Sơn La: Chiềng Công nỗ lực bứt phá vươn lên

Mùa Xuân - Tuệ Linh - Phạm Hoài

30/06/2025 15:23 GMT +7

Chiềng Công là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, tỉnh Sơn La, điều kiện kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các giải pháp xóa đói giảm nghèo, bộ mặt nông thôn mới nơi đây đang dần đổi thay.

Một góc xã Chiềng Công, huyện Mường La (Sơn La) hôm nay. Ảnh: Phạm Hoài.

Ký ức về "rốn nghèo" ở Chiềng Công

Nằm cách trung tâm huyện Mường La khoảng 35km, lọt thỏm giữa những dãy núi cao quanh năm sương phủ, Chiềng Công từng là một trong những xã nghèo khó bậc nhất của tỉnh Sơn La. Địa hình bị chia cắt mạnh, đường vào bản ngoằn ngoèo, dốc đứng, nhiều đoạn phải bám vào vách đá, vượt suối mới tới nơi.

Ông Mùa A Lụ, Chủ tịch UBND xã Chiềng Công, huyện Mường La cho biết: Chiềng Công có tổng diện tích tự nhiên hơn 14.000 ha, toàn xã có 15 bản, gần 6.100 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và La Ha sinh sống.

Cuộc sống của bà con nơi đây trước kia gắn liền với du canh, du cư, đói nghèo triền miên, thiếu cái ăn, thiếu cái mặc, thiếu cả con chữ. Cái đói, cái nghèo như một vòng lặp dai dẳng, ăn sâu vào từng nếp nhà tranh tre tạm bợ.

Những con đường đất trơn trượt mùa mưa, khô khốc mùa nắng, những ánh mắt trẻ thơ rụt rè vì thiếu cơ hội đến trường – đó từng là hình ảnh quen thuộc ở nơi đây.

Những năm gần đây, một luồng sinh khí mới đang thổi bùng lên ở Chiềng Công. Đó là kết quả của một quá trình dài thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, từ các chương trình 135, 134 đến chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá ở Chiềng Công nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Tuệ Linh.

Cấp uỷ, chính quyền địa phương không chỉ tranh thủ hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ mà còn kiên trì vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất, xóa bỏ hủ tục. Từ chỗ chỉ phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn năng suất thấp, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi.

Những loại cây như sơn tra (táo mèo), mận, thảo quả, sa nhân... đã được đưa về trồng trên đất dốc. Đặc biệt, cây sơn tra và thảo quả đã trở thành "cây vàng", là trụ cột kinh tế cho hàng trăm hộ dân.

Từ vài chục ha mọc tự nhiên, đến nay toàn xã đã có trên 473 ha sơn tra, phần lớn đã cho thu hoạch. Những bản như Tảo Ván, Đin Lanh, Lọng Bó... cứ đến mùa lại được phủ một màu trắng của hoa sơn tra, xóa đi màu xám của đất đồi trọc.

Những rừng thảo quả trĩu quả đang mang lại cuộc sống ấm no cho người dân Chiềng Công. Ảnh: Mùa Xuân.

Cùng với đó, cây thảo quả - loài dược liệu quý sinh trưởng tốt dưới tán rừng - cũng mang lại nguồn thu nhập đột phá. Với gần 160 ha đã cho thu hoạch, năng suất trung bình 5 tấn/ha, nhiều hộ dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm – điều trước đây từng là ước mơ xa vời.

Anh Lầu A Dua, bản Pá Chè, xã Chiềng Công, huyện Mường La, tỉnh Sơn La chia sẻ: Nhờ trồng thảo quả, gia đình tôi và nhiều bà con trong bản đã có cuộc sống khấm khá hơn nhiều.

Chúng tôi làm được nhà ở khang trang, mua được xe máy, máy móc phục vụ sản xuất. Vui nhất là có điều kiện mở rộng ruộng bậc thang trồng lúa nước, không còn lo thiếu lương thực nữa.

An cư để lạc nghiệp

Câu chuyện ở bản Lọng Bó là một minh chứng sống động. Năm 2018, cả bản sống trong lo âu, thấp thỏm khi các vết nứt, cung trượt nghiêm trọng xuất hiện, đe dọa tính mạng 71 hộ dân.

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, năm 2020, toàn bộ 71 hộ đã được di dời đến khu tái định cư mới. Mỗi hộ được bố trí gần 300m² đất, có điện, nước sạch, trường học, nhà văn hóa. Những con đường bê tông đã thay thế cho lối mòn trơn trượt ngày nào.

An cư rồi mới lạc nghiệp. Ở nơi ở mới, bà con bắt tay vào sản xuất, phát triển cây sơn tra, thảo quả, nuôi trâu bò theo hướng hàng hóa. Tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm mạnh. Nỗi sợ mưa lũ cuốn trôi nhà cửa đã lùi vào quá khứ.

Khu tái định cư bản Lọng Bó, xã Chiềng Công, huyện Mường La (Sơn La). Ảnh: Phạm Hoài.

Anh Lầu A Sộng, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Lọng Bó, xã Chiềng Công, huyện Mường La (Sơn La) cho biết: "Được chuyển về nơi ở mới an toàn, bà con mừng lắm. Ai cũng tập trung làm ăn, con cái được học hành đầy đủ. Cuộc sống giờ đã khác xưa rất nhiều rồi".

Hành trình giảm nghèo ở Chiềng Công không chỉ là câu chuyện của những con số. Đó là sự thay đổi tận gốc trong tư duy. Người dân không còn trông chờ, ỷ lại. Họ sẵn sàng góp đất, góp ngày công, trích tiền dịch vụ môi trường rừng để cùng Nhà nước làm đường, xây cầu, thắp sáng đường quê.

Chỉ tính riêng việc làm đường bê tông nội bản, bà con đã hiến 1.736m² đất và hàng trăm ngày công. Hưởng ứng lời kêu gọi “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”, đến hết tháng 5/2025, xã đã hoàn thành hỗ trợ xây mới 53 căn nhà vững chãi cho hộ nghèo.

Người dân xã Chiềng Công được hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát, có nơi ở mới khang trang hơn. Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Giàng A Tông ở bản Đin Lanh, một trong những hộ được hỗ trợ nhà ở, xúc động nói: "Ngôi nhà cũ của gia đình tôi đã xuống cấp lắm rồi. Được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ xây nhà mới, gia đình tôi không còn lo mưa dột nữa. Giờ tôi sẽ yên tâm chăn nuôi, làm kinh tế để vươn lên thoát nghèo".

Người dân Chiềng Công được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Ảnh: Mùa Xuân.

Từ một xã đặc biệt khó khăn, Chiềng Công đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 39,4% vào cuối năm 2024 – một con số còn cao, nhưng là một bước tiến vượt bậc so với xuất phát điểm cách đây một thập kỷ.

Dù phía trước vẫn còn nhiều thử thách, nhưng quan trọng nhất, người dân Chiềng Công giờ đã có trong tay "cần câu" và khát vọng vươn lên. Họ không còn chờ chính sách đến, mà chủ động học hỏi, thay đổi để viết tiếp ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Video: Về Chiềng Công (Mường La) hôm nay.

Theo Nghị quyết số 1681/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Sơn La năm 2025.
Xã Chiềng Hoa mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Chiềng Công, Chiềng Ân và Chiềng Hoa, với diện tích trên 29.400 ha, dân số hơn 17.000 người. Mô hình chính quyền mới đã được vận hành thử nghiệm từ ngày 23/6.