Không thể thiếu đội ngũ khuyến nông cơ sở
Ông có đánh giá, nhận xét gì những kết quả cũng như các hạn chế trong chuyển đổi số nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay?
-Hiện nay đang có nhiều tranh luận về việc bỏ khuyến nông cơ sở và khuyến nông cơ sở sẽ được ghép vào tổ dịch vụ. Nếu là dịch vụ thì họ sẽ không còn chức năng đào tạo, tập huấn,chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân.
Theo ý kiến của tôi, bộ phận khuyến nông cơ sở vẫn nên giữ, không nên giải thể. Vì bộ phận này giúp bà con tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số nhanh và hiệu quả nhất.
Bởi hiện nay ở các vùng nông thôn ở Việt Nam, chỉ có bộ phận cán bộ khuyến nông tiếp cận bà con nhanh nhất và qua đó họ có thể giới thiệu các gói kỹ thuật, các máy móc, thiết bị mới như máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu, hệ thống cảm biến chăm sóc cây trồng, vật nuôi tự đông... Thậm chí thông qua các cán bộ khuyến nông, bà con được giới thiệu các mô hình, địa điểm hay, làm ăn hiệu quả để nông dân học hỏi, làm giàu...
Vì vậy, nếu chúng ta bỏ bộ phận khuyến nông cơ sở sẽ rất nguy hiểm. Mới đây, ngay tại Hà Nội, chúng tôi dự một hội nghị nghe thấy nhiều thông tin, kiến nghị giải thể khuyến nông cơ sở, nhưng các cán bộ khuyến nông cơ sở ở các huyện, xã rất mong muốn tiếp tục có công việc để phục vụ nông dân.
Theo ý kiến của tôi, chúng ta không chỉ duy trì mà còn phải hỗ trợ đội ngũ này mạnh về nguồn lực con người, vốn, khoa học kỹ thuật.... để các cán bộ khuyến nông cơ sở yên tâm làm việc và chuyên tâm đào tạo, tập huấn và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân trúng hơn, hiệu quả hơn.
Trong hoạt động khuyến nông, chúng ta cũng cần thay đổi cách tiếp cận với nông dân hiệu quả hơn. Theo đó, các cán bộ khuyến nông phải tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tiến tới liên kết sản xuất theo chuỗi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới vào sản xuất mới đem lại hiệu quả cao và bền vững.
Đơn cử như việc đưa máy bay không người lái vào sản xuất, chúng ta phải lựa chọn đối tượng áp dụng phù hợp hơn có trình độ cao hơn và tuyên truyền để bà con biết rõ về lợi ích của việc đưa các công nghệ mới vào sản xuất giúp giảm 50% chi phí sản xuất, vừa đảm bảo sức khỏe cho con người thì người dân mới tự tin, hào hứng tiếp cận các công nghệ mới đưa vào sản xuất để tăng thu nhập.
Tôi đi nhiều nơi, nhất là ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa thấy rằng đa phần thông tin sản xuất, các tiến bộ kỹ thuật, các công nghệ mới chưa đến được với người dân. Dù chúng ta hô hào chuyển đổi số rất mạnh nhưng tôi đi nhiều địa phương thấy vẫn chưa có, nông dân vẫn chua tiếp cận được thông tin và các công nghệ mới nên rất thiệt thòi.
Hiện, chỉ có một bộ phận nông dân ở các thành phố, vùng đồng bằng mới bước đầu tiếp cận được thông tin, áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất nhưng vẫn còn rất nhỏ lẻ.
Tôi kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành, các tỉnh, thành triển khai quyết liệt trong việc thực hiện các mô hình,dự án chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bộ NNPTNT có thể giao quyền cho bộ phận khuyến nông trực tiếp vào cuộc thông tin về chuyển đổi số, hướng dẫn người dân, đào tạo người dân sử dụng các công nghệ mới vào sản xuất.
Chuyển đổi số nông nghiệp đã và đang mang lại lợi ích như thế nào cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam?
-Người ta nói "Làm nông bây giờ không phải lội bùn" rất đúng, tôi thấy nhiều nơi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, bà con không phải lội ruộng như trước nữa mà đều làm toàn bằng máy từ khâu làm đất, gieo hạt, phun thuốc trừ sâu đến thu hoạch cũng toàn bằng máy nên việc sản xuất rất nhàn mà lại giảm được chi phí đầu vào.
Tuy nhiên, hiện nay các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số tại các tỉnh, thành chưa nhiều mà mới xuất hiện ở một số nơi.
Tôi đi nhiều vùng, kể cả ở Hà Nội thấy bà con nhiều nơi còn chưa tiếp cận được thông tin về các công nghệ mới nên bà con còn e ngại việc áp dụng các máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất sẽ tốn kém, tồn công. Để thay đổi nhận thức của bà con, chúng ta cần giao trách nhiệm cho Hội Nông dân các cấp hay bộ phận khuyến nông cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức của bà con khi đưa công nghệ mới vào sản xuất sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập hơn sản xuất truyền thống.
Để chuyển đổi số trong nông nghiệp hiệu quả và đúng hướng hơn, cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, từ các trường học, chuyên gia, cấp chính quyền cần phải vào cuộc thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số nâng cao năng lực áp dụng công nghệ mới cho các cán bộ đến nông dân hiểu hơn và áp dụng các công nghệ mới nhanh và hiệu quả hơn.
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tiếp cận các thông tin về chuyển đổi số, chúng ta cũng cần có chính sách hỗ trợ, hỗ trợ chi phí lắp đặt, mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại để bà con giảm gánh nặng chi phí đầu tư khi áp dụng công nghệ vào sản xuất.
Tôi đề xuất mỗi địa phương cần xây dựng một mô hình mẫu về nông nghiệp số. Các tỉnh, thành cũng phải đầu tư làm mô hình mẫu bài bản và hiệu quả thực sự để sau khi thành công chúng ta sẽ rút kinh nghiệm và tổ chức nhân rộng, lan tỏa mô hình này ra diện rộng để nông dân, HTX, doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả, bền vững hơn.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo ông, Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương cần phải làm gì để Chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp?
-Theo tôi, thời gian tới chúng ta cần thiết lập nền tảng dữ liệu về diện tích, sản lượng cây trồng, xây dựng bản đồ số vùng trồng các cây trồng chính để khai thác, sử dụng trong công tác quản lý nhà nước, dự báo và phát triển thị trường tiêu thụ...
Đồng thời xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; số hóa quy trình cấp để triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến; cần có kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp - cả phần cứng và phần mềm; phát triển ứng dụng công nghệ thông minh, phát triển hạ tầng internet vạn vật để phân tích, hỗ trợ giai đoạn sinh trưởng của cây trồng như: Cảm biến vi khí hậu; giám sát độ ẩm; điều tiết và tiết kiệm lượng nước tưới; thiết lập hệ thống dữ liệu và bản đồ số về diện tích, chủng loại và sản lượng các cây trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hữu cơ.
Đặc biệt, chúng ta cần nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người dân về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp; hỗ trợ người nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân.
Đặc biệt, các bộ ngành liên quan, nhất là Bộ TTTT cần phối hợp với các địa phương để nâng cấp và tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông; nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật số vào lĩnh vực nông nghiệp.
Tiếp đến là tháo gỡ khó khăn từ vốn đầu tư. Đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư để thay đổi, từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, kết cấu hạ tầng tới giải pháp công nghệ. Vì vậy, nhà nước cần bố trí nguồn vốn đầu tư lớn, xứng tầm cho các chương trình chuyển đổi số giúp các dự án, mô hình chuyển đổi số đạt hiệu quả cao, thiết thực hơn với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!