dd/mm/yyyy

Sìn Hồ chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã xây dựng các phương án, chuẩn bị mọi điều kiện, sẵn sàng ứng phó...

Thiên tai ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân Sìn Hồ

Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, địa hình đồi núi cao, có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi sông suối, hẻm vực, sườn dốc. Vào mùa mưa thường xảy ra lũ ống, lũ quét khó dự báo, lượng nước đổ về lớn khiến nguy cơ sạt lở đất đá cao.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ở huyện Sìn Hồ ngày càng trở nên khắc nghiệt ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân, thiệt hại do thiên tai gây ra có chiều hướng gia tăng qua các năm.

Sìn Hồ chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai  - Ảnh 1.

Trên địa bàn huyện Sìn Hồ hiện có 45 hộ có nguy cơ bị sạt lở. (Ảnh: Thanh Ngân)

Được biết, trên địa bàn huyện Sìn Hồ hiện còn 137 hộ có nguy cơ mất an toàn cao, nhiều vị trí thường xuyên xảy ra thiên tai, nằm rải rác tại các xã như: Tả Ngảo, Làng Mô, Tả Phìn, Nậm Cuổi, Pa Tần... Trong đó có 31 hộ có nguy cơ bị lũ quét, 45 hộ có nguy cơ bị sạt lở đất, còn lại nhiều hộ ven sông suối có nguy cơ phải di dời nhà cửa khi có mưa lớn.

Trên tuyến đường tỉnh lộ 128 của Sìn Hồ, đoạn km 17+300, mùa mưa năm 2021 đã sạt lở hàng nghìn mét khối đất, đá, gây ùn tắc giao thông. Tuyến Quốc lộ 12 đoạn qua địa phận xã Pa Tần cũng thường xuyên bị ngập úng ở nhiều điểm.

Sìn Hồ chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai  - Ảnh 2.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Sìn Hồ thường xuyên bị sạt lở khi mùa mưa tới. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trao đổi với PV, anh Mùa A Sinh người dân xã Tả Ngảo cho biết: Những năm trước cứ đến mùa mưa, trên địa bàn xã lại xảy ra sạt lở núi gây tắc đường làm ảnh hưởng tới việc đi lại, lưu thông hàng hóa; mưa đá, gió lốc làm hỏng nhà cửa, hoa màu của mọi người. Năm ngoái, mưa đá đã làm hư hỏng toàn bộ mái nhà và hoa màu của gia đình tôi.

 Nhiều giải pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại thiên tai ở Sìn Hồ

Rút kinh nghiệm từ các vụ thiên tai trước đây, huyện Sìn Hồ đã tiến hành rà soát các điểm dân cư nằm trong khu vực nguy hiểm; kiểm tra thực tế tại các điểm xung yếu, chuẩn bị sẵn phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống khi có thiên tai xảy ra. Đồng thời, huyện Sìn Hồ đã thành lập các tổ công tác nhằm tuyên truyền, vận động các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm di chuyển đến nơi an toàn, chủ động gia cố nhà cửa, có phương án bảo vệ cây trồng vật nuôi giảm thiệt hại về con người, tài sản trước mùa mưa bão.

Sìn Hồ chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai  - Ảnh 3.

Huyện Sìn Hồ đã chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý tuyến đường thực hiện phương án ứng trực máy móc, nhân lực 24/24, khi có sạt lở xảy ra không để ách tắc giao thông kéo dài. (Ảnh: Thanh Ngân)

Tại những điểm thường xuyên xảy ra sạt lở, huyện Sìn Hồ đã chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý tuyến đường thực hiện phương án ứng trực máy móc, nhân lực 24/24, khi có sạt lở xảy ra không để ách tắc giao thông kéo dài; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng các điểm ngập úng, qua đó đề xuất các phương án khắc phục trong mùa mưa tới.

Ngoài đảm bảo thông suốt hạ tầng giao thông, công tác đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi, tài sản, tính mạng của người dân cũng được huyện Sìn Hồ quan tâm. Nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại trước diễn biến bất thường của thời tiết, huyện Sìn Hồ đã chỉ đạo các địa phương thành lập các đội phản ứng nhanh tại chỗ để kịp thời ứng phó với: mưa đá, gió lốc và sạt lở đất; phối hợp với các phòng chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ người dân che chắn chuồng trại, cây trồng; kịp thời di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Sìn Hồ chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai  - Ảnh 4.

Người dân Sìn Hồ khắc phục hậu quả sau vụ sạt lở đất,đá. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trao đổi với PV, ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Hiện nay, thời tiết tại địa phương ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường làm ảnh hưởng đến nhiều công trình giao thông, sự an toàn của người dân và hoa màu trên địa bàn. Ngay từ đầu năm, huyện đã chủ động xây dựng các phương án để ứng phó với thiên tai, trong đó chú trọng thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) nhằm giảm thiểu thiệt hại trong mọi tình huống xảy ra. Huyện thường xuyên chỉ đạo các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời, đặc biệt là mưa đá, gió lốc tại các xã vùng cao; lũ quét, sạt lở đất tại vùng thấp...tới cộng đồng dân cư. Qua đó, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của người dân, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Thanh Ngân-Phạm Hoài