Huyện Thuận Châu hiện có 9.350 con trâu, hơn 52.400 con bò, đàn lợn gần 72.500 con, đàn gia cầm gần 735.700 con. Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong khối tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh trước, trong và sau các đợt rét đậm, rét hại, đặc biệt là tại các xã vùng cao; thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình thời tiết và cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin để phòng tránh thiệt hại có thể xảy ra.
Ông Lò Văn Thỏa, Phòng NN&PTNT huyện Thuận Châu cho biết, Phòng đã tích cực tham mưu cho UBND huyện xây dựng các kế hoạch, văn bản chỉ đạo về phòng chống đói rét cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Đặc biệt là tại 6 xã vùng cao, mùa Đông nhiệt độ thường xuyên ở mức dưới 12 độ C, do đó, Phòng đã tích cực tuyên truyền đến người dân tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp ủ chua thức ăn cho gia súc; xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn phủ bạt quanh chuồng trại đủ ấm áp vào mùa đông và thường xuyên dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Đồng thời, tiêm phòng Vaccine định kỳ, bổ sung các khoáng vi lượng, thức ăn tinh bột để đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi trong mùa đông giá rét.
Gia đình ông Lò Văn Ánh (bản Nặm Nhứ, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu) thường xuyên chăn nuôi từ 6 đến 10 con trâu, bò mỗi năm. Được sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông, Phòng NN&PTNT huyện Thuận Châu về cách trồng cỏ voi, dự trữ, ủ chua thức ăn, tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc. Do đó, gia đình ông Ánh đã thực hiện trồng gần 1.000 m2 cỏ voi, tích trữ rơm rạ sau mỗi đợt thu hoạch lúa để đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh cho đàn trâu, bò.
Ông Lò Văn Ánh chia sẻ: "Vào thời điểm rét đậm, rét hại gia đình tôi đã chủ động đưa trâu, bò về nuôi nhốt trong chuồng và chuẩn bị sẵn rơm rạ, cỏ để cho ăn, sử dụng bạt để che chắn chuồng trại chống rét, tránh thiệt hại kinh tế. Ngoài ra, gia đình tôi cũng được các đoàn công tác đến để hướng dẫn cách ủ chua thức ăn, cách chăm sóc trâu, bò, nhất là vào thời điểm rét đậm, rét hại. Do đó, nhiều năm nay, đàn vật nuôi của gia đình không bị chết đói, chết rét".
Huyện Phù Yên hiện có tổng đàn gia súc trên 120.000 con, khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa Đông, chính quyền địa phương đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đói, rét cho đàn vật nuôi.
Ông Hà Thanh Chúc, Chủ tịch UBND xã Huy Tường, huyện Phù Yên cho hay, Huy Tường là xã duy trì chăn nuôi gia súc ổn định của huyện Phù Yên, với tổng đàn gia súc đạt gần 3.400 con, chủ yếu là trâu, bò, lợn, dê và ngựa. Để đảm bảo việc triển khai phương án phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả, UBND huyện cũng thành lập các Đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại cơ sở. Đặc biệt là tại các xã vùng cao, nơi thường xuyên xảy ra rét đậm, rét hại và từng có gia súc bị chết do đói, rét để đôn đốc, yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương theo dõi diễn biến thời tiết để cập nhật, thông báo đến người chăn nuôi. Thông qua tuyên truyền, vận động, người dân các xã đã nêu cao tinh thần chủ động trong phòng, chống đói rét cho đàn gia súc.
Anh Đinh Văn Hoàng, bản Thải, xã Mường Thải, huyện Phù Yên cho biết: "Vào mùa đông, gia đình tôi không thả đàn vật nuôi ra ngoài như trước mà chủ động nhốt trong chuồng, quây bạt che kín chuồng để giữ ấm cho đàn gia súc. Vào những vụ thu hoạch lúa sẽ thu gom, tích trữ và trồng, ủ cỏ từ trước để đảm bảo nguồn thức ăn bổ sung thêm vào mùa Đông giá rét".
Nhờ triển khai các biện pháp, giải pháp đồng bộ, kịp thời, của cấp Ủy, chính quyền các cấp cùng sự tích cực chủ động của nhân dân. Do đó, đến nay đàn gia súc trên địa bàn tỉnh Sơn La cơ bản phát triển ổn định, tình trạng gia súc, gia cầm bị chết đói, chết rét rất ít.