dd/mm/yyyy

Sơn La: Đổi thay ở bản Mông vùng cao Bắc Yên

Từ những bản làng chìm sâu trong khói thuốc phiện với cái nghèo, cái đói bủa vây, đến nay, nhiều bản Mông ở vùng cao huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã được thay da, đổi thịt. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã từ bỏ thuốc phiện, chăm chỉ làm ăn kinh tế, phát triển du lịch nên cuộc sống khấm khá lên từng ngày.

Thuốc phiện từng được xem là loại cây trồng chính

Trong những ngày cuối thu, buổi sáng ở các xã vùng cao của huyện Bắc Yên (Sơn La) trời se se lạnh. Băng qua hàng trăm cung đường núi dốc cheo leo, chúng tôi đã đến được thị trấn Bắc Yên. Chúng tôi được ông Nguyễn Đăng Thức - Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Yên chào đón và kể về những đổi thay của mảnh đất nơi đây.

Sơn La: Đổi thay ở bản Mông vùng cao Bắc Yên - Ảnh 1.

Các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi vào cuộc sống, qua đó giúp các bản Mông vùng cao huyện Bắc Yên đổi thay. Ảnh: Tà Xùa C.

Theo ông Thức, Bắc Yên là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh. Dân cư sinh sống với hơn 70 nghìn người gồm có dân tộc Mông, Thái, Mường, Kinh,… trong đó người dân tộc Mông chiếm 45,63%. Trong những năm qua, huyện Bắc Yên đẩy mạnh thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc Mông.

Theo đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào Mông trên địa bàn huyện dần đảm bảo và ổn định. Đặc biệt, công tác tuyên truyền không di cư tự do, không truyền học đạo trái phép, không tái trồng cây thuốc phiện mang lại hiệu quả rõ rệt.

Sơn La: Đổi thay ở bản Mông vùng cao Bắc Yên - Ảnh 2.

Lực lượng công an tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con đồng bào Mông theo phương châm "đến từng bản, gõ cửa từng hộ". Ảnh: Trần Linh.

Trước đây, huyện Bắc Yên là địa phương phức tạp về tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là vấn đề liên quan đến ma túy. Ông Thức kể: "Vào khoảng 15 năm trước, cây thuốc phiện là một trong những cây trồng chính của đồng bào dân tộc Mông, trồng khắp mọi nơi. Có gia đình cả vợ chồng, con cái đều nghiện thuốc phiện, không gì dứt ra nổi".

Thông tin từ Công an tỉnh Sơn La, tại thời điểm năm 2005, toàn tỉnh có 9.487 người nghiện ma tuý chiếm trên 1% dân số, những đối tượng này sinh sống rải rác tại 94,03% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, việc người ra tù rồi lại vào tù do ma túy đã trở thành thông lệ ở các địa bàn vùng cao.

Sơn La: Đổi thay ở bản Mông vùng cao Bắc Yên - Ảnh 3.

Người Mông ở Tà Xùa làm du lịch homestay để phát triển kinh tế. Ảnh: Tà Xùa C.

Điển hình, tại xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, nơi từng được nhắc tới là "thủ phủ" của cây anh túc với khói thuốc phiện nồng nặc các gian nhà, cây thuốc phiện được người dân trồng quanh bản. Khi đó, bên trong nhà nào cũng có thuốc phiện. Loại ma túy này còn được người dân xem như một thứ để mời nhau khi có khách đến nhà. Bởi vậy, ở đây không chỉ phần lớn đàn ông mà còn có rất nhiều phụ nữ cũng bị nghiện.

Cuộc sống của họ bị "nàng tiên nâu" chiếm mất. Khi các ông bố mải mê với cây thuốc phiện hay tụ tập nhau để hút thuốc phiện, phụ nữ thì tối mặt trên nương, dẫn tới nhiều trẻ em tại các bản vùng cao của Háng Đồng không được đi học, chỉ lủi thủi ở nhà chơi với nhau. Và rồi sau này lớn lên chỉ biết học theo bố mẹ trồng thuốc phiện, phá rừng làm nương.

Sơn La: Đổi thay ở bản Mông vùng cao Bắc Yên - Ảnh 4.

Đảng, Nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông ở vùng cao để giúp bà con thuận tiện đi lại, giao thương. Ảnh: Trần Linh.

