Clip: Sốt mò bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm
Sự nguy hiểm của bệnh sốt mò
Anh Vừa Bả Của, Bản Phiêng Pìu, xã Mường Cai (Sông Mã, Sơn La) có con bị bệnh sốt mò đang được điều trị tích cực tại khoa truyền nhiễm và Da liễu bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. Sau khi con anh có những biểu hiện: quấy khóc, không ăn uống được, bị sốt... nên anh Của đã đưa con đi điều trị tại bệnh viện Đa khoa Sốp Cộp, không thấy đỡ nên được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La. Tại đây các bác sỹ chuẩn đoán con anh bị bệnh sốt mò, đã được các bác sỹ tận tình điều trị và chăm sóc, sau hơn 10 ngày tình trạng sức khỏe con anh qua cơn nguy kịch và dần ổn định và ra viện.
Chia sẻ với PV báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, anh Vừa Bả Của, Bản Phiêng Pìu xã Mường Cai (Sông Mã, Sơn La) cho biết: "con ở nhà sốt, không ăn, lo sợ nên tôi và gia đình mới đưa con vào bệnh viện Sốp Cộp, vào viện không đỡ em mới đưa con ra bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. Tại đây bác sỹ nói bệnh này nó nguy hiểm, sau 1 thời gian điều trị sức khỏe con tôi đã ổn định rồi".
Bệnh sốt mò hay còn gọi là sốt do ấu trùng mò là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi Orientalis tsutsugamushi một loại vi khuẩn thuộc họ Rickettsia và lây sang người thông qua ấu trùng mò thuộc họ Trombicula được biết đến với cái tên Leptotrombidium. Các loại ấu trùng mò này thường có các ký chủ trung gian là những loài động vật gặm nhấm, đặc biệt chủ yếu là loài chuột, các loài chim hoặc gia súc, gia cầm. Sốt mò sẽ tạo nên những ổ dịch nhỏ, phân bố rải rác ở những nơi có nhiều bụi rậm và ẩm ướt như bìa rừng, các cánh rừng mới được khai hoang hoặc mới được trồng mới, vùng nương rẫy,... Bệnh có thể diễn ra ở mọi lứa tuổi, nhưng sẽ tập trung chủ yếu ở đối tượng lao động hoạt động ở các lĩnh vực như bộ đội lâm nghiệp, hành quân hoặc đóng quân ở vùng biên giới, lâm nghiệp và nông nghiệp. Đối với người bệnh sốt mò, nếu như không được sự can thiệp kịp thời của sự chăm sóc y tế chuyên nghiệp thì bệnh có thể phát triển thành các biến chứng nặng và dẫn đến tử vong.
Trao đổi với PV báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, Bác sỹ Trần Thị Thúy Hà, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm và Da Liễu Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Sơn La cho biết: "Đối với bệnh sốt mò này thường xảy ra vào mùa mưa và nóng ẩm, do ấu trùng mò gây nên nó sẽ truyền sang người. Nguy hiểm của sốt mò này nếu chúng ta phát hiện sớm thì chúng ta điều trị rất là đơn giản và hồi phục rất là nhanh chóng. Nhưng đối với các trường hợp đến đây muộn thì sẽ gây ra suy đa phủ tạng và có thể dẫn đến tử vong, rất nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh".
"Phòng và điều trị bệnh ấu trùng mò này phải phát quang bụi rậm, không để nước tồn đọng hay moi trường sống của chúng ta xung quanh phải sạch sẽ. Khi đã phát hiện có những triệu chứng của bệnh sốt mò này thì chúng ta phải khuẩn trương đến khám tại cơ sở y tế để phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh những hậu quả nguy hiểm về sau", Bác sỹ Hà cho biết thêm.
Sốt mò là một căn bệnh khó có thể nhận biết được, khởi phát từ những vết cắn của ấu trùng mò, tuy nhiên, nó không lây truyền từ người sang người. Bởi hiện nay chưa có vacxin phòng bệnh nên cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc phải sốt mò chính là phát quang môi trường sống, thường xuyên vệ sinh và diệt côn trùng cho nơi ở của mình, không nằm hoặc phơi quần áo ở những nơi ẩm ướt để tránh ấu trùng mò bám vào. Hãy đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi nghi ngờ mình mắc phải căn bệnh này.