Clip: Ngành Giáo dục Sơn La tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.
Năm học 2021-2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XV của Đảng bộ tỉnh Sơn La. Đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; các Nghị quyết, Kết luận của Tỉnh ủy, HĐND và các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về giáo dục và đào tạo.
Đây cũng là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; và là lần đầu tiên ngành Giáo dục tỉnh Sơn La tổ chức Lễ khai giảng năm học mới theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu UBND tỉnh kết hợp với trực tuyến và phát trực tiếp trên sóng STV Sơn La do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chất lượng giáo dục các cấp học ở Sơn La tiếp tục được nâng cao
Với tư tưởng chỉ đạo "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt" và phương châm hành động "Tất cả vì học sinh thân yêu", "Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau", "Quyết tâm, kiên trì cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp, nhất là cấp THPT.
Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục học sinh lớp 12 và kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng học thật, thi thật, chất lượng thật", toàn thể cán bộ, công chức, giáo viên và học sinh, người lao động trong ngành cùng chung sức, đồng lòng, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của năm học.
Nhờ vậy, năm học 2021-2022, ngành giáo dục đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, giải pháp chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học; khắc phục các khó khăn; chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch năm học 2021-2022.
Theo báo cáo của Sở GDĐT tỉnh Sơn La, quy mô mạng lưới, trường lớp được rà soát sắp xếp, củng cố và phát triển; cơ sở vật chất trường học được tăng cường, bổ sung đồng bộ và từng bước hiện đại, đã cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/lớp học, đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày.
Thư viện, thí nghiệm, phòng học bộ môn, nhà làm việc, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ăn, nhà ở bán trú, công trình nhà vệ sinh, nước sạch, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư.
Duy trì, củng cố nâng cao kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi (đạt 100%), phổ cập giáo giáo dục tiểu học đạt mức độ 2, phổ cập giáo dục trung học và xóa mù chữ đạt mức độ 2.
Công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi; chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đồng bộ, toàn diện về kế hoạch.
Tổ chức bồi dưỡng chu đáo cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đảm bảo về cơ sở vật chất, sách giáo khoa; công tác truyền thông, phổ biến về chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện có hiệu quả tạo sự đồng thuận cao trong ngành Giáo dục và xã hội.
Chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông có sự chuyển biến, tiến bộ tích cực so với năm học trước. Với nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt để cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là cấp THPT và lớp 12 đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ: Tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,6%, tăng 1,25% so với năm 2021; tỉnh Sơn La đứng thứ 49/63 tỉnh thành phố về điểm trung bình các môn thi, tăng 10 bậc so với năm 2021.
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tỉnh có 8 giải, trong đó 3 giải Nhì, 2 giải Ba, 3 giải Khuyến khích. Bên cạnh đó, ngành giáo dục đã tổ chức tốt cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học theo hình thức trực tuyến. Trong đó có 177 dự án đăng ký dự thi, đã công nhận cho 84 dự án đạt giải gồm: 5 giải Nhất; 10 giải Nhì; 26 giải Ba; 43 giải Tư; lựa chọn 02 dự án thi cấp quốc gia, trong đó 01 dự án đạt giải triển vọng.
Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được tỉnh quan tâm và là 1 chỉ tiêu trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 338/598 = 56,52% cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia.
Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo của tỉnh được quan tâm bổ sung và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những năm tiếp theo.
GDĐT Sơn La đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm học 2022-2023
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La cho biết: Chủ đề năm học 2022 - 2023 là "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới và chuyển đổi số để củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo".
Để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2022 – 2023, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La đề nghị các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở, các phòng GDĐT huyện/thành phố, các đơn vị giáo dục trực thuộc Sở thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, cụ thể thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GDĐT; tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.
Tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục mầm non đã được sửa đổi, bổ sung; Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 đảm bảo đúng quy định, tiến độ, hoàn thành và vượt chỉ tiêu, kế hoạch năm học 2022-2023.
Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết, cụ thể của từng cấp học, nhất là cấp THCS, THPT phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và cải cách hành chính trong toàn ngành Giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển KT-XH của tỉnh, phát triển giáo dục số…
Năm học 2021-2022, tỉnh Sơn La có 609 trường mầm non, phổ thông, GDTX với 375.411 học sinh (có 14 trường mầm non, 01 trường tiểu học, 01 trường TH-THCS-THPT ngoài công lập). Trong đó: Có 230 trường mầm non (với tổng số trẻ 91.498); 97 trường tiểu học và 147 trường liên cấp TH-THCS (với tổng số 148.431 học sinh; có 80 trường THCS, 03 trường THCS-THPT (trong đó có Trường Chu Văn An), 11 trường PTDTNT THCS-THPT, 30 trường THPT, 12 trung tâm Giáo dục thường xuyên (với 135.482 học sinh).
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học ngày càng phát triển về số lượng đồng bộ về cơ cấu. Toàn ngành Giáo dục có 23.468 người (tăng 307 người), trong đó cán bộ quản lý là 1.647 (tăng 28 người), giáo viên 19.804 (tăng 218) và 2.017 nhân viên (tính cả nhân viên hợp đồng thời vụ). Đội ngũ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục (Tiến sĩ 3, Thạc sĩ 426, Đại học 16.232, Cao đẳng 4.491, Trung cấp 1.671).