dd/mm/yyyy

"Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình nông nghiệp số ở ĐBSCL (Bài 7)

"Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần làm đầu mối tuyên truyền, dẫn dắt hàng chục triệu hội viên, nông dân của mình liên kết lại với nhau để tổ chức sản xuất, chuyển đổi số nông nghiệp có hiệu quả"- ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, Phó Chủ tịch HH Nông nghiệp số Việt Nam trao đổi với phóng viên.

"Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình nông nghiệp số ở ĐBSCL (Bài 7) - Ảnh 1.

Ông Võ Quan Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An ở Long An kiểm tra sản phẩm chuối của gia đình trước khi sơ chế để xuất khẩu. Ảnh: T.L

Các chuyến tham quan mô hình, báo cáo còn hình thức

Sau khi theo dõi, đọc các bài trong loạt bài: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp đăng trên Báo điện tử Dân Việt, ông có đánh giá, cảm nhận như thế nào về các vấn đề, các hạn chế, khó khăn trong chuyển đổi số nông nghiệp mà báo đã nêu ra?

-Tôi đã theo dõi và đọc rất kỹ loạt bài về góc khuất chuyển đổi số đăng trên Báo điện tử Dân Việt. Tôi thấy báo đã triển khai làm được một loạt bài rất sâu và rất chất lượng về một đề tài thời sự rất "nóng" của ngành Nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Các vấn đề báo nêu rất đúng và rất trúng thực trạng, hạn chế, yếu kém trong các mô hình, dự án về chuyển đối số nông nghiệp triển khai từ trung ương đến địa phương hiện giờ.

Tôi thấy rằng, việc thăm quan hay học hỏi các mô hình sản xuất, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số của mình từ trung ương đến địa phương còn rất hình thức. Chúng ta hay đi tham quan các mô hình hay, mô hình mẫu nhưng lại không quan tâm đến các mô hình kém, thất bại để học hỏi, rút kinh nghiệm, bài học.

Bên cạnh đó, trong các báo cáo về các mô hình, dự án chuyển đổi số, chúng ta chỉ nêu nhiều về thành tích đạt được nhưng lại nói ít và chung chung về các hạn chế, yếu kém thành ra khi đưa ra chính sách, chủ trương và thậm chí cả việc hỗ trợ nguồn lực cũng nhiều khi không đúng và trúng với thực tiễn.

Tôi đọc Báo Dân Việt thấy các thông tin mang tính phát hiện rất hay của phóng viên như về việc lắp đặt hệ thống kiểm soát môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt ở Vĩnh Phúc nằm... trên bờ nên hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Theo tôi thấy hiện nay không chỉ ở Vĩnh Phúc gặp tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước.

Mặc dù thiết bị, hệ thống phần mềm cảm biến rất tốt nhưng nếu các đơn vị chuyên môn và doanh nghiệp không chọn đúng đối tượng áp dụng sẽ rất khó làm. Bên cạnh đó, dù có chọn đúng đối tượng để áp dụng công nghệ mới nhưng việc chuyển giao, hướng dẫn của mình không chi tiết và theo dõi, giám sát thường xuyên thì bà con cũng sẽ khó sử dụng hiệu quả được.

Đối với vấn đề về máy bay không người lái khó bay phun thuốc trừ sâu, rải phân do thiết bị, sóng kém. Đây cũng là một đề tài rất thú vị lần đầu tiên được Báo Dân Việt phát thiện, thông tin. Là người trực tiếp nhập khẩu và mua sắm nhiều máy bay không người lái để phục vụ vào sản xuất, tôi thấy các máy bay hoạt động rất hiệu quả và thông minh.

"Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình nông nghiệp số ở ĐBSCL (Bài 7) - Ảnh 2.

Anh Phạm Quang Đức ở Hoa Lư (Ninh Bình) khó vận hành máy bay vì sóng bay chập chờn.

Máy bay không người lái không chỉ làm thay con người trong việc phun thuốc trừ sâu độc hại mà máy còn có tính năng thông minh, xác định tình trạng cây trồng, tính toán chính xác lượng thuốc cần phun để tránh lãng phí thuốc và giảm tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi thu hoạch.

