Đi dọc Quốc lộ 32, đoạn chạy qua địa bàn các xã: Phúc Khoa, Trung Đồng và thị trấn Tân Uyên của huyện Tân Uyên, chúng tôi được "mục sở thị" những đồi chè xanh tốt, tỏa hương thơm ngào ngạt. Nói như ông Ngọ Doãn Bình – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên, thì cây chè đã sớm trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện Tân Uyên. "Cây chè là một trong những cây trồng có lợi thế của huyện Tân Uyên. Không chỉ dễ trồng, dễ chăm sóc mà cây chè còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người dân. Nhờ trồng chè mà nhiều hộ dân ở các xã, thị trấn của huyện không chỉ thoát nghèo, mà còn từng bước vươn lên làm giàu. Không ít hộ dân trong huyện thu cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng chè" – ông Bình nhấn mạnh.
Nhận thức rõ giá trị kinh tế của cây chè, những năm qua huyện Tân Uyên đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân các xã có lợi thế đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích chè. Thực hiện đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao của tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2015 – 2020, huyện Tân Uyên đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn trong vùng quy hoạch trồng chè. Được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ trồng chè, người dân các xã, bản trong huyện tích cực tham gia, tạo nên phong trào trồng chè sôi nổi trên địa bàn. Diện tích chè của huyện Tân Uyên cũng nhờ đó mà không ngừng tăng lên, đến nay đạt hơn 3.200ha, trong đó có hơn 2.700ha chè kinh doanh.
Cùng với phát triển chè, huyện Tân Uyên chú trọng chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế của các xã, huyện Tân Uyên định hướng, hỗ trợ người dân đưa các cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Doãn Ngọ Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cho biết: "Mấy năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Tân Uyên có nhiều bước đột phá. Trên địa bàn huyện đã và đang hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa với các giống đặc sản địa phương như: Khẩu Ký, Séng Cù, nếp Cò Giàng... diện tích lên đến gần 1000ha; Vùng trồng quế, sơn tra, mắc ca và một cây ăn quả có giá trị kinh tế cao".
Không chỉ có sự chuyển biến trong lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi của huyện Tân Uyên thời gian qua cũng có nhiều bứt phá. Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ dân ở các xã trong huyện đã mạnh dạn làm chuồng trại chăn nuôi gia súc tập trung với quy mô lớn. Trong chăn nuôi, người dân cũng quan tâm hơn tới việc phòng chống dich bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Nhờ đó, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện tăng trưởng ổn định, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân.
Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cũng được huyện Tân Uyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân các xã, thị trấn của huyện Tân Uyên ngày càng tích cực hơn trong công tác bảo vệ rừng. Tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn huyện cũng nhờ đó mà tăng lên qua các năm.
Sản xuất nông nghiệp phát triển, thu nhập của người dân huyện Tân Uyên ngày càng nâng cao. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của huyện Tân Uyên mới chỉ đạt gần 10 triệu đồng/người/năm, thì đến hết năm 2020, đã tăng lên gần 37 triệu đồng/người/năm. Thu nhập tăng lên, người dân huyện Tân Uyên tích cực góp tiền, góp sức xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đến thời điểm này, các xã của huyện Tân Uyên đều đã đạt chuẩn nông thôn mới.