dd/mm/yyyy

Sở Công thương Sơn La: Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại nông sản

Thời gian qua, với sự chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, ngành công thương tỉnh Sơn La đã góp phần thiết thực giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong vài năm trở lại đây, tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm tới công tác xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá hình ảnh và tiêu thụ các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh tới các thị trường trong và ngoài nước. Đây là hướng đi đúng đắn, bền vững giúp người nông dân gia tăng giá trị sản phẩm nông sản, đồng thời đem lại sức bật mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp của địa phương.

Để nhìn nhận rõ hơn về các hoạt động tăng cường xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La trong thời gian vừa qua, phóng viên báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt đã có cuộc trao đổi vời bà Phạm Thị Doan - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La.

Thưa bà! Được biết tỉnh Sơn La là thủ phủ về cây ăn quả, với diện tích vùng sản xuất nông sản rộng lớn như: Nhãn, xoài, na, mận, thanh long… có mẫu mã và chất lượng sản phẩm tốt, tuy nhiên thị trường tiêu thụ thì chưa đáp ứng và tương xứng với thế mạnh và tiềm năng. Sở Công thương đã có chính sách và biện pháp như thế nào để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh ?

Để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, chúng tôi xác định công tác đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu là nhiệm vụ quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và Hợp tác xã trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời nắm bắt được thông tin của thị trường để định hướng tổ chức sản xuất ra sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Chúng tôi dự kiến sản lượng nông sản trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiếp tục tăng, nên việc mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu ổn định là rất cần thiết. Trước tình hình đó, Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tham mưu với tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có những giải pháp, kế hoạch trong thời gian tới.

Sở Công thương Sơn La: Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại nông sản - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Doan - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La cho biết tỉnh Sơn La luôn quan tâm kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thương mại đưa hàng Việt về nông thôn và quảng bá các sản phẩm nông sản ra thị trường trong nước và nước ngoài.

Theo đó, Sở sẽ tiếp tục duy trì tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường trong nước, tổ chức chuỗi sự kiện về tuần hàng nông sản an toàn tại các thị trường truyền thống (Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh) và mở rộng ra các thị trường mới tiềm năng như Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An và các tỉnh miền Nam đối với sản phẩm nông sản chế biến. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển thương mại điện tử, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Duy trì hoạt động xuất khẩu sản phẩm hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Sở cũng đã chủ động làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tỉnh Sơn La mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU vừa ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với Việt Nam. Đồng thời đề nghị hỗ trợ tỉnh Sơn La tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới và cung cấp thông tin về các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu nông sản của một số thị trường trên thế giới. Tập huấn, cung cấp thông tin về các FTA, đặc biệt là các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa… đối với những thị trường tiềm năng, sản phẩm hàng hóa của tỉnh có khả năng xuất khẩu với số lượng lớn.

Sở Công thương Sơn La: Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại nông sản - Ảnh 2.

Sở Công thương Sơn La đã tổ chức tập huấn ứng dụng thương mại điện tử và hỗ trợ kết nối phân phối sản phẩm tỉnh Sơn La qua "gian hàng Việt trực tuyến" trên sàn thương mại điện tử.

Thưa bà ! Để các mặt hàng nông sản của tỉnh Sơn La có mặt và được bán trên các thị trường khó tính trên thế giới. Sở Công thương đã có kế hoạch hướng dẫn và phối hợp như nào với các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Liên minh HTX, các huyện, thành phố để thực hiện có hiệu quả các công việc xây dựng và quảng bá thương hiệu chất lượng sản phẩm ?

Để các sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh Sơn La có mặt tại các thị trường khó tính trên thế giới, thời gian vừa qua Sở Công thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện thành phố đã tổ chức các hội nghị tập huấn về quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn về các quy định về truy xuất nguồn gốc, nguồn gốc xuất sứ, sở hữu trí tuệ, thuế quan và các Hiệp định thương mại như EVFTA, TTP.. để các doanh nghiệp, Hợp tác xã của Sơn La áp dụng quy trình sản xuất để sản xuất ra các sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng đủ điều kiện để xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu sang các thị trường cao cấp, khó tính như: Mỹ, Úc, Nhật và các nước EU.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã chủ động mời các doanh nghiệp lớn chuyên xuất khẩu các sản phẩm trái cây như: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Vina T&T, Công ty Kim Nhung Đồng Tháp, Công ty Cổ phần thực phẩm Đồng Giao.. để xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La sang các thị trường khó tính như: Các nước EU, Mỹ, Úc.

Sở Công thương Sơn La: Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại nông sản - Ảnh 3.

Thời gian qua, Sơn La đã trở thành thủ phủ cây ăn quả được nhiều thị trường trong và ngoài nước biết đến như: Nhãn, xoài Đài Loan, thanh long...

Vậy thưa bà! Nhằm nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông sản xuất khẩu ra thị trường trong nước và nước ngoài, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh Sơn La và có những chính sách như thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp, HTX, nông dân…?

Nhằm nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản của tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước, chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện thành phố tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu cụ thể như: Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng có tiêu chuẩn chất lượng tốt, nhà xưởng, tem nhãn mác, bao bì, cơ sở sơ chế, bảo quản, đóng gói… để các sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh Sơn La đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đủ điều kiện tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hỗ trợ cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, nước... để thu hút các doanh nghiệp mạnh lên đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, các sản phẩm nông sản, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã của Sơn La tham gia các lớp tập huấn để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng lực tiếp cận thị trường để có thể đủ điều kiện năng lực, trình độ để trực tiếp tham gia xuất khẩu. Tập trung chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại giới thiệu các sản phẩm hàng hóa nông sản của Sơn La có chất lượng tốt tại thị trường trong nước và xuất khẩu thông qua các hội nghị, hội chợ quốc tế; thông qua thương mại điện tử.