Khi dùng máy bay không người lái việc phun thuốc trừ sâu cho cây lúa sẽ thực hiện tự động hóa hoàn toàn, bình quân mỗi ngày có thể phun được khoảng hàng chục ha, rút ngắn thời gian phun, tăng khả năng phòng trừ sâu bệnh, giảm thiểu độc hại cho con người, bảo vệ môi trường bởi toàn bộ vỏ bao bì thuốc BVTV được người chuẩn bị thuốc thu gom, xử lý tập trung đúng kỹ thuật.

Tuy nhiên, việc điều khiển và sử dụng máy bay không người lái để phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đang có rất nhiều vấn đề, vướng mắc. Thứ nhất là việc chọn đối tượng áp dụng nhiều nơi chưa đúng và trúng, sát với thực tiễn.

Thứ 2 là việc quản lý máy bay nông nghiệp cũng có vấn đề cần được nhà nước, Bộ Quốc phòng tháo gỡ, hỗ trợ nông dân. Ví dụ như để mua máy bay phun thuốc, các loại máy bay cao để phun thuốc cho cây trồng cũng chỉ dưới 30m nhưng người dân, doanh nghiệp lại phải đăng ký và phải được cơ quan quản lý trên trung ương cho phép bay mới được cất cánh.

Theo đó, có đơn vị được ưu tiên cung cấp, phân phối bán máy bay làm ăn rất tốt, hiệu quả nhưng có một số đơn vị khác bị cạnh tranh lại hoạt động kém hiệu quả. Thành ra có câu chuyện giá thành máy bay hiện nay quá mắc. Tôi trực tiếp sang Trung Quốc, nơi sản xuất máy bay nông nghiệp nhiều nhất thế giới thấy bà con nước bạn dùng máy bay phổ biến như người dân Việt Nam chạy xe máy honda ngoài đường. Trong đó có các loại dòng máy bay cao cấp có giá khoảng trên dưới 200 triệu đồng/chiếc. Có loại máy bay mang được bình 40 lít cũng chỉ có giá hơn 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp nhập khẩu máy bay về bán cho nông dân của chúng ta cao gấp nhiều lần, có loại bán tới gần 700 triệu đồng/chiếc. Giá thế quá mắc, không phải nông dân nào cũng có điều kiện để mua sắm về dùng.

Theo trong quy định về quản lý máy bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp và các thủ tục hành chính liên quan cần phải thay đổi. Chúng ta cần phân quyền quản lý cho các địa phương cấp phép bay cho người dân sẽ giảm thủ tục và thời gian làm thủ tục giúp người dân dễ dàng mua máy để phục vụ công việc của mình. Qua đó giúp các doanh nghiệp nhập khẩu máy bay không người lái thuận lợi hơn và bán cho người dân với giá hợp lý hơn.

"Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình nông nghiệp số ở ĐBSCL (Bài 7) - Ảnh 3.

Anh Ngô Hùng Thắng ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp giới thiệu hệ thống tưới tự động thông minh được giám sát, điều khiển từ điện thoại của gia đình Ảnh: Huỳnh Xây

Thứ 3 là cần đào tạo, tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu, bón phân, gieo giống chu đáo, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải xây dựng các trung tâm sửa chữa,bảo trì, bảo dưỡng máy bay, thiết bị không người lái phun thuốc trừ sâu ở các tỉnh, thành giúp nông dân sử dụng máy bay phục vụ sản xuất thuận lợi hơn.

Chúng tôi sang tận Trung Quốc để mua máy bay không người lái về phục vụ việc sản xuất của gia đình nhưng do phía bạn hàng hướng dẫn không chi tiết và chu đáo nên việc vận hành máy bay của chúng tôi rất khó khăn, thậm chí máy bay khi bay nhiều lần bị rơi, hỏng do thiết bị và hạ tầng sóng rất kém. Bạn bè của tôi ở tỉnh khác cũng gặp khó trong vận hành máy bay khiến mọi người rất chán nản.

