dd/mm/yyyy

Sơn La: Linh hoạt nhiều phương án tiêu thụ, xuất khẩu trái cây

Sơn La có trên 84.000 ha cây ăn quả. Địa phương này đang triển khai đồng bộ các giải pháp, đảm bảo việc tiêu thụ, xuất khẩu trái cây năm 2023.

Clip: Sơn La linh hoạt nhiều phương án tiêu thụ, xuất khẩu trái cây

Tập trung chăm sóc trái cây phục vụ xuất khẩu

Tại các xã Chiềng Ngần, Chiềng Đen của thành phố Sơn La, các xã Chiềng Mung, Hát Lót của huyện Mai Sơn, xã Mường Bú của huyện Mường La bà con nông dân canh tác cây xoài đang tất bật chăm sóc, bao trái xoài để đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Với gia đình anh Cà Thành Đạt, bản Giàn, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, hiện gia đình anh có hơn 2 ha diện tích đất trồng xoài theo hướng VietGAP. Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, cũng như đảm bảo về năng suất, chất lượng, ngay từ đậu vụ gia đình anh đã tiến hành áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác, đảm bảo các quy trình chăm sóc, từ cắt tỉa, bón phân, chăm sóc quả non. Từ những cách làm khoa học trên, vườn xoài gia đình anh năm nào cũng cho chất lượng quả tốt, năng suất cao. Dự kiến năm 2023, vườn xoài gia đình anh sẽ cho thu về khoảng 15 tấn quả, đảm bảo mẫu mã để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

"Hiện nay, vườn xoài của gia đình đang trong giai đoạn phát triển quả non, để đảm bảo mẫu mã đẹp, gia đình tôi đang tiến hành bao trái cho vườn xoài. Việc bao trái sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất bởi trong quá trình bao trái chúng ta không cần phải phun thuốc BVTV nữa. Vì vậy nông dân sẽ tiết kiệm nhiều chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật và công lao động" anh Đạt nói.

Sơn La: Linh hoạt nhiều phương án tiêu thụ, xuất khẩu trái cây - Ảnh 2.

Anh Cà Thành Đạt, bản Giàn, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đang tiến hành bao trái xoài của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của Sơn La đạt 84.784 ha; sản lượng quả năm 2023 ước đạt 451.779 tấn, so với năm 2022 diện tích tăng 2,14% (1.783 ha), sản lượng ước tăng 28% (99.474 tấn). Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được phát triển trên diện rộng, ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa trong sản xuất.

Toàn tỉnh hiện có 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; có 22.459 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tương đương; có 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; 83 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Thị trường tiêu thụ các loại nông sản tiếp tục được mở rộng.

Để sản phẩm trái cây Sơn La chinh phục được các thị trường khó tính như: EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, Nga, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Trung Đông, Asean chấp nhận thì việc đầu tiên phải cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm, tổ chức thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất và quản lý tốt mã số vùng trồng, quản lý và sử dụng có hiệu quả thương hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia HTX, liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Sơn La: Linh hoạt nhiều phương án tiêu thụ, xuất khẩu trái cây - Ảnh 3.

Tỉnh Sơn La hiện có trên 84.000 ha cây ăn quả, dự kiến sản lượng quả thu hoạch năm nay khoảng 452.000 tấn, tăng 28% so với năm 2022. Ảnh: Văn Ngọc

Nhiều phương án tiêu thụ, xuất khẩu trái cây

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thông tin: Mục tiêu phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 184 triệu USD, tăng 5,24% so với năm 2022 (trong đó: sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 171,8 triệu USD, tăng 5,29% so với năm 2022) góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng cao biên giới, trong đó: Số lượng sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt trên 18.700 tấn (tăng 0,98% so với năm 2022). Giá trị tham gia xuất khẩu phấn đấu đạt 25,26 triệu USD (tăng 26,15% so với năm 2022).

Để thực hiện tốt kế hoạch xuất khẩu nông sản hàng hóa năm 2023, tỉnh Sơn La tăng cường hoạt động giám sát đối với diện tích đã cấp VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng của các doanh nghiệp, HTX; tiếp tục xây dựng, cấp các mã vùng trồng mới; Tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động tại các doanh nghiệp, HTX.

Sơn La: Linh hoạt nhiều phương án tiêu thụ, xuất khẩu trái cây - Ảnh 4.

Các sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu tại thị trường trong nước và các nước nhập khẩu. Ảnh: Văn Ngọc

Đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất với nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; Xây dựng và duy trì các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn bền vững; Hỗ trợ phát triển các cơ sở đóng gói đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, trước mắt là thị trường Trung Quốc.

Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch xúc tiến thương mại, thương mại điện tử năm 2023 đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình của thị trường trong, ngoài nước và các quy định khác của pháp luật. Duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, trong đó tập trung vào thị trường Trung Quốc với các sản phẩm trái cây tươi; mở rộng, phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường các nước đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực EU… tập trung cho nhóm các sản phẩm nông sản chế biến.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh/thành phố như Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh… cập nhật, cung cấp các thông tin dự báo thị trường để định hướng tổ chức sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Hỗ trợ cập nhật các thông tin liên quan đến các quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế; các quy định về hàng rào phi thuế; các cam kết về quy tắc xuất xứ hàng hóa; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu.

Sơn La: Linh hoạt nhiều phương án tiêu thụ, xuất khẩu trái cây - Ảnh 5.

Sơn La đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ sản lượng nông sản trên địa bàn. Ảnh: Văn Ngọc

Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực quản trị - kinh doanh (nghiên cứu, tiếp cận thị trường; các quy định thương mại quốc tế; phát triển thương hiệu sản phẩm Sơn La; kỹ thuật sơ chế, bảo quản, đóng gói, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, ký kết và thực hiện biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế...) cho các doanh nghiệp, HTX, người lao động sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến hàng hóa xuất khẩu.

Hình thành và phát triển các đơn vị thu gom có đủ năng lực (kho lạnh, cơ sở sơ chế, phân loại, đóng gói, bao bì, phương tiện vận chuyển chuyên dụng) bao tiêu và ký kết với đơn vị chế biến, xuất khẩu; Tạo môi trường thuận lợi và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để các nhà máy chế biến nông sản đã thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách địa phương.

Sơn La: Linh hoạt nhiều phương án tiêu thụ, xuất khẩu trái cây - Ảnh 6.

Những năm gần đây, Sơn La tăng cường thu hút đầu tư và đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến nông sản. Ảnh: Văn Ngọc

Đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản để kéo dài thời gian bảo quản, kéo dài thời gian tham gia xuất khẩu, giảm áp lực về tiêu thụ quả tươi, nâng cao giá trị của sản phẩm tham gia xuất khẩu.

Hỗ trợ các HTX, cá nhân đầu tư, phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến vừa và nhỏ có công nghệ sơ chế, chế biến phù hợp, đảm bảo tiêu chuẩn tiêu thụ tại thị trường trong nước và thế giới (an toàn vệ sinh thực phẩm, độ ẩm, màu sắc…), tập trung vào các sản phẩm có sản lượng lớn như xoài, nhãn, mận, chuối.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh