Thứ Bảy, ngày 15/02/2025 06:54 PM (GMT+7)

Làng nguyên thủy Hang Táu – Điểm tựa phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc Mông

Van Ngọc - Anh Đức

15/02/2025 18:54 GMT +7

Hang Táu (xã Chiềng Hắc, thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La) được nhiều du khách biết tới và gọi với cái tên “làng nguyên thủy” bởi nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẹn những nét đẹp xưa kia của đồng bào dân tộc Mông, cùng với đó là cuộc sống gắn liền với “3 không”: không điện, không sóng điện thoại, không wifi.

Clip: Điểm tựa phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc Mông

Hang Táu, nét đẹp của đồng bào dân tộc Mông

Thời gian qua, thị xã Mộc Châu (Sơn La) đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát huy hiệu quả chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, địa phương này đặc biệt chú trọng tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Hang Táu là một khu sản xuất của người dân trên bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Những năm qua, Hang Táu được nhiều du khách biết tới và gọi với cái tên “làng nguyên thủy” bởi nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẹn những nét đẹp xưa kia của đồng bào dân tộc Mông, cùng với đó là cuộc sống gắn liền với “3 không”: không điện, không sóng điện thoại, không wifi.

Hang Táu nơi không điện, không sóng điện thoại, không wifi. Ảnh: Anh Đức

Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Làng nguyên thủy” Hang Táu nằm trong thung lũng bốn bề là núi, là nơi sản xuất của hơn 20 hộ gia đình người dân tộc Mông. Trước đây, khi chưa tham gia phát triển du lịch, cuộc sống của cư dân bản địa chỉ lặng lẽ, ít giao tiếp với bên ngoài, tự cung, tự cấp là chủ yếu, kinh tế chủ yếu dựa vào làm nương nên gặp rất nhiều khó khăn.

Từ năm 2020, với chủ trương xây dựng bản du lịch cộng đồng Tà Số của UBND thị xã Mộc Châu, khu vực Hang Táu được biết đến nhiều hơn. Lượng khách tìm đến Hang Táu ngày càng đông, nhờ đó, đồng bào dân tộc Mông tại đây đã có thể vận hành một số dịch vụ đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách như cho thuê trang phục, thuê ngựa, bán đồ lưu niệm hay đặc sản địa phương,…

“Trước đây người dân ở khu vực Hang Táu chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi, hàng hoá sản xuất ra rất khó tiêu thụ. Từ khi được huyện Mộc Châu và dự án Great hỗ trợ, mở các lớp tập huấn về đón khách, du lịch cộng đồng, giao tiếp Tiếng Anh, bà con dân tộc Mông ở đây đã tự tin hơn, bản cũng đón rất đông khách nước ngoài đến trải nghiệm”, bà Hương nói.

Du khách đến với Hang Táu (xã Chiềng Hắc, thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La) sẽ được ngắm trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Ảnh: Anh Đức

Hang Táu điểm du lịch hút khách

Anh Nguyễn Văn Viết, du khách đến từ Nam Định chia sẻ: Trước đây được biết đến Mộc Châu và các nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Bắc trên các trang mạng xã hội. Đợt này lên du lịch Mộc Châu được trải nghiệm các hoạt động văn hóa rất ý nghĩa, người dân ở đây cũng rất thân thiện và mến khách.

Khu Hang Táu này rất bình yên, tôi rất thích không gian ở đây, tĩnh lặng và hi vọng bản phát triển du lịch nhưng vẫn sẽ giữ được không gian và sự bình yên này.

Đồng bào Mông ở Hang Táu (xã Chiềng Hắc, thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La) còn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh: Anh Đức

Hiện nay bà con Tà Số đã biết bảo tồn giá trị văn hóa của Hang Táu để phát triển thành điểm du lịch cộng đồng bền vững và vẫn giữ trọn vẹn nét nguyên sơ. Các quy định về xây dựng du lịch cộng đồng được ghi vào hương ước của bản. Tháng 8/2023, xã Chiềng Hắc thành lập hợp tác xã du lịch Hang Táu với 20 hộ thành viên. Các thành viên phục vụ đưa đón khách tham quan, trải nghiệm, liên kết với các hộ làm homestay trong bản Tà Số phục vụ ăn, nghỉ khi du khách có nhu cầu.

Anh Mùa A Châu, Giám đốc HTX du lịch Hang Táu, xã Chiềng Hắc, thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Từ khi khu vực này phát triển du lịch, chúng tôi trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn cũng dễ bán hơn. Du khách đến đây trải nghiệm ngày càng đông, đời sống bà con trong khu vực này cũng ổn định hơn trước.

Chúng tôi cũng vận động tuyên truyền cho người dân hiểu được việc giữ gìn nét văn hóa và tự nhiên ở nơi đây, cố gắng phát triển du lịch cộng đồng bền vững gắn với bảo tồn nét văn hóa truyền thống.

Hang Táu (xã Chiềng Hắc, thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La) nhìn từ trên cao. Ảnh: Anh Đức

Có thể thấy việc phát triển du lịch cộng đồng tại Hang Táu là hướng đi đúng đắn của huyện Mộc Châu trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm, đồng lòng của đồng bào dân tộc Mông trong việc khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, Hang Táu sẽ trở thành điểm đến yêu thích trên bản đồ du lịch Mộc Châu, góp phần không nhỏ vào công cuộc cải thiện chất lượng cuộc sống, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Van Ngọc - Anh Đức