Thứ 4 là cần nâng cấp hạ tầng mạng internet, sóng tại các tỉnh, thành giúp các máy bay không người lái của bà con hoạt động ổn định và hiệu quả hơn.

Kinh nghiệm hay từ Đồng Tháp

Ông có nhận xét, đánh giá như thế nào về việc triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi số ở các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay?

-Hiện không riêng gì các tỉnh miền Bắc, miền Trung mà người dân, doanh nghiệp, HTX ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang rất tích cực áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử rất hiệu quả.

Tôi rất ấn tượng với mô hình chuyển đổi số ở Đồng Tháp. Tỉnh nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đã ban hành cả một Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa ban hành, đề án này được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, chuyển đổi số ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đang góp phần hiện thực hoá mục tiêu tiếp tục thay đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái, góp phần tạo ra giá trị mới trong sản xuất.

Qua chuyển đổi số còn giúp tỉnh phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng “Làng thông minh”; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn tiệm cận với thu nhập bình quân chung của tỉnh.

Không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, chuyển đổi số còn giúp nâng cao hoạt động quản lý, điều hành sản xuất thông qua việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; quản lý vùng sản xuất, quy trình sản xuất; hỗ trợ theo dõi, điều hành quy hoạch, kế hoạch sản xuất hiệu quả...

Tôi còn được biết, tỉnh Đồng Tháp kêu gọi, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia giỏi về chuyển đổi số trong nông nghiệp về giúp nông dân, doanh nghiệp, HTX áp dụng các phần mềm số, dữ liệu số trong sản xuất. Đến nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh hình thành các tổ đội sản xuất dùng các công nghệ mới phục vụ nông dân sản xuất rất chuyên nghiệp.

"Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình nông nghiệp số ở ĐBSCL (Bài 7) - Ảnh 4.

Tỉnh Đồng Tháp lắp đặt mạng lưới giảm sát sâu rầy thông minh giúp người dân sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn hiệu quả hơn.

Đặc biệt, hiện tỉnh Đồng Tháp đang triển khai ứng dụng trên điện thoại di động tích hợp dãy thuật trí tuệ nhân tạo giúp đơn giản hóa việc thu thập dữ liệu canh tác thông qua chụp ảnh và quét mã vạch, dữ liệu canh tác tự động đưa về hệ thống quản lý trung tâm, do đó việc quản lý và truy xuất nguồn gốc từ vật tư đầu vào – sản xuất – chế biến (sản phẩm chính, sản phẩm phụ) – phân phối – cuối cùng là người tiêu dùng.

Tích hợp, đồng bộ hóa trang web “dongthapxanh.vn” vào hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số. Triển khai thí điểm các thiết bị giám sát mặt đất giúp thu thập dữ liệu tự động và số hóa quy trình canh tác tại một số mô hình thí điểm cho các sản phẩm chủ lực như cá sặc rằn và một loại vật nuôi được chọn...

Tỉnh này đang đặt mục tiêu đến năm 2025, Đồng Tháp phấn đấu xây dựng 7 làng thông minh, 7 hội quán ứng dụng IoT vào sản xuất; có 15 - 20% hội quán, hợp tác xã có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử;...100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử; tư vấn hỗ trên 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Về xã hội số, sẽ hỗ trợ, tư vấn cho trên 60% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, cách thức quảng bá trực tuyến, mua bán trực tuyến.

Cần phải coi liên kết là một chương trình lớn của quốc gia

Bên cạnh các thuận lợi, chuyển đổi số nông nghiệp ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải những khó khăn, hạn chế như thế nào?

-Theo tôi thấy, vấn đề mấu chốt trong chuyển đổi số nông nghiệp là cần phải có các chuỗi liên kết đủ lớn về diện tích đất, nguồn lực, đơn vị... thì mới có thể dễ dàng áp dụng các công nghệ mới, chuyển đổi số vào sản xuất được.

Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất của hàng triệu nông dân của chúng ta vẫn theo kiểu nhỏ lẻ, nhất là ở các vùng cây ăn trái, bà con nhiều nơi vẫn làm theo phong trào nên rất khó để áp dụng các chuyển đổi số hay thậm chí là đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Ví dụ như các hộ dân trồng cây ăn trái trên diện tích vài sào hay vài nghìn mét vuông ở các khu vực khác nhau rất khó đưa, áp dụng các công nghệ mới vào áp dụng chứ đừng nói đến việc đưa máy bay không người lái vào phun thuốc trừ sâu.

Hơn nữa, việc số hóa mã số vùng trồng cũng phải làm trên diện tích lớn và có liên kết theo chuỗi mới thực hiện được. Hiện nay, chúng ta vẫn mạnh ai người nấy làm, có nơi chuyển đổi số, áp dụng phần mềm số nhưng mỗi nơi mỗi kiểu nên việc chuyển đổi số ở các vùng không đồng nhất như người nhạc trưởng không thể điều khiển được dàn nhạc của mình. Trong dàn nhạc các nhạc công biểu diễn mỗi người một kiểu rất hỗn tạp và vô nghĩa.

Để giải quyết vấn đề này, tôi kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành, các địa phương cần coi liên kết là một chương trình lớn của quốc gia để chúng ta có chính sách, chủ trương hỗ trợ và giúp người dân, các HTX, doanh nghiệp liên kết bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Chương trình liên kết sản xuất và Chương trình chuyển đổi số quốc gia cần phải thực hiện song hành với nhau mới hiệu quả.

Trong đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần phải làm đầu mối tuyên truyền, dẫn dắt hàng chục triệu hội viên, nông dân của mình liên kết lại với nhau để tổ chức sản xuất, áp dùng công nghệ hiệu quả hơn.

"Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình nông nghiệp số ở ĐBSCL (Bài 7) - Ảnh 5.

Hệ thống máy thu hoạch chuối xuất khẩu của ông Võ Quan Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An ở Long An. Ảnh: TL

Hiện nay, đơn vị của tôi đang liên kết với hàng chục nông dân, HTX để trồng chuối xuất khẩu. Cùng với ao nuôi tôm, trang trại nuôi bò... với quy mô diện tích lên đến hàng trăm ha nên việc đưa cơ giới hóa, phần mềm số vào áp dụng rất thuận lợi và hiệu quả.

Theo đó, doanh nghiệp cung cấp giống, các vật tư kỹ thuật đầu vào, quy trình kỹ thuật trồng chuối công nghiệp cho người nông dân có đất và bỏ công ra chăm sóc cây trồng. Đến mùa vụ thu hoạch, chúng tôi bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá ổn định giúp bà con yên tâm gắn bó với doanh nghiệp hơn.

Đến nay, chúng tôi đã có hệ thống kéo ròng rọc chạy khắp các khu vườn chuối rộng hàng trăm ha và áp dụng máy bay không người lái để phun thuốc, bón phân qua đường tưới tự động cho chuối và các cây trồng trong đơn vị. Đặc biệt các nhân viên trẻ của doanh nghiệp cũng tự nghiên cứu và sáng tạo ra phần mềm quản trị sản xuất rất mới và hiệu quả. Thông qua phần mềm này chúng tôi có thể theo dõi nhật ký sản xuất, hoạch toán kinh tế, thời kỳ gieo trồng, thu hoạch của từng loại cây trồng, vật nuôi.

Nhờ áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, hàng năm chúng tôi xuất khẩu hàng chục nghìn tấn sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản...

Tuy nhiên đến nay, phần mềm số của chúng tôi vẫn còn mới và gặp nhiều lỗi nên rất cần được tiếp sức để hoàn thiện hơn. Là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ KHCN, Bộ NNPTNT và các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu và hỗ trợ nông dân đưa áp dụng các phần mềm mới vào sản xuất, quản trị sản xuất... hiệu quả hơn.

Ngoài việc nghiên cứu, sáng tạo ra các phần mềm mới, các bộ ngành cần phải đồng bộ dữ liệu số các hồ sơ, cải cách thủ tục hành chính bài bản và triệt để hơn giúp người dân, HTX, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhanh, hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn Ông!

Trần Quang