dd/mm/yyyy

Sau loạt bài: "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: "Nông dân số" chăm cá, trồng lúa... hiệu quả hơn

Sau khi Trang trại Việt điện tử đăng tải loạt bài: "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp, phóng viên đã về thực tế các địa phương và nhận thấy các lãnh đạo, cán bộ cơ sở đã thay đổi cách làm, hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm số chăm sóc cây trồng, vật nuôi thuận lợi và hiệu quả hơn.

Sau loạt bài: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp của Trang trại Việt điện tử, người nuôi cá ở các xã, huyện tại Vĩnh Phúc được cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn sử dụng thiết bị cảm biến kiểm soát môi trường nước trong ao và chăm sóc cá tự động thuận lợi và hiệu quả hơn.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Sau khi Trang trại Việt điện tử đăng tải loạt bài: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp", lãnh đạo một cơ quan thuộc Bộ NNPTNT đã lên tiếng cảm ơn phóng viên và Báo điện tử Dân Việt đã thông tin kịp thời về các hạn chế trong các mô hình, dự án chuyển đổi số ở các địa phương.

Đáng chú ý hơn, đơn vị đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn ở các địa phương gặp vấn đề trong việc thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phần mềm số cho nông dân như báo đã phản ánh phải giải trình về vụ việc và rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác chuyên môn giúp nông dân áp dụng phần mềm (App), thiết bị mới vào sản xuất đúng hướng và hiệu quả hơn.

Về thông tin liên quan đến hệ thống cảm biến ao cá... nằm bờ vì mạng chập chờn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện việc rà soát lại các mô hình và thay đổi cách làm, lựa chọn đối tượng tham gia mô hình sát với thực tế hơn.

Ông Dương Văn Phương - Trưởng phòng Thông tin, Tuyên truyền (Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc) cho biết, ông rất cảm ơn các thông tin, phản hồi từ các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài...

"Thông qua thông tin từ các bài báo, đã giúp chúng tôi có cách tiếp cận, triển khai các mô hình, dự án về chuyển đổi số mang lại hiệu quả hơn với người dân", ông Phương nói.

Sau loạt bài:"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Cán bộ thay đổi cách làm, nông dân vào App thuận lợi hơn - Ảnh 3.

Ông Trần Ngọc Thanh ở xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) sử dụng máy tính bảng điều khiển hệ thống cảm biến kiểm soát môi trường nước và cho cá ăn tự động hiệu quả hơn trước.

Ông Phương cho biết thêm, sau gần 3 năm triển khai "Mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh", đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 18 nông dân tham gia mô hình giúp cho công việc chăn nuôi cá hiệu quả có thu nhập cao hơn.

"Bên cạnh những hiệu quả, qua mấy năm triển khai, chúng tôi nhận thấy mô hình này vẫn còn một số hạn chế cần phải điều chỉnh lại cho hợp lý hơn. Trong đó, việc lựa chọn đối tượng tham gia mô hình cần phải điều chỉnh theo hướng chọn các nông dân có trình độ tiếp cận công nghệ mới nhanh hơn, có diện tích, vị trí, điều kiện sản xuất cao hơn để áp dụng phần mềm mới đạt hiệu quả cao và bền vững hơn", ông Phương khẳng định.

Ngày đầu tháng 11/2023, đến thăm lại mô hình chăn nuôi cá áp dụng hệ thống cảm biến kiểm soát môi trường nước ở các xã, huyện của Vĩnh Phúc, chúng tôi cảm nhận thấy bà con đã vận hành phần mềm mới thuận lợi hơn trước.

Nếu như trước đây, ông Trần Ngọc Thanh ở xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) thường dùng tay để bật hệ thống cảm biến thì nay ông đã được cán bộ khuyến nông kèm cặp, hướng dẫn sử dụng máy tỉnh bảng điều khiển hệ thống cảm biến kiểm soát môi trường nước và cho cá ăn tự động hiệu quả hơn.

Sau loạt bài:"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Cán bộ thay đổi cách làm, nông dân vào App thuận lợi hơn - Ảnh 4.

Ông Trần Ngọc Thanh ở xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) điều khiển hệ thống quạt nước tạo oxy điều hòa nước ao giúp cá nuôi khỏe mạnh hơn.

"Dù đã có tuổi nên mắt mờ dần, tay lướt mạng chậm hơn nhưng tôi vẫn cố gắng tập trung học hỏi và giờ đã điều khiển thiết bị mới nhanh hơn", ông Thanh nói và cho biết, do mình hay chủ quan, ngại tiếp cận kỹ thuật mới nhưng khi đã sử dụng các phần mềm mới thấy rất hiệu quả, việc chăm sóc cá nhàn hơn, tránh được nhiều rủi ro hơn so với cách chăm sóc truyền thống trước đây.

Dù tham gia "Mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh" muộn hơn ông Thanh nhưng ông Đào Duy Thảo (sinh năm 1974), chủ trại nuôi cá ở Yên Lạc ( Vĩnh Phúc) lại sử dụng thiết bị mới chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Hôm chúng tôi đến thăm trại cá, đón tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, vừa pha trà mời khách thưởng thức, ông Thảo vừa lấy điện thoại smartphone đăng nhập vào ứng dụng mới, các thao tác đều rất nhanh và thuần thục.

"Hệ thống cảm biến có 4 chỉ số như độ pH, nhiệt độ, ORP (chỉ số tổng hợp), oxy hòa toan đều được cài đặt tự động. Đơn cử như chỉ số về độ pH tôi luôn để ở mức từ 6-8, nếu pH và các chỉ số khác trong nước vượt ngưỡng này hệ thống sẽ tự động báo về điện thoại và tự động chạy quạt nước cung cấp thêm oxy điều hòa nước giúp cá nuôi lớn nhanh hơn"- ông Thảo tiết lộ và cho hay:

Nếu như trước đây ông phải thường xuyên đi thăm ao và dùng biện pháp thủ công để đo môi trường nước thì nay ông chỉ cần ngồi trong nhà hoặc đi xa cũng có thể kiểm soát được chất lượng nước và cài đặt hệ thống tự động cho cá ăn hiệu quả hơn.

Sau loạt bài:"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Cán bộ thay đổi cách làm, nông dân vào App thuận lợi hơn - Ảnh 6.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh chăm sóc cá.

Sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu, phun hạt giống, bón phân cho cây trồng rất hiệu quả, giảm chi phí

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Lâm Trọng Nghĩa (33 tuổi), một kỹ sư nông nghiệp, tổ trưởng tổ phun xịt thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho biết, hiện các máy bay không người lái của tôi mua hàng qua doanh nghiệp (hàng nhập khẩu hàng từ Trung Quốc) của vẫn hoạt động bằng sóng 4G và vẫn bay bình thường. Chúng tôi có dùng nhiều dòng máy, trong đó có loại 40 lít có thể phun thuốc cho 20-30ha lúa/ngày.

Sau loạt bài:"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Cán bộ thay đổi cách làm, nông dân vào App thuận lợi hơn - Ảnh 7.

Ông Đào Duy Thảo (sinh năm 1974), chủ trại nuôi cá ở Yên Lạc ( Vĩnh Phúc) chia sẻ thông tin về các chỉ số môi trường được kiểm soát thông qua hệ thống cảm biến hiện đại tại gia đình.

"Đến nay chúng tôi lấy chi phí phun thuốc khoảng 15.000 đồng/ha. Nhờ hiệu quả phun xịt tốt nên phun bằng máy bay sẽ giảm được khoảng 30% chi phí thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) so với phun xịt bằng tay. Dù năng suất lúa không có nhiều thay đổi nhưng nhờ tiết kiệm được chi phí thuốc BVTV nên so với cách phun xịt thuốc truyền thống, ứng dụng máy bay công nghệ có thể giúp nông dân tiết kiệm khoảng 2 triệu đồng/ha”, anh Nghĩa nói.

Cũng theo anh Nghĩa, dù thiết bị không người lái đang mang lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp nhưng thiết bị này vẫn còn rất mới với nông dân nên đội bay của anh thường xuyên phải thay đổi cách tuyên truyền và vận động bà con áp dụng công nghệ mới vào sản xuất.

"Nhiều nông dân còn e ngại dùng máy bay nhưng sau khi chúng tôi hướng dẫn tận tình giúp bà con vận hành hiệu quả các máy bay thì bà con rất hào hứng và yên tâm đưa thêm nhiều thiết bị mới áp dụng vào sản xuất", anh Nghĩa chia sẻ thêm.

Sau loạt bài:"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Cán bộ thay đổi cách làm, nông dân vào App thuận lợi hơn - Ảnh 8.

Sử dụng máy bay không người lái giúp người dân phun thuốc trừ sâu, phun hạt giống, bón phân cho cây trồng hiệu quả hơn.

Là địa phương đi đầu trong việc đưa, áp dụng nhiều máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu, bón phân phục vụ người dân trên địa bàn, ông Võ Xuân Tân - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã thống kê trên địa bàn tỉnh đã có khoảng hơn 40 máy bay không người lái.

Trong đó hơn 10 máy được hưởng chính sách hỗ trợ của địa phương. Khoảng hơn 30 máy bay do người dân chủ động mua, đầu tư với đủ các loại từ vài trăm triệu đồng đến 600 triệu đồng/máy để phục vụ công việc sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, còn rất nhiều máy bay được người dân ở các địa phương khác đưa sang để phun, bón phân thuê cho bà con trong tỉnh.

"Sau quá trình sử dụng, đánh giá, chúng tôi nhận thấy máy bay không người lái hoạt động, phụ sản xuất rất hiệu quả nhưng trung tâm cũng sẽ hướng dẫn, chuyển giao thiết bị mới này cho người dân theo từng giai đoạn và từng bước một để bà con sử dụng hiệu quả hơn, tránh rủi ro", ông Tân nói và cho rằng:

Bên cạnh việc đưa máy bay vào phục vụ sản xuất, sắp tới, Trung tâm cũng sẽ nghiên cứu và phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn để đưa thêm các thiết bị, công nghệ mới khác vào phục vụ nông dân sản xuất hàng hóa tạo ra các sản phẩm chất lượng cao vừa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Bộ NNPTNT: Chuyển đổi số là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển đối với mọi thành phần kinh tế, trong đó có khu vực kinh tế tập thể. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chương trình, chỉ đạo về chuyển đổi số quốc gia (Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" xác định nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu "Mỗi người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng".

Trong bối cảnh hiện nay, tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng, nhưng phần lớn nông dân, HTX quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực để đầu tư công nghệ, hạ tầng số, công nghệ thông tin phục vụ sản xuất. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 03/6/2023 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Chỉ thị của Thủ tướng xác định 6 quan điểm chỉ đạo, 9 nhiệm vụ giải pháp cụ thể cho các Bộ/ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi số khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Trần Quang