Sở Công thương Sơn La: Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại nông sản - Ảnh 4.

Các sản phẩm nông sản của Sơn La được trưng bày qua các hội nghị, hội chợ, siêu thị... để quảng bá hình ảnh đến người tiêu dùng.

Bà có thể cho biết tình hình xuất, nhập khẩu của tỉnh Sơn La trong giai đoạn 2016 đến hết năm 2020 và tốc độ tăng trưởng đạt bao nhiêu phần trăm ?

Tổng giá trị hàng hoá tham gia xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt 489,5 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 5,6%/năm. Các sản phẩm chủ yếu là cà phê xuất khẩu sang thị trường Đức, Mỹ, Ấn Độ... Chè xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Pakistan, Apganistan, UAE, Nhật Bản, Trung Quốc. Tinh bột sắn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Xi măng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Lào. Điện thương phẩm xuất khẩu sang Lào, tơ tằm xuất khẩu sang Ấn Độ.

Giá trị hàng hoá nhập khẩu của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 171 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,5%/năm. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị phụ tùng, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu, phân bón phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp.

Sở Công thương Sơn La: Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại nông sản - Ảnh 5.

Để đưa các sản phẩm nông sản ra thị trường trong nước và quốc tế, Sở Công thương Sơn La đã tổ chức nhiều hội nghị, sự kiện để giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Vậy trong thời gian tới, Sở công thương có phương hướng mở rộng đa dạng hóa thị trường, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường nhất định, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm hay không? Đồng thời có những công cụ nào để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, hợp tác làm ăn với các đối tác trên tỉnh thành cả nước và nước ngoài hay không? Nếu có thì thị trường tiêu thụ đó là những thị trường nào mà ngành đang hướng tới ?

Để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng được thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Sở Công thương đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và xây dựng kế hoạch cụ thể như: Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương (Vụ thị trường trong nước, Cục xúc tiến thương mại), nhằm duy trì tốt và mở rộng thị trường trong nước.

Đồng thời tập trung tổ chức triển khai các chương trình, hội nghị, sự kiện kết nối cung - cầu. Kết nối đưa sản phẩm nông sản của Sơn La vào các chợ đầu mối, các bếp ăn tập thể các nhà máy lớn, trường học, hệ thống cửa hàng nông sản cao cấp tại các thành phố lớn… Chủ động làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại (Big C, AEON, Hapro, Lotte, Vinmart, Mega Market) để trao đổi, thỏa thuận kế hoạch thu mua nông sản, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và có giải pháp kịp thời tháo gỡ.

Sở Công thương Sơn La: Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại nông sản - Ảnh 8.

Những năm qua, Sở Công thương Sơn La đã có nhiều giải pháp trong việc quảng bá các sản phẩm OCOP.

Để mở rộng thị trường, kết nối tìm kiếm đối tác xuất khẩu, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tỉnh Sơn La mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU vừa ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với Việt Nam. Tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về các FTA, đặc biệt là các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa… đối với những thị trường tiềm năng, sản phẩm hàng hóa của tỉnh có khả năng xuất khẩu với số lượng lớn. Lựa chọn doanh nghiệp, HTX trong tỉnh có năng lực, kinh nghiệm kinh doanh xuất khẩu, hệ thống bán hàng lớn để hỗ trợ xây dựng thành các mô hình thu gom, xuất khẩu nông sản lớn của tỉnh.

Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với các tham tán thương mại của Đại sứ quán các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy) để đẩy mạnh kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Sở Công thương Sơn La: Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại nông sản - Ảnh 9.

Sở Công thương Sơn La tổ chức tư vấn cho các hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp duy trì các mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành công thương đã gặp phải những khó khăn và thuận lợi như thế nào trong việc đề ra các giải pháp thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa duy trì phục hồi sản xuất" bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn ?

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong năm 2020 và quý I năm 2021 đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ và lưu thông thàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành trung ương, tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Công thương đã cùng các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tháo gỡ khó khăn khôi phục và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hóa…

Do đó, trong quý I năm 2021 Sở Công thương đã thực hiện tốt mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa duy trì phục hồi sản xuất" và đạt các chỉ tiêu theo kịch bản tăng trưởng do UBND tỉnh đề ra. Về chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2021 tăng 9%. Tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện tăng 23,6%, do lượng mưa những tháng cuối năm 2020 lớn, mực nước trữ tại các hồ thủy điện cao hơn so với cùng kỳ nên sản lượng điện tăng mạnh.

Các hoạt động thương mại, du lịch, vận tải giảm so với cùng kỳ do người dân hạn chế đi lại, tránh tập trung đông người để chống dịch. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề tạm dừng hoạt động nên ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương, các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh được thực hiện ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, khối lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân vẫn luôn được đảm bảo.

Trước những khó khăn đó, Sở Công thương Sơn La sẽ tiếp tục cố gắng khắc phục và có những giải pháp, kế hoạch thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển công nghiệp, thương mại trong trạng thái bình thường mới.

Vâng, cảm ơn bà đã dành thời gian trả lời phỏng vấn báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt. 

Hà Hoàng