Sơn La: Phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung, bền vững
Phát triển thủy sản trên lòng hồ giúp nông dân có thu nhập
Với diện tích mặt nước rộng, đây lợi thế để huyện Quỳnh Nhai nuôi trồng thủy sản. Để phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có này, những năm qua, địa phương này đã huy động các nguồn lực thúc đẩy sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp vùng lòng hồ, vận động nhân dân chuyển từ trồng cây hàng năm sang nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ.
Bản Ít, Xã Mường Sại, Huyện Quỳnh Nhai, (Sơn La) là bản tái định cư thủy điện Sơn La theo diện di chuyển nội xã vào năm 2007. Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, người dân bản Ít đã phát huy lợi thế vùng lòng hồ để nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản. Các hộ dân liên kết thành lập hợp tác xã (HTX) thủy sản, tham gia nuôi tập trung, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Anh Tòng Văn Loán, Giám đốc HTX thủy sản Ngọc Hùng Cho biết: HTX Ngọc Hùng, Xã Mường Sại, Huyện Quỳnh Nhai, (Sơn La) được thành lập tháng 3/2017, với 14 thành viên, nuôi 162 lồng cá; nuôi chủ yếu các loại cá trắm, lăng, chép, rô phi, nheo, trê… Để nuôi cá đạt hiệu quả, tạo ra sản phẩm sạch, năng suất chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, HTX đã tận dụng rau củ, bột ngô, sắn, cỏ voi VA06 tự trồng trên nương, ven lòng hồ, làm vó bè để lấy cá tạp làm thức ăn cho cá. Hàng năm HTX đã thu được hơn 20-30 tấn cá các loại với giá từ 70 - 80 nghìn đồng/kg, tùy từng loại cá khác nhau, đem lại doanh thu nhập hàng tỷ triệu đồng.
"Các thành viên trong HTX tập trung nuôi cá theo quy trình VietGAP, áp dụng từ khâu chọn cá giống, mật độ thả cá, lựa chọn thức ăn… Qua đó, tạo ra các sản phẩm có chất lượng sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu cá lồng của HTX. Năm 2019, sản phẩm cá lồng của HTX thủy sản Ngọc Hùng đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP" ông Loán nói.
Đối với nhiều hộ nông dân tại xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, nhận thấy việc nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cáo. Năm 2019, 22 hộ dân đã liên kết để thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Mường Trai. Hiện Tổ hợp tác có 80 lồng cá, sản lượng đạt trên 100 tấn cá/năm. Các thành viên trong Tổ hợp tác chủ yếu nuôi cá trắm, lăng, chép, rô phi… Để có kinh nghiệm nuôi cá, các thành viên của Tổ hợp tác đã đi tham quan các mô hình nuôi cá ở các địa phương khác và tham gia các lớp tập huấn về nuôi cá lồng do huyện, tỉnh tổ chức. Từ đó, giúp các thành viên trong Tổ hợp tác có thêm kiến thức, kỹ năng cách chăm sóc, nhận biết các loại bệnh ở cá, có biện phòng bệnh cho cá hiệu quả. Giúp các thành viên biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên đàn cá sinh trưởng phát triển tốt, nhiều thành viên thu nhập ổn định.
Ông Lù Văn Khánh, thành viên Tổ hợp tác nuôi cá lồng Mường Trai, chia sẻ: Tôi tham gia Tổ hợp tác nuôi cá lồng từ nhiều năm nay. Hiện gia đình tôi có 6 lồng cá, chủ yếu nuôi cá rô, tre, trắm, chép… Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu từ 3-4 tấn cá các loại. Ngoài nuôi cá lồng, gia đình tôi còn nuôi 2 lồng ếch trên lồng cá, với hơn 1.5000 con. Nhờ vậy, đã góp phần mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.
Giải pháp nâng cao thu nhập từ thủy sản
Với trên 20.000 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La, cùng hệ thống sông, hồ nhân tạo khác, Sơn La hiện đang là địa phương có nhiều lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Một trong những mục tiêu mà Sơn La hướng đến là nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thông tin: Với quan điểm "Thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc", Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/1/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Qua 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển khá với nhiều thành tựu nổi bật. Nghị quyết số 08-NQ/TU đề ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2025, như: Cơ cấu nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đên nay, diện tích nuôi trồng thủy sản: 2.960 ha, tăng 1,3% so với năm 2021. Số lồng nuôi: 7.288 lồng, giảm 17,4% so với năm 2021. Sản lượng thủy sản (Nuôi trồng thuỷ sản: 7.979 tấn; Khai thác thuỷ sản: 1.329 tấn): 9.308 tấn, tăng 6,9% so với năm 2021. Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện Mường La, Phù Yên: 245.000 con, trong đó bao gồm cá Mè, cá Trôi Mrigan, cá Chép lai, cá Bỗng.
Để phát triển nguồn lợi thủy sản hài hòa với bảo vệ môi trường sinh thái vùng hồ, tỉnh Sơn La đã có những giải pháp nhằm đưa kinh tế vùng hồ các thủy điện (thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Nậm Chiến I) xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng liên kết đồng bộ với các vùng kinh tế trong tỉnh, đồng thời khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng hồ gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị hiện có, phát triển kinh tế cùng với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng hồ.