Không chỉ vậy, các bản vùng cao nơi đây còn bị các hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt hàng ngày làm khổ… Bởi cái nhẽ đó, số trẻ em được ăn học tại trung tâm xã đếm không hết hai bàn tay, nhất là số trẻ em nữ được đi học chữ cực kỳ hiếm, chưa đến tuổi lấy chồng đã bị bắt về làm vợ.

Cuộc sống mới ở bản Mông vùng cao Bắc Yên

Thời gian qua, cùng với những chính sách, ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo quyết liệt trong việc nâng cao đời sống xã hội của bà con dân tộc Mông. Điển hình như việc xây dựng đường giao thông, công trình cấp điện, cấp nước, phát triển sản xuất, chăn nuôi đã từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào.

Trở lại các bản làng người Mông hôm nay, những mảnh nương, đồi thuốc phiện ngày xưa, đã được thay bằng cánh rừng cây nông nghiệp, cây công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Cuộc sống của bà con nay đã được ấm no, trẻ em được đi học.

Sơn La: Đổi thay ở bản Mông vùng cao Bắc Yên - Ảnh 5.

Trẻ em vùng cao Bắc Yên được đến trường học tập. Ảnh: Tuệ Linh.

Xã Háng Đồng ngày nay, con đường gian nan năm xưa giờ đã được trải nhựa đến tận trung tâm xã. Thậm chí đường từ trung tâm xã đến các bản của xã đã được bê tông hóa, ô-tô vào tận nơi. Hai bên đường, những hàng cột điện nối đuôi nhau đưa lưới điện quốc gia vào tận các bản của xã. Cùng với đó là hình ảnh những em học sinh người Mông tíu tít từ các bản xuống núi học chữ.

Các bản của Háng Đồng giờ đây đã không còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, một số bản đã biết trồng lúa nước và nuôi bò, nuôi gà... Cho dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn nhưng quan trọng nhất là đồng bào đã biết được tác hại của việc trồng thuốc phiện, sự ảnh hưởng của những hủ tục lạc hậu… và họ muốn thay đổi cuộc sống.

Sơn La: Đổi thay ở bản Mông vùng cao Bắc Yên - Ảnh 6.

Đồng bào Mông ở xã Xím Vàng làm ruộng bậc thang thu hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Tuệ Linh.

Để giúp người dân thay đổi và phát triển, tổ công tác của huyện Bắc Yên phải trải qua những năm tháng vô cùng vất vả khi nằm trong dân hàng tháng trời, vượt rừng, lội suối để đến với các bản khó khăn để tuyên truyền, vận động người dân. Trong đó, người có uy tín tại các bản làng được xem là sợi dây kết nói chắc chắn để đẩy lùi các tệ nạn xã hội đang tồn tại. Sau những cố gắng không ngừng, các xã vùng cao của huyện Bắc Yên đã thay da đổi thịt với diện mạo hoàn toàn mới.

Điển hình như xã Tà Xùa, đến nay có gần 200ha chè Shan tuyết, 1.650 cây chè cổ thụ đang cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi đạt gần 1.000 tấn/năm. Hiện, người dân trong xã đang áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, chủ động tìm mối liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm chè đem lại thu nhập cao.

Ngoài ra, Tà Xùa còn được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu mát mẻ và rất nhiều địa điểm có phong cảnh đẹp hấp dẫn du khách đến trải nghiệm, khám phá, nghỉ đưỡng, bộ phận lớn người dân đã nắm bắt được cơ hội, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch.

Theo lãnh đạo UBND xã Tà Xùa, từ năm 2016 đến nay, thông qua các chương trình của Nhà nước, cùng các nguồn vốn đầu tư của các cấp, người dân tại xã Tà Xùa đã đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi và phát triển du lịch. Qua đó, đời sống của bàn con đã thay đổi rõ rệt.

Anh Sùng A Chư (trú tại ở bản Bản Bẹ, xã Tà Xùa) chia sẻ: "Cũng nhờ từ bỏ cây thuốc phiện, chăm chỉ làm ăn mà nay đời sống đã khấm khá hơn. Đến nay, gia đình tôi đã cải tạo hơn 3ha đất trồng mận, 1ha chè, còn lại trồng ngô, lúa. Mỗi năm gia đình tôi lãi cả trăm triệu".

Đất không bao giờ phụ công người, nhìn những bản làng đổi mới với các con đường rải nhựa thênh thang, màu xanh của cây rừng, của những triền đồi bạt ngàn cây ăn trái là thành quả của sự nỗ lực của đồng bào Mông nơi đây với khát vọng đổi thay có một cuộc sống ấm no.

Trần Linh