đón nhân viên.
Khoảng 60 nhà máy ở 4 tỉnh Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Sakhon và Chonburi với 138.000 lao động sẽ tham gia vào giai đoạn đầu của chương trình thử nghiệm. Các tỉnh này đều chỉ cách thủ đô Bangkok khoảng một giờ chạy xe hơi
Mọi công nhân đều được xét nghiệm Covid-19 bảy ngày mỗi lần và được tiêm vaccine. Những người bị phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được cách ly tại cơ sở riêng của nhà máy.
Trên thực tế, tháng trước Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cũng đề xuất một chương trình xét nghiệm - cách ly tương tự cho 60.000 nhà máy. Liên đoàn cũng kêu gọi đẩy nhanh tiêm chủng cho lực lượng công nhân sản xuất.
"Chính phủ cần tập trung vào việc mua vaccine và tiêm chủng cho người dân càng nhanh càng tốt. Cần tiêm chủng đầy đủ bởi một mũi là không đủ bảo vệ và không giúp giảm sự sợ hãi", bà Maria Lapiz, Giám đốc Maybank Kim Eng Securities Thailand Pcl, khẳng định.
Theo báo cáo của Goldman Sachs Group, trong quý II, xuất khẩu của Thái Lan tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng sản xuất là một trong số ít điểm sáng kinh tế của Thái Lan khi tiêu dùng sa sút, cắt giảm lãi suất không đem lại hiệu quả và ngành du lịch đóng băng.
Kể từ đầu tháng 4, xứ sở chùa vàng đối mặt với làn sóng Covid-19 mới với hơn 500 chùm ca bệnh được phát hiện bên trong các nhà máy.
Tính đến ngày 18/8, khoảng 7,3% dân số Thái Lan được tiêm chủng đầy đủ và 25,5% dân số hoàn thành mũi tiêm đầu tiên.