Diện mạo Nàng Cút thay đổi từng ngày nhờ NTM
Còn nhớ, đầu năm 2016 lần đầu tiên chúng tôi đến thôn Nàng Cút. Mặc dù cách trung tâm xã không xa, khoảng hơn 6km, nhưng đường đi lại cực kỳ khó khăn, con đường dẫn lên thôn rất nhỏ hẹp và khó đi, phải vượt qua con suối nước chảy xiết.
Để đi lên được thôn thì bắt buộc đi qua con đường này và phải lựa chọn thời điểm trời nắng mới có thể qua được.
Vì chỉ cần một trận mưa nhỏ, nước từ trên núi đổ dồn về đã cô lập toàn bộ thôn. Và lúc đó, sự mong mỏi lớn nhất của người dân Nàng Cút là có một cây cầu bắc qua suối để đi lại dễ dàng hơn, nhất là vào mùa mưa lũ.
Thôn Nàng Cút có 45 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Đời sống của người Mông ở đây chủ yếu dựa vào cây ngô và cây lúa nương, chăn nuôi tự cung, tự cấp là chính. Sản xuất nông nghiệp thì mang tính truyền thống, thiếu đất canh tác.
Chưa có điện lưới thắp sáng, hầu hết trong thôn chủ yếu là hộ nghèo, tình trạng thiếu ăn luôn thường trực ở đồng bào nơi đây. Cơ sở vật chất hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng, nhà văn hóa thôn, điểm trường là những ngôi nhà trình tường, xuống cấp.
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, với sự quan tâm của Đảng, nhà nước và các cấp chính quyền, đời sống của đồng bào dân tộc Mông ở thôn Nàng Cút đang thay đổi từng ngày.
Năm 2019 với sự chung tay của cán bộ, đảng viên trên địa bàn xã đã kêu gọi xã hội hóa xây dựng và hoàn thành cây cầu tràn qua con suối trên trục đường chính dẫn vào thôn, tháo gỡ khó khăn cho việc đi lại trong mùa mưa lũ khi của người dân.
Đặc biệt, tháng 5 vừa qua, nhờ có nguồn vốn của chương trình nông thôn mới, con đường nối từ thôn tới trung tâm xã có chiều dài gần 4km đã được bê tông hóa với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương của đồng bào nơi đây.
Ông Sùng Seo Dí, Bí thư Chi bộ thôn Nàng Cút chia sẻ: Sau khi con đường, những cơ sở vật chất được đầu tư hoàn thiện, tư duy sản xuất của người dân cũng dần thay đổi tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội của thôn đồng bào Mông.
Dẫn chứng về điều này, ông Dí cho biết: Nếu như trước đây, người dân chủ yếu dựa vào những thửa ruộng bậc thang sẵn có lâu đời. Thì giờ đây đồng bào đã tích cực chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, thay đổi hình thức chăn nuôi từ tự cung, tự cấp sang hàng hóa.
Chương trình NTM tác động đến tận các gia đình
Đặc biệt, chương trình nông thôn mới đã tác động đến tận các gia đình đồng bào dân tộc Mông. Bà con nơi đây không chỉ chung tay hiến đất làm các công trình phúc lợi, mà người dân trong thôn mà còn chủ động vệ sinh môi trường xung quanh, tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình.
Anh Sùng Seo Tra cho biết: Trước đây gia đình tôi chỉ chăn nuôi 1 con trâu, sau khi được xã vận động chung tay xây dựng nông thôn mới, gia đình bắt đầu làm chuồng trại để tập trung chăn nuôi, nên giờ đây đàn trâu của gia đình nhà anh luôn duy trì từ 4 – 5 con. Ngoài ra, vợ chồng tôi còn chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi, đáp ứng thức ăn đầy đủ cho đàn vật nuôi, nên cuộc sống gia đình anh đã khấm khá hơn rất nhiều.
"Nhất là từ khi có con đường, thương lái đi xe vào tận thôn để mua và vận chuyển trâu, nên việc mua bán không còn khó khăn như trước đây, giờ chỉ sợ không có trâu để bán thôi" - anh Tra vui vẻ khoe.
Với những nỗ lực chính quyền và nhân dân, đến nay mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm đáng kể, điện lưới quốc gia đã được kéo về thôn; hệ thống giáo dục, y tế được đầu tư, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nhu cầu thiết yếu cho nhân dân. Đồng bào dân tộc Mông cũng hăng hái sản xuất, chăn nuôi từng bước phát triển.
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, ông Hoàng Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Thu Tà cho biết: Đồng bào dân tộc Mông ở thôn Nàng Cút rất đoàn kết, chịu thương chịu khó, chăm lo gia đình và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ các nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình và chính sách dân tộc đã được xã triển khai kịp thời, từng bước tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất cho nhân dân.
Mong rằng, Đảng, Nhà nước và các cấp, chính quyền tiếp tục quan tâm đến đời sống bà con nhân dân vùng còn khó khăn Nàng Cút nói riêng, các thôn trên địa bàn xã nói chung, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số - ông Hiếu bày tỏ.