Mùa đông sắp đến rồi, chuyên gia bàn cách giúp nhà nông phòng chống đói rét cho trâu bò

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 25/11/2022 05:46 AM (GMT+7)
Sáng 24/11, tại huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang tổ chức Tọa đàm “Một số giải pháp phòng chống đói, rét cho trâu, bò trong mùa đông”.
Bình luận 0

Dự Tọa đàm có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NNPTNT , UBND huyện Chiêm Hóa và hơn 100 đại biểu là các hộ nông dân, các hợp tác xã, trang trại, gia trại trên địa bàn các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Na Hang, Lâm Bình.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng trung tuần và nửa cuối tháng 12, miền Bắc nước ta sẽ đón đợt rét đậm, rét hại đầu tiên trong mùa đông năm 2022. 

TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, nên nhiệt độ trung bình chung của mùa đông năm nay sẽ cao hơn so với các năm trước. Xen kẽ những đợt nắng ấm vẫn có đợt lạnh sâu, có thể có những đợt rét đậm, rét hại, tuyết rơi.

Chuyên gia lưu ý các giải pháp phòng chống đói rét cho trâu, bò trong mùa đông - Ảnh 1.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: T.Đ

Dự báo những đợt rét sâu này không kéo dài, nhưng bà con nông dân không thể chủ quan trong việc bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nêu thực trạng và giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc và phòng chống đói rét cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác phòng chống đói, rét cho trâu bò trong mùa đông; kinh nghiệm vận động nhân dân trồng, chế biến, dự trữ thức ăn thô xanh cho trâu, bò...

Đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên cho biết, đối với chăn nuôi nông hộ, cần phổ biến cách thức sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả an toàn, khuyến khích người dân tận dụng lao động tự phối trộn thức ăn. Ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực giống vật nuôi, ưu tiên giống bản địa; thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, trang thiết bị chuồng trại, công tác vệ sinh thú y… 

Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động trong việc phòng, chống đói rét cho trâu bò.

May áo giữ ấm cho trâu, bò bằng các loại bao tải, có bao tải gai là tốt nhất, hoặc tận dụng mền chăn cũ đã qua sử dụng. Củng cố chuồng trại, đảm bảo kiên cố, mùa đông ấm, mùa hè mát, tránh gió lùa, nên có chất độn chuồng, thường xuyên giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ. 

Những ngày mưa rét cần tăng lần thay chất độn chuồng để trâu bò không bị lạnh; lưu ý chuồng nuôi bê nghé còn non, súc đề kháng chưa cao nên phải có chất độn chuồng tốt như rơm khô, cỏ khô và phải đảm bảo che chắn thật tốt tránh gió lùa. Có thể sử dụng bóng điện hay đốt sưởi cho gia súc trong chuồng nuôi bằng trấu, mùn cưa, than củi, lõi ngô. Nơi để lò sưởi có khoảng cách nhất định, đảm bảo cho trâu, bò đủ ấm tránh gây cháy hoặc bị hun khói quá nhiều (không nên dùng than tổ ong để sưởi vì rất dễ gây ngộ độ). 

Bổ sung 1-2 quả bồ kết vào lò sưởi để tạo mùi thơm trong khu vực sưởi và giúp hạn chế các bệnh viêm phổi, cảm cúm (thực tế các hộ chăn nuôi chăn nuôi sử dụng phương pháp này phản ánh là tốt). Có hố ủ phân riêng, nên xây dựng hầm Biogas để tạo nguồn khí đốt sinh hoạt và bảo vệ môi trường.

Chuyên gia lưu ý các giải pháp phòng chống đói rét cho trâu, bò trong mùa đông - Ảnh 3.

Cán bộ khuyến nông hướng dẩn ủ chua thức ăn để phòng chống đói rét cho trâu, bò. Những ngày rét đậm, ngoài việc nhốt, cho ăn bổ sung thức ăn thô xanh, thức ăn tinh, khoáng, vitamin cần thiết và cho uống nước ấm pha 0,1 - 0,3% muối sẽ giúp cho đàn gia súc chống rét tốt hơn. Ảnh: T.L

Định kỳ phun thuốc sát trùng lên chuồng trại, xung quanh chuồng nuôi; rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, trên các lối đi để ngăn chặn các loại vi khuẩn gây bệnh xâm nhập.

Về vấn đề này, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Tuyên Quang cũng lưu ý, đối với những hộ chăn nuôi số lượng lớn thả trên rừng, trong khu lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, nếu không đưa trâu, bò về nhà thì phải liên kết cùng nhau làm lán tạm để nhốt trâu, bò ở những nơi ít gió lùa tại khu vực chăn thả; tuyệt đối không thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp dưới 12oC.

Duy trì khẩu phần ăn của trâu, bò trưởng thành bình quân ở mức 20-30 kg thức ăn thô/con/ngày, bổ sung 1-1,5 kg cám các loại, cho uống nước sạch pha với muối (20-30g /con/ngày).

Tận dụng mọi diện tích đất trồng để trồng cây ngô dầy, trồng cỏ voi, cỏ Ghinê, cỏ VA06... để có đủ thức ăn cho trâu, bò. Bên cạnh đó, thu gom phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân cây ngô, lá mía để chế biến, dự trữ thức ăn bằng phương pháp ủ chua hoặc phơi khô đánh thành cây (cây rơm) để cho đàn trâu, bò ăn trong vụ đông.

Chuyên gia lưu ý các giải pháp phòng chống đói rét cho trâu, bò trong mùa đông - Ảnh 2.

Người chăn nuôi phát biểu tại Toạ đàm.

Phát biểu tại toạ đàm, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chịu rét của trâu bò, do đó, phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng cả về thức ăn tinh và thức ăn thô, xanh, nước uống ấm. Trâu bò phải được chăm sóc tốt, giữ ấm tốt thì nó sẽ khỏe mạnh và ít bị ảnh hưởng rét hơn.

Chuồng trại phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, bởi mùa rét, nhiệt độ lạnh quá dễ gây nên một số bệnh truyền nhiễm ở trâu, bò như: Lở mồm long móng, tai xanh, bệnh viêm khớp, bệnh cước chân... Khi sức đề kháng của trâu, bò bị giảm đi, thì càng dễ bị nhiễm các mầm bệnh từ bên ngoài.

Đặc biệt, với những hộ có tổng đàn lớn, thì nên bán bớt để giảm mật độ nuôi, tập trung tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng những con còn để lại trong đàn; hoặc gia cố chuồng trại cho khô và kín gió, thoát nước...

Tiêm phòng đầy đủ để bảo đảm sức khỏe, sức đề kháng tốt cho đàn vật nuôi... Với gia súc non thì tăng cường các biện pháp nuôi dưỡng. Với gia súc trưởng thành thì cần tăng cường kiểm tra bộ móng, không để trâu, bò bị ẩm, lạnh bộ móng dễ gây ra các bệnh. Và đặc biệt, trước mùa rét phải tẩy kí sinh trùng, bởi trâu, bò ở miền núi thường bị bệnh giun đũa hoặc sán lá gan khiến trâu, bò giảm sức đề kháng…

Chuyên gia lưu ý các giải pháp phòng chống đói rét cho trâu, bò trong mùa đông - Ảnh 5.

Công ty TNHH De Heus là một trong các doanh nghiệp luôn đồng hành cùng Trung tâm Khuyến nông quốc gia trong các chương trình tập huấn, tọa đàm phòng chống đói rét cho trâu, bò trong mùa đông tại nhiều tỉnh miền núi như: Yên Bái, Hà Giang...

Trước đó, các đại biểu đã được tham quan mô hình chăn nuôi trâu, bò tại xã Yên Nguyên và xã Hùng Mỹ. 

Cũng trong sáng 24/11/2022, đại diện Công ty TNHH De Heus (Hà Lan), cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang trao tặng 10 tấn thức ăn chăn nuôi phòng chống đói rét cho trâu bò trong mùa đông cho đồng bào vùng cao tại trung tâm văn hóa huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem