Phản hồi loạt bài: "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Bộ trưởng Lê Minh Hoan lên tiếng

Trần Quang - Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 13/11/2023 07:30 AM (GMT+7)
"Như trong các bài trong loạt bài: "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp của Trang trại Việt điện tử vừa đăng tải chúng ta phải nhìn nhận ra hai vấn đề, đó là giữa sản phẩm công nghệ, người tạo ra App đó và nông dân chưa gặp nhau".
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chia sẻ với PV Trang trại Việt điện tử như trên về loạt bài "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp được đăng tải trên Trang trại Việt điện tử.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chuyển đổi số nông nghệp như ta xây nhà mới nhưng thiếu tiền phải... chắp vá - Ảnh 1.

Phóng viên Quỳnh Nguyễn phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan bên hành lang Quốc hội.

Cần phải thay đổi tư duy của người nông dân về chuyển đối số

Thưa Bộ trưởng, Trang trại Việt điện tử vừa đăng tải loạt bài phản ánh về "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp phản ánh về các hạn chế, yếu kém trong chuyển đổi số nông nghiệp tại các địa phương, Bộ trưởng có nhìn nhận, đánh giá như thế nào về các vấn đề báo đã nêu ra về các bất cập, thách thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay?

- Chúng ta đang ở nhà cũ và bắt đầu xây ngôi nhà mới. Nếu có đầy đủ nguồn lực về con người, tiền bạc... chúng ta sẽ xây dựng được nhà mới với đầy đủ tiện nghi có nhà bếp, phòng khách và sắm được bàn ghế, giường tủ mới. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên chúng ta phải chắp vá và mang các đồ ở nhà cũ sang nhà mới để dùng. Theo đó, các đồ dùng trong nhà mới chưa thể đồng bộ ngay được.

Qua ví dụ trên để chúng ta thấy, trong quá trình chuyển đổi phải có sự sàng lọc, nhất là đối với chuyển đổi số không phải dễ dàng có thể tiếp cận được ngay. Hiện nay, giữa chuyển đổi số và công nghệ thông tin, người ta còn nhầm lẫn: Người ta tưởng chỉ cần chuyển đổi từ không gian vật lý sang không gian số là chuyển đổi số nhưng không phải mà còn cả một quá trình nữa.

Chúng ta phải cải tiến quy trình đó, số hóa từ không gian vật lý sang không gian số, số hóa dữ liệu, số hóa quy trình và cải tiến quy trình đó nhờ sức mạnh của chuyển đổi số. Thông qua chuyển đổi số, chúng ta có thể thấy được trong chuỗi ngành hàng đó có chỗ nào đó đang đứt gãy, chỗ nào đang cần tạo ra giá trị gia tăng mà nếu chỉ ở không gian vật lý hay không gian số chúng ta khó có thể làm được điều đó.

Có thể trong không gian số có nhiều lớp chồng lấn lên nhau, trong một khoảng cách chúng ta không nhìn được chiều dọc trong quá trình đi, bước đi nào đang sai để chúng ta hiệu chỉnh bước đó lại cho đúng.

Thực ra không chuyển đổi số thì chúng ta vẫn làm thủ công. Nếu sai từ số thì phải bắt đầu từ thủ công, từ tư duy thủ công.

Qua đó để nói lên được rằng, bây giờ khó có nhà nước hay một quốc gia nào chỉ sử dụng một mô hình. Hay đơn cử như về vấn đề sách giáo khoa ở Việt Nam mà lâu nay chúng ta đang bàn: Vì sao không có một bộ sách giáo khoa mà phải cần có nhiều bộ sách giáo khoa để học sinh và giáo viên lựa chọn hay vì sao trên thế giới này người ta không sản xuất một chiếc xe ô tô của một thương hiệu nào đó thôi mà phải sản xuất nhiều loại, thương hiệu khác nhau. Bởi vì mỗi người có một năng lực, sở thích, nhu cầu, tiêu dùng khác nhau.

Theo đó, nhà nước có quá nhiều App (phần mềm số) trong chuyển đổi số nông nghiệp, nó không phải là vấn đề. Chỉ có vấn đề là người làm tạo ra App đó cần phải thấy mình đưa App đó ra đó như là một sản phẩm, bản thân đó là một sản phẩm. Như vậy, khi đưa ra thì người tạo ra App đó phải cải tiến sản phẩm để phù hợp với người tiêu dùng, nếu chúng ta cải tiến kịp thời thì sẽ bị đào thải, người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm khác phù hợp hơn.

Tôi thấy trong thời gian vừa qua có nhiều App bị thất bại do những những người làm công nghệ không hiểu gì về nông nghiệp. Trong khi đó những người làm nông nghiệp lại không hiểu về công nghệ, vì thế hai đối tượng này không gắn kết và chưa gặp nhau thành ra sản phẩm đưa ra không phù hợp với thực tế nên bị thất bại.

Trong đó, người làm công nghệ tạo ra App cho nông nghiệp chỉ xử lý được về công nghệ nhưng lại không hiểu gì về bài toán thực tiễn về nông nghiệp địa phương, về nông dân, hợp tác xã, đặc biệt là chưa hiểu được nhu cầu, mong muốn của người tiêu dùng. Trong khi đó, để các App đó hiệu quả, người làm ra App đó phải thường xuyên đưa ra nhiều phiên bản, phải cập nhật, hiệu chỉnh mới các phiên bản đó để giới thiệu giống như chúng ta đi demo để hiệu chỉnh lại cho chuẩn xác.

Thông thường đa phần những App không thành công là do người tạo ra App đó là người làm công nghệ thông tin làm App cho nông nghiệp.

Công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp mặc dù như Bộ trưởng Bộ TTTT từng nói là nó còn dư địa rất lớn để phát triển công nghệ số, chuyển đổi số, thương mại điện tử, chuẩn hóa quy trình canh tác, vật tư đầu vào giúp cho người nông dân biết mua, bán sản phẩm ở đâu? Giá cả thế nào? Chất lượng thế nào?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chuyển đổi số nông nghệp như ta xây nhà mới nhưng thiếu tiền phải... cháp vá - Ảnh 3.

Dù được hỗ trợ lắp đặt hệ thống cảm biến kiểm soát môi trường nước ao và cho cá ăn tự động qua smartphone nhưng ông Trần Ngọc Thanh ở Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) vẫn dùng tay để chăm sóc cá. (Ảnh chụp tháng 10/2023).

Như Bộ trưởng nói, đa phần các "App" nông nghiệp thất bại là do người làm công nghệ thông tin không hiểu về nông nghiệp tạo ra, vậy làm thế nào để chúng ta có thể tạo ra các mô hình số, App nông nghiệp phát huy hiệu quả tốt nhất trong thực tế?

- Theo tôi người tạo ra các phần mề số trong nông nghiệp phải đặt mình vào người sử dụng App đó để xem sản phẩm đó sử dụng hiệu quả như thế nào? Hay nhóm đối tượng sử dụng App đó đã sẵn sàng sử dụng sản phẩm công nghệ đó chưa?

Ban đầu chúng ta phải thay đổi suy nghĩ của người nông dân là trước khi áp dụng chuyển đổi số hay dùng App đó thì tạo ra cái gì?tạo ra hiệu quả như thế nào trong sản xuất? tạo ra các giá trị cho nông sản tốt hơn như thế nào? Thông qua công nghệ, App giúp bà con tiếp cận thị trường nhanh hơn và bỏ qua các tầng lớp trung gian. Qua đó giúp bà con hào hứng và đón nhận phần mềm số nhanh và hiệu quả hơn.

Thường những người làm công nghệ sáng tạo ra sản phẩm công nghệ nhưng tôi thấy công nghệ chỉ là bước thứ 2. Trước khi tạo ra App chúng ta phải thay đổi suy nghĩ và cho người nông dân thấy các App đó có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất, tối đa hóa lợi nhuận, tối thiểu hóa kinh phí mình bỏ ra.

Đặc biệt, chúng ta phải giới thiệu cho nông dân các mô hình hay ở đâu đó để bà con dễ hiểu và trải nghiệm những thành công, lợi ích từ chuyển đổi số mang lại, sau đó chúng ta mới giới thiệu App của mình cho bà con biết. Khi bà con tiếp cận các App mới chúng ta cũng phải cho nông dân biết được các rủi ro, khó khăn gặp phải, và chúng ta phải đào tạo cho bà con, nâng cao năng lực hiểu biết để mọi người hiểu và sử dụng sản phẩm công nghệ hiệu quả hơn.

Như trong các bài trong loạt bài: "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp của Trang trại Việt điện tử vừa đăng tải chúng ta phải nhìn nhận ra hai vấn đề. Thứ nhất là có thể là bản thân sản phẩm công nghệ số, App (phần mềm) đó chưa phù hợp với nông dân hay App phù hợp rồi mà người sử dụng lại chưa phù hợp. Tức là giữa sản phẩm công nghệ, người tạo ra App đó và nông dân chưa gặp nhau.

Theo tôi, để hai bên (nông dân và người tạo ra App, sản phẩm công nghệ) phải gặp nhau cùng trao đổi, bàn bạc để gắn kết lại mới giúp sản phẩm công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp thực sự phát huy được hiệu quả.

Bởi vì việc sản xuất nông nghiệp rất phức tạp gồm nhiều lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản.. hay như nông dân trực tiếp sản xuất cũng có điều kiện khác nhau, có người có cả trang trại, cánh đồng mẫu lớn nhưng có nông dân chỉ có vài sào ruộng, vài ba con lợn, gà… Như vậy, chúng ta cũng phải tạo ra các phần mềm số phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau.

Bộ NNPTNT sẽ giúp kết nối gắn kết nông dân với doanh nghiệp công nghệ

Để người nông dân và người tạo ra các App nông nghiệp gặp nhau, để các dự án, mô hình chuyển đổi số nông nghiệp đạt hiệu quả cao, sắp tới Bộ NNPTNT sẽ đưa ra các cơ chế, chính sách như thế nào để hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp?

-  Sắp tới, với vai trò của mình Bộ NNPTNT sẽ cùng với các doanh nghiệp, người nông dân thẩm định, đánh giá các sản phẩm công nghệ, các App đó và xem như đó là bảo chứng của cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, đại diện là Bộ NNPTNT về mặt chuyên ngành, Bộ TTTT về mặt chuyên môn để bà con thấy được rằng, sản phẩm phần mềm số đó giống như là một nông sản đã được dán tên. Có thể một App hay là nhiều, có thể có một App riêng cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ NNPTNT không chỉ tạo ra các sản phẩm số, App nông nghiệp mà còn là đơn vị kết nối, kéo nông dân ngồi lại với doanh nghiệp, người tạo ra các App để cùng nhau áp dụng chuyển đổi số nông nghiệp hiệu quả nhất.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ cũng đã xây dựng Đề án Chuyển đối số trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi đã nhận thấy sức mạnh của chuyển đổi số đã mang lại cho ngành Nông nghiệp và cho người nông dân. Chúng tôi sẽ giúp người nông dân hiểu được vài trò của chuyển đổi số và cho bà con thấy được rằng, mình cần gì thì sẽ có các cơ quan, con người với tên tuổi, chức vụ rõ ràng sẽ trả lời, hỗ trợ, giúp đỡ mình tận tình nhất. Nhưng giữa kỳ vọng và kết quả đạt được đến nay chưa được như mong muốn.

Như Trang trại Việt điện tử đã phản ánh qua loạt bài: "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp, chúng ta thấy hiện có quá nhiều đơn vị quảng cáo, rao thông tin các sản phẩm công nghệ số, App với nông dân, ai cũng rao App mình hay, hữu ích nhưng ngành Nông nghiệp cũng chậm thẩm định lại các App này. Cũng giống như mình chuẩn hóa lại chất lượng, chuẩn hóa chất lượng một loại nông sản.

Chúng ta thẩm định lại không phải là để cho hay không cho App đó hoạt động, lưu hành nữa mà để hoàn thiện hơn, nâng cao chất lượng hơn với các App này vừa đảm bảo yêu cầu hỗ trợ, giúp ích cho người nông dân vừa đạt yêu cầu có đầy đủ công cụ thông qua chuyển đối số nông nghiệp, có đầy đủ dữ liệu để phục vụ quản lý nhà nước trong nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chuyển đổi số nông nghệp giờ như ta đang xây nhà mới  nhưng vẫn phải dùng nhiều đồ cũ - Ảnh 2.

Anh Ngô Hùng Thắng ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp giới thiệu hệ thống tưới tự động thông minh được giám sát, điều khiển từ điện thoại. Ảnh Huỳnh Xây

Bên cạnh những hạn chế, chuyển đổi số trong nông nghiệp ở các tỉnh, thành cũng xuất hiện các mô hình, dự án thành công mang lại hiệu quả cho nông dân?

"Hay có câu chuyện của các nông dân khác mệt mỏi về việc khoác bình phun thuốc trừ sâu và không phân biệt được vùng có nhiều sâu hại, vùng có ít để điều tiết phun cho hợp lý tiết kiệm chi phí. Nhận thấy nhu cầu của nông dân, các doanh nghiệp, nhà khoa học lại tạo ra lại máy bay không người lái tích hợp có kết nối vạn vật, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo… Qua đó giải được bài toán khó giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập bền vững cho nông dân".

(Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan)

- Có nhiều mô hình chuyển đổi số đã thành công. Đó là những mô hình, những người, doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm số, App đã từng lặn lội, gắn kết với nông dân để tạo ra các sản phẩm phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế, giúp ích cho nông dân, HTX sản xuất, làm ăn hiệu quả.

Minh chứng cụ thể như chuyển đổi số ở Đồng Tháp. Tại đây có câu chuyện về số hóa đồng ruộng rất hay, các doanh nghiệp, nhà công nghệ đến tận nhà, tận ruộng ngồi với nông dân để khảo sát, tìm hiểu thực tế sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như khi nông dân phản ánh trồng lúa bị nhiều sâu hại quá nhưng bà con không phân biệt được con có lợi và có hại (hay còn gọi là thiên địch) và từ đó tiêu diệt con có hại, giữ lại con có lợi giúp ích cho cây trồng.

Nắm bắt được yêu cầu đó, các doanh nghiệp đã sáng tạo ra phần mềm dùng trí tuệ nhân tạo để phân biệt các con sâu có lợi và có hại giúp bà con tiêu diệt sâu bệnh hiệu quả cho cây trồng nhưng vẫn giữ được các loài có lợi giúp ích cho mùa màng.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem